Tiếng Việt | English

07/10/2017 - 12:33

Những mùa trăng quê

Ở thành phố suốt bốn năm đại học mà chẳng khi nào tôi thấy thành phố mất điện. Chẳng giống ở quê. Lâu lâu lại có những ngày mất điện. Với nhiều người, những ngày mất điện là những ngày nóng bức và bực bội. Nhưng với tôi, ký ức về những ngày mất điện thật êm đềm, không tất bật, ồn ào với những âm thanh xập xình, với những tiếng động cơ hì hục. Mà ở đó, tôi có những ngày mắc võng đung đưa ngó thấy cả một khoảng trời quê xanh biếc, nghiêng tai nghe những tiếng chim véo von sau vòm lá. Việc mất điện vào những mùa trăng là điều thú vị nhất.

Những ngày ấy, người dân quê tôi thường quây quần bên nhau trước khoảng sân nhà. Dưới ánh trăng vằng vặc, bao nhiêu câu chuyện không đầu không cuối cứ hiện ra, tiếng trẻ con cười đùa rôm rả cả một miền quê. Họ bỏ lại sau lưng mình những vụ mùa tất bật mà ở đó chỉ còn lại cái tình làng, nghĩa xóm cùng với những mùa trăng. Ánh lửa bập bùng hòa vào tiếng đàn, tiếng hát cứ réo rắt tưởng chừng như chưa bao giờ dứt. Ngón đờn của bác Tư cùng giọng hò của cô Sáu cứ ngập ngừng theo mỗi bước tôi đi...

Ngoài kia, giữa lòng thành phố, những cửa hàng bánh trung thu; những chiếc lồng đèn rực rỡ màu sắc đủ các loại, nào là đèn ông sao, đèn con cá, đèn điện tử với những âm thanh rộn ràng, lạ mắt. Tất cả không đủ sức níu chân tôi lại. Bởi, hình ảnh của chiếc đèn ông sao mà ba cất công làm cho tôi suốt cả buổi chiều hôm ấy cứ còn mãi trong tôi. Tình thương con được ba gởi vào từng mảnh tre ba vót, vào từng đường dán thẳng thớm làm cho chiếc đèn ông sao ấy đẹp hơn bất kỳ chiếc đèn nào khác. Nghĩ mà thương cho bọn trẻ, giữa cuộc sống bộn bề, cái gì cũng có sẵn. Bây giờ, Trung thu, chỉ việc ra mua những chiếc đèn làm sẵn vừa tiện lợi, vừa đỡ mất thời gian. Mà chẳng còn những chiều háo hức cùng ba vót nan tre, cắt giấy, chẳng còn những khi chạy sang nhà chúng bạn lén xem ba tụi nó làm tới đâu, để rồi lại hối ba làm cho kịp lúc rước đèn, phá cỗ.

Công viên ngày càng chật. Cứ hễ Trung thu hay dịp lễ, tết là trẻ con và người lớn lại kéo nhau đến. Ba mẹ dắt tay mấy đứa trẻ (vì sợ lạc) dạo quanh công viên trong ánh điện lòe loẹt, chật nứt người xa lạ. Ở quê tôi thì khác. Vào đêm rằm Trung thu, bọn con nít thường cầm chiếc lồng đèn dạo quanh khắp xóm, thi nhau hát. Mấy câu hát chệch vần, sai nhịp lại khiến tình bạn của lũ trẻ nghèo thân thiết hơn. Tình đoàn kết được thể hiện qua những trò chơi dân gian, những câu đồng dao quen thuộc.

Bánh trung thu ở quê cũng chẳng nhiều như bây giờ. Hồi ấy, nhà nào khá lắm cũng chỉ được đôi ba cái. Với những gia đình nghèo thì người lớn phải nhịn ăn, dành phần cho bọn trẻ. Được một góc bánh nhỏ mà mẹ vừa chia cũng đủ hạnh phúc hơn rất nhiều đứa trong xóm.

Một mùa trăng nữa lại về, ký ức về những mùa trăng cứ như từng dòng phim chầm chậm tua đi, tua lại. Ngồi một mình bên các loại bánh trên bàn mà sao thấy thèm quá một góc bánh mẹ cắt. Ở quê, giờ này chắc mẹ cũng ngắm trăng mà thương cho đứa con khờ một mình ở phố. Tôi ngước mặt lên trời, vầng trăng mờ nhạt cùng những sợi dây điện chằng chịt, tiếng động cơ ồn ào mà thấy thèm tiếng gió vi vu trên những cành cây, thèm một khoảng trời riêng ngắm vầng trăng tròn vành vạnh mà không mắc cạn...

Thương, thương lắm mùa trăng quê mình!

Nguyễn Chí Ngoan

Chia sẻ bài viết