Ông Mai Văn Chư tiếp nhận "đường dây nóng" và hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho người nhà bệnh nhân điện thoại từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)
Bán đất để thành lập Trung tâm cấp cứu từ thiện
“Không chỉ ở địa phương mà nhiều người dân ở những nơi khác khi gọi điện thoại đến đường dây nóng của trung tâm đều được hỗ trợ. Hồi đó, mẹ chồng tôi trở bệnh nặng, chồng thì bị gãy tay,... vài phút sau cuộc gọi, mấy anh em ở trung tâm đến, không chỉ chở đi cấp cứu kịp thời mà họ còn hỗ trợ đưa mẹ tôi vào phòng” - chị Ngô Thị Hồng Thủy (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) kể lại với lòng biết ơn trung tâm đã hỗ trợ gia đình.
Từng là trinh sát hình sự nhiều năm, trong những lần đi tuần tra vào ban đêm, chứng kiến nhiều trường hợp bị tai nạn, không có xe cấp cứu vận chuyển kịp thời dẫn đến nguy kịch, có khi không qua khỏi nên Trung tá Mai Văn Chư (55 tuổi) - nguyên Phó Trưởng Công an thị trấn Cần Giuộc, đã quyết định thành lập Trung tâm Cấp cứu từ thiện. Năm 2019, ông bàn với vợ bán 5.000m2 đất hương hỏa của gia đình, cùng một người bạn đang là lái xe cứu thương từ thiện góp tiền mua xe, lập Trung tâm Cấp cứu từ thiện. Ông Chư chia sẻ, từ ngày thành lập trung tâm, sau khi về hưu, ông chuyển ra ở hẳn tại đó, thỉnh thoảng mới về thăm vợ, con.
Mấy năm trôi qua, những chiếc xe cứu thương của trung tâm đã lăn bánh đưa hàng ngàn lượt BN về quê nhà khắp dải đất hình chữ S.
“Các trường hợp bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn hoặc người qua đời, dù đưa về bất kể tỉnh nào, chúng tôi cũng tiếp nhận hoàn toàn miễn phí. Cũng có trường hợp ở tận ngoài Bắc, đường sá quá xa xôi, tiềm lực không đủ nhưng vì thương BN, chúng tôi kết nối với một số nhóm thiện nguyện khác để hỗ trợ họ. Xe của chúng tôi chủ yếu chở người không có tiền thôi" - ông Chư chia sẻ về “điều kiện” để được hỗ trợ xe cứu thương.
Gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu, hiện là Đội phó Đội xe cấp cứu từ thiện, ông Bùi Thanh Tùng (54 tuổi, ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã trích tiền cá nhân mua 1 xe cấp cứu. Ông Tùng kể, gia đình ông luôn tâm niệm không có hạnh phúc nào bằng khi giúp những mảnh đời bất hạnh. Ông bỏ 400 triệu đồng mua lại chiếc xe cấp cứu đã qua sử dụng để làm từ thiện. “Tôi tình cờ biết đến anh Chư nên về đây để hỗ trợ. Tôi có một cơ sở bánh ngọt ở TP.HCM để cho vợ kinh doanh. Mỗi ngày, tôi đi - về giữa Long An và TP.HCM. Vợ tôi động viên hết mình, con trai cũng theo tôi đến đội xe. Ở đây, không phân biệt BN ở đâu, là ai, chỉ cần mọi người tìm đến trung tâm là chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ miễn phí 24/24 giờ” - ông Tùng cho biết.
Nhân viên Trung tâm Cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc vận chuyển oxy trước khi nhận chuyển người bệnh
Đa số trường hợp được trung tâm hỗ trợ là nạn nhân bị tai nạn giao thông, những người mắc bệnh nặng cần đến bệnh viện hoặc BN từ bệnh viện chuyển về nhà. Xe được đầu tư đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng như băng ca, bình oxy, túi cứu thương,... Được biết, thành viên trong đội xe cấp cứu từ thiện đều được tập huấn, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu, đẩy băng ca,... Ban đầu, trung tâm chỉ có vài nhân viên, về sau, thấy nhóm hoạt động hiệu quả, số người tình nguyện đến tham gia ngày càng đông, đủ ngành nghề, từ công an, đoàn viên, tiểu thương, tài xế dịch vụ, thợ tỉa cây cảnh, người bán hàng,... Tuy tuổi đời khác nhau nhưng họ đều chung một tấm lòng thiện nguyện.
