Tiếng Việt | English

01/07/2016 - 21:35

Phải kiểm soát chặt, buộc Formosa làm sạch biển miền Trung

Formosa có thể làm được như họ nói nếu chúng ta có biện pháp, sự theo dõi, quản lý chặt và vào cuộc một cách đồng bộ, hữu hiệu.

Kết luận của Chính phủ khẳng định, những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong tháng 4 vừa qua.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về tác động tới giá trị di sản biển miền Trung từ vụ cá chết, ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản tỉnh Quảng Bình bày tỏ sự lo lắng, đồng thời khẳng định đây là một hiểm họa, tác động rất lớn đến các hệ sinh thái của môi trường cũng như tâm lý xã hội. Nếu "biển chết", giá trị di sản biển của Quảng Bình cũng sẽ biến mất theo thời gian.

Ông Trần Nguyên Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa (áo đen) cùng 6 đại diện khác cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam
Không ai dám ăn hải sản, đâu còn giá trị biển?

PV: Thưa ông, việc Formosa xả thải khiến biển Quảng Bình nói riêng, 4 tỉnh miền Trung nói chung bị ô nhiễm đã tác động như thế nào đến các giá trị di sản biển?

Ông Văn Lợi: Khi biển bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn đến cá chết hàng loạt đã tạo nên tâm lý hết sức hoảng loạn cho nhân dân ở đây. Bà con đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tuy sau đó đã lắng dịu, nhưng người dân vẫn băn khoăn, lo lắng.
Trên cương vị những người làm công tác văn hóa và hoạt động di sản, bảo vệ giá trị về môi sinh, môi trường, giá trị di tích… chúng tôi cũng hết sức lo lắng. Bởi đây là một hiểm họa, tác động rất lớn đến các hệ sinh thái của môi trường; đồng thời tác động đến tâm ký xã hội rất lớn; không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, mà cả môi trường xã hội, suy nghĩ của con người nữa.

Bây giờ nói để khắc phục là rất khó. Có nghĩa phải khắc phục làm sao đó để trả lại giá trị của biển. Nhiều vùng san hô chết, hàu không ăn được. Trong khi vùng biển miền Trung nói chung, giá trị của hàu là đặc sản. Món đặc sản này của Quảng Bình đã nổi tiếng, trở thành địa danh Quán Hàu. Nhưng giờ không ai dám ăn hàu.

Đó là chưa kể đến các giá trị khác, như biển của miền Trung có đặc sản mực, tôm hùm được đánh giá là một trong những loại hải sản có giá trị về dinh dưỡng cũng như chất lượng cao nhất toàn quốc, vì nước biển ở đây có độ mặn rất lớn cho nên mực tươi, mực khô rất ngon, được mua làm quà tới khắp miền đất nước.

Tuy nhiên, biển ô nhiễm khiến người dân rất e ngại, bị ám ảnh và không dám ăn những loại hải sản này. Sự ám ảnh vào tâm lý là rất lớn, do môi sinh, môi trường, vậy nên giá trị nguồn gốc không còn nữa. Tôi nghĩ việc này Đảng, Nhà nước cần khắc phục môi trường biển hết sức cấp thiết và phải hiệu quả, lấy lại lòng tin. Mà lòng tin của nhân dân chủ yếu là phải khắc phục được môi trường sinh thái, chứ không thể bằng sự cổ vũ, động viên, bằng chính sách đơn thuần.

Đây là điều rất khó, nhưng tôi nghĩ không thể không làm được. Formosa hoạt động ở đây, do đó kiểm tra như thế nào? Người dân có tin cậy vào Formosa tiếp tục hoạt động theo chiều hướng tốt đẹp không? Theo trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam không? Mấu chốt là cần làm sạch môi trường.

Tôi nghĩ, chúng ta đưa ra một số chính sách như chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cho ngư dân sống được, chuyển đánh bắt xa bờ… Như vậy đã thừa nhận biển đã không còn giá trị gì trong lòng nó nữa. Vì vậy, giá trị di sản đã bị hủy hoại rất nghiêm trọng.

Làm sao để giữ lại biển một cách toàn vẹn, toàn diện, không những về mặt chính trị mà phải toàn vẹn lãnh thổ cũng như sinh thái? Tôi nghĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất quyết liệt, nhưng các Bộ ngành cần quan tâm hơn nữa, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là các tỉnh trong khu vực chịu ảnh hưởng, thì may ra mới cứu được biển và trả lại tự nhiên của biển như trước đây.

PV: Thưa ông, làm sao để du khách tin tưởng trở lại Quảng Bình như trước đây?

Ông Văn Lợi: Việc biển miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng đã gây ra những hậu quả xấu về giá trị di sản. Người dân đến du lịch Quảng Bình, ngoài việc hưởng thụ các giá trị tự nhiên, người ta còn hưởng thụ giá trị của biển, những đặc sản từ biển đưa lại.

Một khi khách du lịch không dám ăn và mua hải sản về làm quà, như vậy đương nhiên trong một thời gian ngắn, Quảng Bình sẽ mất đi một giá trị di sản. Quảng Bình tự hào về những đặc sản của mình và bãi biển dài, đẹp, hệ sinh thái phong phú, nước biển rất trong xanh... Bây giờ ai dám tắm? Dù chúng ta động viên đến bao nhiêu cũng chỉ là hình thức, hiệu quả đem lại rất thấp.

Theo tôi, việc quan trọng nhất là làm cho môi trường biển sạch đẹp, ít nhiều cũng tạo được niềm tin đồng thời để người dân thấy rằng các giá trị của Quảng Bình giữ nguyên trong các giá trị hải sản, đặc sản văn hóa.

Làm sao để Formosa thực hiện cam kết?

PV: Formosa cam kết bồi thường, xử lý môi trường biển miền Trung. Theo ông, những cam kết này liệu có trả lại được giá trị biển như ban đầu?

Ông Văn Lợi: Formosa nói đền 500 triệu USD để giải quyết mọi vấn đề trong việc hủy hoại môi trường biển. Nhưng Formosa chỉ hứa hẹn trên phương diện mặt nổi nhiều hơn, ví dụ như tạo điều kiện sống, tạo điều kiện nghề… Nhưng các biện pháp để xử lý biển như thế nào đòi hỏi các nhà khoa học vào cuộc. Tuy nhiên lộ trình trong bao lâu, khi nào, bao giờ trả lại môi trường như trước đây thì không có một lộ trình cụ thể, không có biện pháp cụ thể.

Formosa có thể làm được như họ nói nếu chúng ta có biện pháp, sự theo dõi, quản lý chặt và vào cuộc một cách đồng bộ, hữu hiệu; nếu không chắc rằng sẽ kéo dài ra, rồi như dân gian nói là “đánh bùn sang ao” thôi!

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Lại Thìn/VOV.VN (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết