Sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 20-12-1946 đến ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước nhằm động viên toàn dân tập trung trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Đây là dịp phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, đánh giá cao vai trò của đông đảo nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.
Từ những ngày trước khi ra đi tìm đường cứu nước, chính Người đã nhìn thấy từ khi tham gia phong trào chống thuế năm 1908 rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người “cu-li” biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng như chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc...”.
Người viết: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta thì chúng ta phải đi mau” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr 419). Nhưng muốn đi mau thì chúng ta phải tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước. Sức mạnh của quần chúng, truyền thống yêu nước, ý thức tự lực, tự cường của dân tộc phải được tập hợp, tổ chức và động viên vào sự nghiệp cách mạng.
Và nội dung của Lời kêu gọi thi đua yêu nước đã thực sự đi sâu vào lòng người, được quần chúng nhân dân ủng hộ, hưởng ứng tích cực. Bởi mục đích của thi đua là để “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, làm cho “dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc”. Để đạt mục đích đó không có con đường nào khác là “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân” (Hồ Chí Minh toàn tập - CTQG, 1995, t.5, tr. 445).
Phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động 67 năm về trước đã góp phần quan trọng đánh thắng giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, phong trào thi đua yêu nước đã và đang được tiếp tục phát động sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể và trong quần chúng nhân dân khắp cả nước. Qua đó tạo ra được hiệu quả to lớn, góp phần thắng lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế, làm cho đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu./.
Võ Thanh Nghị