Tiếng Việt | English

04/12/2023 - 12:00

Phía sau những 'Giải thưởng nhân quyền'

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của nước ta xử lý nghiêm một số cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Sự cương quyết của các cơ quan chức năng thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan vẫn tìm cách xuyên tạc, vu khống, bóp méo bản chất của sự việc nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Nhận diện chiêu trò chống phá

Ngày 19/01/2022, quỹ Martin Ennals tại Geneva (Thụy Sỹ) đã công bố giải thưởng Martin Ennals 2022 dành cho những người bảo vệ nhân quyền. Trong 3 người được “nhận giải” năm 2022, có Phạm Thị Đoan Trang. Đây là một sự kiện kệch cỡm của quỹ Martin Ennals. Trên trang web của tổ chức này công bố: “Phạm Thị Đoan Trang là nhà báo hàng đầu và là nhà vận động cho dân chủ ở Việt Nam...”.

Trước hết, phải nói về cái gọi là giải Martin Ennals, được lập ra vào năm 1993 nhằm vinh danh và bảo vệ các cá nhân trên khắp thế giới đã tỏ ra đặc biệt can đảm trong việc bảo vệ và làm tăng thêm nhân quyền. Giải này lấy tên Martin Ennals - cựu Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Thực chất, đây là giải tự xưng do một số tổ chức dưới danh nghĩa nhân quyền lập nên để tạo tầm ảnh hưởng nhằm gây quỹ trên toàn thế giới. Giải thưởng được trao cho những người có hoạt động chống lại lợi ích quốc gia và dân tộc ở quốc gia của họ. Nhiều người được trao giải đang phải ngồi tù vì lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền để chống phá.

Việc giải thưởng Martin Ennals được trao cho Phạm Thị Đoan Trang - đối tượng vừa bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” một lần nữa thể hiện sự thiếu khách quan, phi thực tế và quy chụp.

Phiên tòa xét xử đối tượng Trang được diễn ra công khai, quy trình tố tụng đúng theo các quy định của pháp luật. Trang cũng không phải là “nhà báo nổi tiếng” mà chỉ là phóng viên của một tờ báo điện tử trong nước và cộng tác viên của một vài tờ báo khác.

Ngay khi quỹ Martin Ennals công bố “giải thưởng Martin Ennals 2022”, các trang web của Đài Á châu tự do (RFA), VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt đã dẫn lại thông tin để a dua. Những luận điểm và phát ngôn của các tổ chức, cá nhân nói trên đều vô căn cứ, thiếu khách quan và xuyên tạc trắng trợn tình hình Việt Nam.

Âm mưu của các thế lực thù địch

Những năm gần đây, cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” thường xuyên được các thế lực thù địch sử dụng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm gây tổn hại và tìm cớ can thiệp vào nội bộ của các nước XHCN, trong đó có Việt Nam.

Chúng tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành một số nghị quyết, báo cáo,... vu khống, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đòi gắn viện trợ nhân đạo song phương, đa phương với những đòi hỏi về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí, ngôn luận,...

Chúng kêu gọi được sự hậu thuẫn của các tổ chức phi chính phủ thông qua việc triển khai các dự án để “thúc đẩy”, “cải thiện nhân quyền”, khích lệ bọn phản động người Việt lưu vong, một số đối tượng chống đối hoạt động chống phá Việt Nam.

Nhiều cơ quan, tổ chức như Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ, Nghị viện châu Âu, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW),... trong báo cáo hàng năm, một mặt thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Để phục vụ hoạt động chống phá, chúng lôi kéo và dựng lên các nhân vật có tư tưởng bất mãn hoặc tham lam lợi ích vật chất rồi trao các giải thưởng tự xưng như Giải thưởng nhân quyền, giải “Tầm ảnh hưởng”, giải Homo Homini,... Từ đó, chúng vận động gây quỹ đấu tranh vì nhân quyền.

Để hợp thức hóa, chúng đưa ra các bản “báo cáo”, “phúc trình”,... bôi nhọ tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Chúng lợi dụng triệt để sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng và vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tuyên truyền đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng, phá hoại niềm tin của quần chúng, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ tại Việt Nam.

Qua hình thức gây quỹ để trao giải, các tổ chức nhân quyền đã nhận được rất nhiều sự tài trợ từ các tổ chức phản động, chống phá Việt Nam. Để “báo đáp”, các tổ chức này đã có những đánh giá, nhận xét thiếu khách quan, phi thực tiễn về tình hình nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam. Mục đích của chúng là bôi nhọ, khiến các quốc gia, tổ chức quốc tế hiểu sai về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế đất nước ta trong những thập niên qua là minh chứng hùng hồn, sống động nhất đập tan những luận điệu của các thế lực thù địch. 37 năm đổi mới (1986-2023) là giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển toàn diện đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Công cuộc đổi mới đã thật sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người Việt Nam và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn nhưng Việt Nam đã hỗ trợ về nhân lực, thiết bị và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 với các nước.

Chủ động đấu tranh

Nhân dân Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ để tự bảo vệ mình, tự giải phóng mình nên càng thấu hiểu giá trị của tự do, độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Bạn bè và du khách quốc tế đến Việt Nam đều nhận thấy Việt Nam thật sự “thay da, đổi thịt”; chính trị - xã hội ổn định; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân dân luôn được tôn trọng và phát huy;...

Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” và chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” chống phá cách mạng Việt Nam là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đảng ta chỉ rõ phải tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Đây thực sự là cuộc đấu tranh “một mất, một còn” giữa ta và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Theo đó, công tác lý luận, tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin cho các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, chống phá; các lực lượng, cơ quan chức năng phải không ngừng nâng cao nhận thức, kỹ năng, xây dựng kế hoạch, chiến lược, sách lược, tổ chức lực lượng,... một cách bài bản, khoa học trong quá trình đấu tranh, phản bác; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng;...”.

Cùng với đấu tranh “trực diện” với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, phải không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đa dạng hóa hoạt động đấu tranh, thiết lập và sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn một cách hiệu quả. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Không ngừng củng cố nhận thức chính trị, giữ vững “thế trận lòng dân”; làm tốt công tác vận động quần chúng, tăng cường và nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết