Tiếng Việt | English

08/04/2016 - 16:39

Góp sức trẻ cho đời

Niềm tin dành cho anh phó bí thư

Nhiều năm qua anh Nguyễn Thành Duy, phó bí thư Tỉnh đoàn, phó chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Sóc Trăng, đã thuyết phục được các quỹ từ thiện của nước ngoài hỗ trợ vốn xây trường mầm non, xóa cầu khỉ tại các xã nghèo trên địa bàn.

Anh Nguyễn Thành Duy (bìa phải) và đại diện Quỹ tài trợ Schmitz tại lễ khánh thành Trường mầm non Mỹ Phước, huyện Châu Thành - Ảnh: N.V.

15 ngôi trường và 170 chiếc cầu có thể xem là thành quả lớn lao, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Duy trong sáu năm qua.

Từ những sự gửi gắm

“Mỗi lần xuống cơ sở các xã vùng sâu, nghe người dân trăn trở giờ muốn đưa con đi học mà xa quá, cực cho tụi nhỏ, sợ thua thiệt với người ta hơn là chuyện khó khăn kinh tế. Có người còn nói đất đai ở đây bao la, muốn xây trường ở đâu mà không được” - Duy chia sẻ lý do khiến anh trăn trở “phải làm điều gì đó”.

Làm gì? Anh tìm đến tổ chức từ thiện quốc tế của Đức (từng hỗ trợ Sóc Trăng xây được ba trường mầm non tại các xã nghèo) để vận động hỗ trợ xây thêm một số điểm trường lẻ ở vùng sâu. Duy nói muốn người ta tin mình không phải là chuyện dễ, phải khảo sát thật nhiều lần những nơi khó khăn nhất, ghi hình, làm đơn..., mỗi phần việc phải làm đi làm lại cả chục lần mới được vô vòng “xét duyệt”.

Không chỉ vậy, ý tưởng của anh những ngày đầu cũng được ít người đồng thuận, thậm chí tại địa phương nhiều người vẫn không tin là sẽ thực hiện được.

Khi có “vốn” rồi, phụ huynh học sinh phấn khởi, nông dân, thanh niên địa phương tự nguyện đóng góp nhiều ngày công. Sau khi công trình hoàn thành, đại diện nhà tài trợ đến tham quan tỏ vẻ hài lòng.

“Làm tốt tất cả từ khâu xây dựng đến minh bạch cả tài chính, từ đó mình đặt thêm vấn đề muốn xây thêm các điểm trường lẻ tại các xã, ấp đi lại khó khăn vừa không tốn quá nhiều tiền để xây ngôi trường lớn nhưng lại thuận lợi cho học sinh” - anh Duy nói.

Điều khiến anh quyết tâm là tấm lòng hào sảng, khảng khái của người nông dân. Họ tình nguyện hiến đất xây trường, thậm chí có người mong mỏi có ngôi trường mới đến mức mang cả giấy tờ đất đưa cho anh để “làm tin”, có người tình nguyện hiến cả mảnh đất mình đang ở để xây trường.

“Lúc ra về ai cũng cầm tay lắc lắc nói ráng nghen con, mấy cô chú chờ tin con, cảm thấy trên vai mình có trọng trách thật lớn” - anh Duy chia sẻ.

Tạo được niềm tin ấy mà đến nay quỹ từ thiện đã hỗ trợ 15 trường học (13 trường mẫu giáo, 2 trường mầm non) và hỗ trợ 170 chiếc cầu được xây dựng rải khắp các huyện nghèo của tỉnh.

Năng nổ và nhiệt huyết

Anh Duy nói điều may mắn nhất là anh từng học kỹ sư xây dựng nên chuyện thiết kế, kỹ thuật anh đều rành hết, tiết kiệm chi phí được rất nhiều.

Rất ngại nói về mình nhưng khi nhắc đến công tác Đoàn, Hội, Duy lại cởi mở trò chuyện không ngừng.

Bạn bè ra trường đều làm công ty này, doanh nghiệp nọ, lâu ngày gặp lại hỏi han thì thắc mắc làm cán bộ Đoàn là làm gì. Duy nói thật sự ngay lúc đó không thể mô tả được hết tính chất công việc nên chỉ nói “theo tui rồi biết”.

Vậy là mỗi dịp khám chữa bệnh, xây nhà tình thương hay tổ chức các hoạt động tập hợp thanh niên, Duy rủ theo tụi bạn.

“Lúc đó các bạn hiểu ra, nhờ vậy mà những chương trình cần sự trợ giúp kỹ thuật, tài chính thì nhiều bạn hưởng ứng rất nhiệt tình” - Duy nói.

Duy cho biết khi đi nhiều, thấy nhiều, tiếp xúc nhiều đã làm bản thân trưởng thành, chín chắn hơn. Gặp những cảnh đời khốn khó, những nghị lực phi thường dám đương đầu với cuộc sống quá nhiều bất công, dẫu vậy họ vẫn sống tốt, vẫn yêu đời, anh đã học được từ họ rất nhiều.

Trong khi đó, người dân trước giờ chỉ biết cán bộ Đoàn là những người mặc áo xanh, tay xách cặp và biết nói chuyện vui thôi chứ chưa hình dung được rõ hình dáng.

“Muốn vậy phải tạo uy tín của người cán bộ Đoàn cho dân, mà để tạo uy tín thì phải đáp ứng được nhu cầu bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân, thanh niên địa phương” - anh Duy tâm đắc.

Anh Võ Chí Công, bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, chia sẻ khi Hội LHTN VN tỉnh Sóc Trăng đề xuất vận động kinh phí từ các quỹ từ thiện để xây trường ở các xã nghèo, xóa các điểm lẻ, trường học tạm, ban thường vụ vẫn có chút lo lắng vì sợ nếu không thành công thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của bà con.

“Đến nay có thể nói dự án thành công vượt tầm mong đợi, một phần từ việc “làm tới cùng” của Duy và sự ủng hộ của người dân hiến đất. Hầu như từ các cuộc làm việc, khảo sát, đến các vùng sâu vùng xa hay đi gặp những tổ chức nước ngoài đều do Duy phụ trách, năng nổ, đầy nhiệt huyết. Hiện đã có thêm hai tổ chức từ thiện tin tưởng hứa sẽ hỗ trợ xây mới thêm năm trường mầm non trong năm 2016 này” - anh Công nói.

Đại diện Quỹ từ thiện Schmitz (Đức) cho biết: “Chúng tôi tin tưởng sự minh bạch, thẳng thắn, dám làm dám chịu và hết sức ngưỡng mộ tính kiên nhẫn, dấn thân vì cộng đồng của các bạn trẻ nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng để hỗ trợ xây trường, lớp cho học sinh”.

Cô Đoàn Thị Hồng Thắm - hiệu trưởng Trường mầm non Mỹ Phước, huyện Châu Thành - nói lúc Duy xuống khảo sát thì cũng chưa tin tưởng trông mong gì lắm.

“Trong vòng một tháng, cứ cách vài ba ngày Duy lại đến trường để ghi lại hình ảnh các cháu, xin ý kiến bà con, xin số liệu để thuyết phục nhà tài trợ. Tôi nhận thấy Duy rất nhiệt tình, hăng say, đã quyết là làm đến cùng chứ không làm cho có nên ai cũng phấn khởi hi vọng.

Chỉ trong vòng một năm mà chúng tôi đã có ngôi trường mới với năm phòng học khang trang, đồ dùng học tập đầy đủ, thiệt là ngoài sức tưởng tượng của thầy trò vùng này” - cô Thắm nói.

 Thùy Trang/tuoitre online

Chia sẻ bài viết