1. 11 giờ, bên trong nhà kính phơi thuốc Nam được đặt trên sân thượng của Hưng Nhơn tự, phường 2, TP.Tân An khá nóng. Vậy mà, những người làm công quả tại đây cũng như đội ngũ lương y Phòng chẩn trị y học cổ truyền Hưng Nhơn tự (Phòng thuốc Nam Phước Thiện) vẫn miệt mài làm việc. Quên đi cái nắng, lưng ướt đẫm mồ hôi, ông Nguyễn Văn Toàn vẫn cặm cụi phơi thuốc. Ông Toàn nói: “Tôi quê ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, nhận làm công việc này cũng được 15 năm. Tuy lớn tuổi, hàng ngày đi lên đi xuống nhiều lần để chặt thuốc, phơi thuốc, sao thuốc,... mệt thì có mệt mà thấy giúp nhiều người khỏi bệnh là tôi vui rồi”.
Dù trời nắng nóng nhưng Phòng thuốc Nam Phước Thiện vẫn có người phơi thuốc trong nhà kính
Phòng thuốc Nam Phước Thiện hiện có khoảng 20 người, trong đó, đội ngũ chuyên môn 10 người. Phòng thuốc làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, bắt đầu từ 6-11 giờ. Mỗi ngày, có khoảng 100 lượt bệnh nhân (BN) đến khám, châm cứu, xin thuốc. Để có được nguồn thuốc phục vụ BN, Hưng Nhơn tự tự trồng các loại thuốc, phối hợp Ban sưu tầm thuốc đi thu hái và trao đổi thuốc với các phòng chẩn trị ngoài tỉnh. Trong đó, Ban sưu tầm thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của phòng chẩn trị. Khi gần hết loại thuốc nào, các lương y của phòng chẩn trị trao đổi với Ban sưu tầm để tập trung tìm loại thuốc ấy, cân bằng lượng thuốc của phòng chẩn trị.
Lương y Nguyễn Thị Thanh Ngân, phụ trách Phòng thuốc Nam Phước Thiện, cho rằng, ở đây, hầu hết là những người gắn bó với phòng thuốc từ nhiều năm. Họ có niềm đam mê với công tác xã hội, mong muốn làm những việc thiện để giúp người, giúp đời. Riêng chị Thanh Ngân làm ở phòng thuốc này khoảng 20 năm. Mỗi BN đến đều có hoàn cảnh khác nhau, song đây là nơi cứu cánh giúp họ an tâm tìm đến chữa bệnh mà không cần lo chi phí. Bởi, mọi việc từ bắt mạch chẩn đoán bệnh đến kê đơn thuốc, phát thuốc, châm cứu, xung điện,... đều hoàn toàn miễn phí. Với tấm lòng tận tâm phục vụ, các lương y, y sĩ nhiệt tình chăm sóc người bệnh như thân nhân của mình nên tạo ấn tượng tốt với BN khi đến đây điều trị bệnh.
Lương y Nguyễn Thị Thanh Ngân khám bệnh cho bệnh nhân
Chánh Thư ký Ban Trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh - Trần Minh Nhàn thông tin, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam ở các tỉnh đều có phòng thuốc Nam. Riêng tại Hưng Nhơn tự (nơi hoạt động của Ban Trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh), phòng thuốc ra đời cách nay mấy chục năm. Việc chữa bệnh bằng thuốc Nam góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện chữa trị bệnh,...
2. Nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, nhiều năm nay, Phòng thuốc Nam từ thiện tại thánh tịnh Bửu Quang Đàn trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy của nhiều người. Không chỉ người dân địa phương mà còn có cả ở các tỉnh miền Tây, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đến khám, chữa bệnh bằng thuốc Nam miễn phí.
Chủ tịch Hội Đông y xã Mỹ Lộc - Phạm Thanh Phong, phụ trách phòng thuốc Nam, cho biết, phòng thuốc ra đời mấy chục năm về trước với tên gọi ban đầu là Phòng thuốc Nam chùa Ông Đá nhưng duy trì không được thường xuyên. Bắt đầu từ năm 2016, phòng thuốc hoạt động trở lại bằng nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa và một phần đóng góp của những BN sau khi chữa khỏi bệnh hỗ trợ.
