Trong bất kỳ cuộc chiến nào, phụ nữ (PN) và trẻ em luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Và, “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ. Mỗi ngày đọc báo, xem đài, lướt mạng xã hội, lòng chúng ta như se thắt lại khi bắt gặp thông tin, hình ảnh những thai phụ bị nhiễm SARS-CoV-2, những bà mẹ F0 oằn oại vượt cạn không có người thân bên cạnh; những em bé phải một mình đi vào khu cách ly; những người mẹ, người vợ phải chia tay chồng, con vì trong gia đình có người bị dương tính; có người rơi vào tình trạng khó khăn, túng thiếu, không có thu nhập vì mất việc làm;...
Những khó khăn, ảnh hưởng từ dịch bệnh luôn đè nặng lên đôi vai, trái tim của những người PN vì họ vốn nhạy cảm, trách nhiệm và là “phái yếu”.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng vô cùng cảm động, thán phục, tự hào trước những người PN đang trên tuyến đầu chống dịch. Là PN, vốn mang nặng trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, chăm sóc gia đình nhưng nhiều PN đã có mặt ở tuyến đầu của cuộc chiến cam go, phức tạp. Nhiều nữ cán bộ y tế đã tạm gác niềm riêng, gửi con cho người thân chăm sóc để xông pha vào “tâm dịch”, rồi đằng đẵng hàng tháng trời không gặp chồng, con, cha mẹ, có chăng chỉ qua màn hình mờ nước mắt. Có những thầy thuốc là người mẹ đã vắt sữa của mình cho trẻ sơ sinh con của bệnh nhân nặng.
Trong đó, có những người mang thai, bị phơi nhiễm SARS-CoV-2 và ra đi mãi mãi như trường hợp một nữ hộ sinh ở tỉnh Bình Dương. Nhưng tất cả “vì sức khỏe, tính mạng của con người là trên hết, trước hết”, nhiều nữ thầy thuốc không ngại gian nan, nguy hiểm vẫn ngày đêm “căng mình” chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bệnh nhân, giành lại sự sống người bệnh nặng với tất cả tâm huyết.
Không chỉ đối mặt với nguy hiểm từ dịch bệnh, trong các cơ sở y tế, cơ sở điều trị Covid-19, những nữ bác sĩ, nhân viên y tế phải mặc trang phục phòng hộ suốt ngày, khổ sở, khó chịu vì nóng bức, ngột ngạt. Có người phải từ bỏ mái tóc dài yêu thích để bảo đảm an toàn, tiện lợi khi làm nhiệm vụ. Trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, áp lực công việc lớn, nhiều nữ nhân viên y tế phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc lớn, nhỏ. Điều đáng quý là lắm nhọc nhằn nhưng tất cả đều nỗ lực vượt qua.
Ở địa bàn dân cư, bên cạnh những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên là nam giới khỏe mạnh, vẫn có những bóng hồng đang xung kích tham gia chống dịch. Họ làm tất cả những việc được phân công, từ tuyên truyền vận động, kiểm tra thân nhiệt, lấy mẫu, truy vết, thống kê, phục vụ hậu cần, vệ sinh,... Các cán bộ, hội viên PN thì tổ chức đi chợ giúp dân, nấu ăn miễn phí, may khẩu trang, vận động và vận chuyển hàng hóa cứu trợ,... Việc gì có thể làm được thì sẵn sàng làm, làm với tinh thần trách nhiệm cao, thiết thực góp phần phòng, chống dịch. Trong quá trình tham gia, đã có những tình nguyện viên bị phơi nhiễm nhưng khó khăn, thách thức đó không ngăn được tình yêu quê hương, nghĩa đồng bào, tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng.
Đóng góp vào thành công của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 có công sức của các bà, các mẹ; đóng góp vào thành quả của cách mạng Việt Nam có sự hy sinh xương, máu của các nữ cán bộ, chiến sĩ với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; có những Bà mẹ Việt Nam “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Ngày nay, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, những người PN đã tích cực, xông pha cùng dân tộc góp phần mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân.
Những ngày tháng Tám lịch sử, xin gửi đến các chị em PN những người trên tuyến đầu chống dịch, những người đang góp công, góp của vì cộng đồng, những người đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh,... những đóa hoa hồng tươi thắm thể hiện lòng biết ơn, trân trọng và đồng cảm!
Tân An