Những "người hùng" thầm lặng
“Cảm ơn trung tâm đã hỗ trợ xã Long Thượng trước, trong mùa dịch và đến hiện nay. Chỉ cần "alo, trạm xin báo…" thì 10-15 phút sau là có xe cấp cứu đến chuyển BN kịp thời bất cứ thời gian nào. Những "người hùng" thầm lặng đã nhiệt tình giúp đỡ, phục vụ người dân Cần Giuộc nói riêng và khắp nơi nói chung” - Phó Trưởng trạm Y tế xã Long Thượng - Đặng Thị Vân Anh nói về trung tâm với lòng biết ơn và cảm phục.
Các thành viên Trung tâm Cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc túc trực hỗ trợ bệnh nhân 24/24 giờ
Theo ông Chư, có những thời điểm, trung tâm tiếp nhận 25 ca bệnh/ngày đêm. Trung bình mỗi tháng, trung tâm hỗ trợ gần 300 ca bệnh. Nhiều BN vẫn lưu số điện thoại “đường dây nóng" để giới thiệu cho những ai cần đến. Bất kể lúc nào, chỉ cần chuông điện thoại từ “đường dây nóng” vang lên, nhóm nhân viên của trung tâm lại tức tốc chuẩn bị bình oxy, xe cấp cứu để tới điểm cần hỗ trợ. Khi ê-kíp này đi, một ê-kíp trực khác lại trong tư thế sẵn sàng,... Cứ thế, suốt 4 năm qua, không kể ngày, đêm, lễ, tết, trên 20 tài xế và nhân viên của trung tâm đã cấp cứu, chuyển từ thiện trên 8.000 ca,…
Là người trẻ tuổi nhất tại trung tâm, anh Phan Văn Huy Hoàng (18 tuổi, ngụ khu phố Thanh Ba, thị trấn Cần Giuộc) cho hay, anh đến trung tâm cách nay 2 năm. “Tôi thấy chú Cư và chú Tùng làm việc này quá ý nghĩa nên xin cha mẹ cho mình đến phụ. Buổi sáng, tôi giúp cha mẹ bán hàng, đến trưa là tôi đến trung tâm. Ban đầu đến đây, tôi chỉ đi theo xe phụ một số việc nhỏ. Ấn tượng của tôi là đã cùng trung tâm cứu sống trường hợp một phụ nữ bị tai nạn giao thông rất nặng. Tôi còn nhớ cô ấy có hoàn cảnh rất khó khăn, phải ở trọ đi làm mướn. Chi phí sinh hoạt thiếu thốn, anh em đội xe chung tay hỗ trợ. Có lần, trung tâm tiếp nhận chở một cụ ông neo đơn, mất trí nhớ. Ông không có người thân, tôi tình nguyện chăm sóc ông hơn 1 tháng. Sau đó, trung tâm liên hệ với địa phương để giúp đỡ ông” - anh Hoàng tâm sự.
Đến nay, tại trung tâm có 4 xe cứu thương, trong đó, có 1 xe được 1 mạnh thường quân hỗ trợ. Phần lớn kinh phí hoạt động của trung tâm đến từ ông Chư, ông Tùng và nhận đóng góp trực tiếp từ những người có lòng hảo tâm. Tuy nhiên, trung tâm đặt ra nguyên tắc không nhận bất cứ chi phí nào từ gia đình nạn nhân, nhân viên và tài xế cũng không được phép nhận tiền bồi dưỡng riêng. Trong một số trường hợp, vì thấy gia đình BN quá khó khăn, các tài xế còn hỗ trợ ngược lại.
Các thành viên Trung tâm Cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc hỗ trợ bệnh nhân trong đợt dịch Covid-19
“Chúng tôi nhận tấm lòng của BN là quý rồi! Mỗi khi thấy từng BN được cứu sống ai cũng mừng và vô cùng xót xa khi có người không qua khỏi. Tôi sẽ làm đến khi nào không làm nổi nữa mới thôi! Thế nhưng hiện nay, vì lượng người tìm đến trung tâm khá đông, chi phí tiền dầu trung bình một tháng khoảng 65 triệu đồng, đó là chưa kể những lần xe bị hư,... Tôi lo rằng sẽ không đủ kinh phí để phục vụ những BN ở xa” - ông Mai Văn Chư trải lòng.
Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Cần Giuộc - Nguyễn Trọng Tài nhận định, việc làm của đội xe rất đáng trân trọng. Thời gian qua, trung tâm kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Thị trấn cũng tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên tham gia vào đội xe và có trường hợp được lái xe cứu thương. Không chỉ thành lập trung tâm, bản thân ông Mai Văn Chư còn hỗ trợ nuôi trẻ mồ côi tại chùa Pháp Tánh, thị trấn Cần Giuộc.
Việc làm ấm áp, chứa chan tình người của đội xe nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những hành động đẹp, việc làm ý nghĩa giữa đời thường, họ hiển nhiên trở thành những “học trò nhỏ” của Bác./.
Thanh Nga