Phòng thuốc chữa một số bệnh thường gặp như cảm sốt, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, u nang, các bệnh về gan,... Có lẽ nhờ “mát tay” nên “tiếng lành đồn xa”, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, phòng thuốc còn nhận những BN ở đất nước chùa Tháp đến khám, chữa bệnh. Để bảo đảm đủ nguồn thuốc cung cấp cho BN nghèo, thánh tịnh có một đội ngũ trực tiếp đi hái thuốc, kể các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là tại tỉnh Đồng Tháp.
Phòng thuốc có 3 kho chứa thuốc với gần 200 vị thuốc Nam. Trước đây, phòng thuốc làm việc 1 tuần 2 ngày, song hiện nay chỉ còn ngày chủ nhật trong tuần. Vì vậy, lượng BN đến rất đông, có ngày trên 200 lượt. Do đó, chuyện lương y làm việc từ sáng sớm có khi đến khuya là chuyện thường diễn ra tại đây.
Chị Lê Thị Liên, ngụ tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Tôi biết đến phòng thuốc qua sự giới thiệu của người quen. Sau một thời gian điều trị, tôi thấy sức khỏe cải thiện, tinh thần tốt hơn. Vì đường sá đi lại xa xôi nên tôi tranh thủ đến khá sớm. Thầy thấy tôi ở xa nên cũng tạo điều kiện cho tôi được nhận nhiều thuốc hơn để hạn chế đi lại. Ngoài khám, chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí, những người bệnh đến đây còn được hỗ trợ cơm chay,... nên đỡ một phần chi phí”.
Chăm sóc vườn thuốc mẫu của Phòng thuốc Nam từ thiện tại thánh tịnh Bửu Quang Đàn
Cũng theo ông Phong, để phục vụ tốt hơn việc khám, chữa bệnh bằng Đông y, tại đây có vườn thuốc Nam mẫu. Theo nhận xét của Hội Đông y tỉnh, đây là một trong những vườn thuốc mẫu đẹp trên địa bàn tỉnh.
Nằm trong khuôn viên thánh tịnh Bửu Quang Đàn, vườn thuốc mẫu diện tích 2.200m2. Vườn có hàng trăm loại cây thuốc Nam, trong đó, nhiều cây theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Đạt được số lượng và chất lượng của cây thuốc như hiện tại là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể. Để trồng thành công các cây thuốc quý như cà gai leo, cần sen, cây an xoa, xáo tam phân,... mọi người dành rất nhiều thời gian sưu tầm cây thuốc, nghiên cứu đặc tính để có hướng trồng và chăm sóc phù hợp. Chúng tôi quan sát, hàng trăm loại cây thuốc Nam xanh mướt, tươi tốt là minh chứng rõ nét cho tâm huyết của mọi người đặt vào vườn thuốc.
Gắn bó với vườn thuốc từ những ngày đầu, ông Lê Văn Tám, ngụ thị trấn Cần Giuộc, chứng kiến bao sự đổi thay của nơi đây. Ông Tám chia sẻ, trước đây, khoảng đất này khá hoang sơ, mọi người đã cùng nhau cải tạo. Vườn thuốc hình thành đã lâu nhưng từ năm 2020 đến nay được đầu tư trồng vườn thuốc mẫu. Từng ô thuốc được nhổ cỏ sạch sẽ, cắm bảng tên. Theo đó, trên mỗi bảng có đầy đủ thông tin về tên cây thuốc, tên khoa học, bộ phận dùng và công dụng.
Không chỉ nhận chăm sóc vườn thuốc, ông Tám còn cùng mọi người hỗ trợ sơ chế thuốc. “Trước đây, tôi làm phụ hồ, hay bị bệnh đau nhức. Sau đó, qua người quen, cách đây tầm 7 năm, tôi đến đây để chữa trị. Thời gian sau, tôi thấy mình khỏe lên nên tình nguyện ở lại đây phụ giúp” - ông Tám nói.
Thực hiện lời dạy của Đức y tổ Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”, các hoạt động khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người nghèo chính là hình ảnh đẹp của những “ông tiên áo trắng” tận tâm, tận lực chăm lo sức khỏe cho BN nghèo./.
Thanh Nga