Tiếng Việt | English

20/03/2023 - 18:33

Quốc hội chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao – Lê Minh Trí  

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.

Tại điểm cầu tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh – Nguyễn Thanh Hải chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều; Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm, các đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng lãnh đạo một số ngành có liên quan.

Báo cáo tại phiên chất vấn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) - Lê Minh Trí cho biết, trong hơn nhiệm kỳ qua, VKSNDTC xác định phương châm hoạt động của toàn ngành là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, Kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” và đầu năm 2023 điều chỉnh thêm nội hàm “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”; đồng thời, chỉ đạo quán triệt, tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là triển khai cụ thể lời dạy của Bác đối với cán bộ kiểm sát viên là phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đây vừa là phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp và là phương pháp công tác mà yêu cầu mỗi kiểm sát viên phải quán triệt trong nhận thức, hành động nhằm không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sức thuyết phục, tính nhân văn trong thực hiện nhiệm vụ. Trong giai đoạn 2021-2022, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã thụ lý 299 nguồn tin về tội phạm; giải quyết 249 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thụ lý điều tra 94 vụ/114 bị can; xử lý, giải quyết 76 vụ/97 bị can, đạt gần 81%.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đặt câu hỏi chất vấn đối với Viện trưởng VKSNDTC - Lê Minh Trí

Mở đầu phiên chất vấn, về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cho rằng, thời gian qua, ngành Tòa án và Viện kiểm sát đã cố gắng để tăng tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, qua báo cáo của VKSNDTC, tỷ lệ giải quyết đơn thuộc thẩm quyền chưa đạt tỷ lệ Quốc hội giao, vẫn còn hàng ngàn đơn chưa được xem xét xử lý, trong đó có thể có quyết định bản án có sai sót, oan sai và quá thời hạn kháng nghị.

“Đề nghị Viện trưởng VKSNDTC làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên và giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ, tiến độ, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, kịp thời khắc phục những sai lầm của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật?”, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung chất vấn Viện trưởng VKSNDTC – Lê Minh Trí.

Trả lời trước Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC – Lê Minh Trí cho biết, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tuy nhiên thực tế ở nước ta có tâm lý sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành, đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều. Trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả tòa án và viện kiểm sát. Tuy nhiên, khi 2 ngành cùng giải quyết 1 vụ việc, ngành nào thuận lợi hơn thì ngành kia không làm, nhưng điều này lại khiến không đạt tỷ lệ giải quyết. Đối với những vụ, việc mà viện kiểm sát có hồ sơ thì đều giải quyết đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành Kiểm sát không đạt, bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng là áp lực lớn cho cả 2 ngành Tòa án và Viện kiểm sát.

Viện trưởng VKSNDTC – Lê Minh Trí trả lời chất vấn của các ĐBQH

Về giải pháp, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong thời gian tới, phải thực hiện đồng bộ từ quy định pháp luật đến tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và sự nỗ lực của toàn ngành thì mới có thể kiểm soát được tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Ngoài ra, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, có 24 đại biểu đăng ký chất vấn, 20 đại biểu đặt câu hỏi, một số đại biểu khác tham gia tranh luận đối với nhiều vấn đề về giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; nâng chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; các giải pháp nâng chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra VKSNDTC,…

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Khắc Định cho biết, phiên chất vấn Viện trưởng VKSNDTC diễn ra rất thẳng thắn, khẩn trương, sôi nổi, tập trung vào các nội dung chất vấn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra. Các ĐBQH đã nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi, tập trung vào các vấn đề được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, trong phần trả lời, Viện trưởng VKSNDTC với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý đã trả lời cơ bản, rõ ràng, cụ thể các câu hỏi của các ĐBQH và nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành cũng như đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành. Trong đó, tập trung vào các công tác trọng tâm từ xây dựng thể chế đến các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, công tác tổ chức cán bộ, kỷ luật, kỷ cương và công tác phối hợp các cơ quan có liên quan để làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới./.

Kiên Định – Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết