Tiếng Việt | English

11/06/2016 - 09:28

Kỷ niệm 68 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2016)

Phát huy truyền thống thi đua yêu nước

Cách đây 68 năm, trong lúc chính quyền cách mạng còn non trẻ của chúng ta đang đứng trước những thách thức to lớn, cam go - thù trong giặc ngoài, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc trước quốc dân đồng bào.

Người đã chỉ rõ: “Mục đích của thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; “cách làm là: dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; “Vì vậy, bổn phận của người dân việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh…”; “bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên một mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa…”; “Chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc…”, thực hiện “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

Thi đua lao động sản xuất, nhiều nông dân đạt danh hiệu "Sản xuất-kinh doanh giỏi". Ảnh: Kim Khánh

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, các phong trào thi đua ái quốc phát triển rộng khắp ở các vùng miền và trong các tầng lớp nhân dân cả nước. Từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, cũng như trong các cuộc chiến đấu kiên cường giữ nước của nhân dân ta, phong trào thi đua luôn là biểu tượng cho tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí anh hùng bất khuất của cả dân tộc, tạo thành động lực to lớn, phấn đấu vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất để giành độc lập tự do và thống nhất đất nước.

Bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đã và đang có nhiều phong trào thi đua tiếp tục được khơi dậy và nhân rộng như các phong trào: Toàn dân làm kinh tế giỏi; Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân và người lao động; Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi; Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà; Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc;… và nhiều phong trào thi đua khác do các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương phát động.

Thông qua các phong trào thi đua và các cuộc vận động xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân anh hùng và hàng triệu tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm và làm sáng lên tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh nội lực và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt, qua 30 năm đổi mới, đất nước đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tuy nhiên, vẫn còn một số phong trào thi đua có những điều bất cập như mang tính hình thức, phô trương gây lãng phí, bệnh thành tích, hiệu quả không cao,…

Kỷ niệm 68 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, để làm tốt hơn nữa lời dạy của Bác về vấn đề nầy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đặc biệt là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị vừa mới ban hành ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để các phong trào thi đua thật sự có bước phát triển mới, hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X đề ra./.

Võ Thanh Nghị

Chia sẻ bài viết