Tiếng Việt | English

25/05/2018 - 15:05

Phim Lý Áo dài - Thắp lên niềm tin cho người tự kỷ

Bộ phim dài 35 phút nhưng truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến khán giả và động viên tinh thần những bậc phụ huynh có con mắc chứng bệnh tự kỷ về khả năng hồi phục. Phim xoay quanh các nhân vật gồm Yến (người mẹ), Tuấn (người cha), Lý (người con trai mắc chứng bệnh tự kỷ), Trúc (bạn gái Lý) và một số vai phụ, phản diện khác.

Buổi ra mắt phim Lý Áo dài

Buổi ra mắt phim Lý Áo dài

Hành trình cùng con tìm lại giá trị cuộc sống

Yến là tiểu thư lá ngọc cành vàng, được cha mẹ cưng chiều. Cha cô luôn muốn gả cô cho một gia đình danh giá, môn đăng hộ đối, vì thế, rất nhiều người hỏi cưới nhưng đều bị từ chối. Một hôm, Yến mang chiếc áo dài của mình đến tiệm nhờ Tuấn sửa giúp. Trước khi về, Yến còn muốn Tuấn may cho riêng mình một bộ áo dài độc đáo. Hai người bén duyên từ đó. Tuấn đến nhà gặp cha Yến để hỏi cưới nhưng bị ông khước từ. Quyết tâm bảo vệ tình yêu, Yến bị cha đuổi ra khỏi nhà. Họ đến với nhau trong lặng lẽ nhưng lại vô cùng hạnh phúc. Biến cố ập đến từ khi Lý được sinh ra. Cậu không giống những đứa trẻ khác, thế giới của Lý chỉ có mẹ và không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. Để giúp con tìm lại giá trị cuộc sống, thoát khỏi chứng bệnh tự kỷ, Yến đồng hành cùng con trên chặng đường gian nan. Người mẹ ấy trở thành bạn đồng hành, giúp Lý vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ. Thành quả của hành trình gian nan ấy đơm hoa khi Lý trở thành chàng sinh viên mỹ thuật đầy tài năng. Chưa kịp hưởng hạnh phúc trọn vẹn, gia đình bé nhỏ ấy lại gánh chịu phong ba khi Tuấn gặp tai nạn và mãi mãi ra đi.

Trước cú sốc quá lớn, Yến hóa điên và mất hết ký ức. Lần này, Lý trở thành chỗ dựa và đồng hành cùng mẹ trên con đường tìm lại ký ức. Sự xuất hiện của Trúc như tiếp thêm sức mạnh cho mẹ con Lý. Đồng hành cùng Lý qua biết bao khó khăn, Trúc thắp lên niềm tin yêu trong cuộc sống của mẹ con Lý. Một lần tìm được quyển nhật ký của cha để lại, Trúc và Lý quyết định dàn dựng lại buổi gặp gỡ đầu tiên của cha mẹ. Chiếc áo dài lại xuất hiện và đây cũng là điểm gỡ nút thắt trong lòng người mẹ. Bộ phim kết thúc là cảnh đám cưới giữa Trúc và Lý. Chiếc áo dài Trúc mặc trong lễ cưới mô phỏng chiếc áo dài mà mẹ Lý đã mặc trong lễ cưới năm nào.

Chiếc áo dài giúp người mẹ tìm được lại chính mình

Chiếc áo dài giúp người mẹ tìm được lại chính mình

Giá trị nhân văn sâu sắc

Chủ nhiệm phim cũng là chủ nhiệm dự án Cùng con đi khắp thế gian - bà Trương Ngọc Minh Đăng (vai Yến - người mẹ), cho biết: “Phim xây dựng dựa trên tình tiết có thật mà chính mẹ con tôi trải qua nhưng được giảm nhẹ để đề cao tính nhân văn. Với mong muốn mang hình ảnh những bà mẹ Việt Nam can trường ra thế giới, êkíp chọn hình ảnh chiếc áo dài làm nền tảng của câu chuyện. Tên nhân vật trong phim cũng mang hàm ý về tình mẹ con. Yến - loài chim biểu tượng cho tình yêu son sắt và tình mẫu tử thiêng liêng. Lý - tên đứa con, vừa là cái tình, cái lý khi nuôi dạy con, vừa là những điệu Lý mang nét mộc mạc của người Việt. Bộ phim muốn nhắn nhủ với người xem: “Tất cả đứa con sinh ra đều là thiên thần của cha mẹ. Chỉ đơn giản là mỗi thiên thần sẽ có nhiệm vụ khác nhau và cách trưởng thành cũng khác nhau”.

Người đẹp Cộng đồng, Hoa khôi Phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2017 - Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ: “Khi được mời tham gia bộ phim, tôi hơi lưỡng lự. Sau đó, xem xong kịch bản, nhận thấy được giá trị nhân văn và ý nghĩa sâu sắc của phim nên đồng ý và đây là bộ phim đầu tiên tôi tham gia. Dù thời lượng phim ngắn nhưng gửi gắm nhiều thông điệp. Không chỉ mang hình ảnh người phụ nữ Việt can trường, tình mẫu tử thiêng liêng, chiếc áo dài truyền thống của người Việt đến với công chúng mà còn thông qua phim, như lời động viên, an ủi và cổ vũ tinh thần cho các phụ huynh có con mắc chứng bệnh tự kỷ về khả năng hồi phục và phát triển bình thường, để họ tin rằng, cuộc sống luôn kỳ diệu nếu chúng ta cố gắng, không từ bỏ”./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết