Tiếng Việt | English

20/03/2023 - 16:36

Nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án được các đại biểu quan tâm  

Trong buổi sáng có 35 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký phát biểu, 29 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu phát biểu tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) – Nguyễn Hòa Bình.

Sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng chủ trì phiên chất vấn.

Tại phiên chất vấn, Chánh án TANDTC – Nguyễn Hòa Bình khẳng định, hệ thống tòa án các cấp thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp. Đồng thời, ngành Tòa án tiếp tục đổi mới và đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ.

Chánh án TANDTC - Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tuy nhiên, ngành Tòa án vẫn còn những tồn tại nhất định như một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến chưa đồng bộ, còn hạn chế,…

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi: “Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, phải chăng còn một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết vì bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính? Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này?”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án TANDTC - Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện án hành chính có vấn đề và nhiều tồn tại. Trong đó, tỷ lệ thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Ông khẳng định, có hiện tượng nể nang, né tránh nhưng số lượng không nhiều. Đa số các thẩm phán trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý theo quy định pháp luật. Việc nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy sửa cao, mà việc này do nhiều nguyên nhân khác. Những tồn tại, hạn chế đến từ nhiều nguyên nhân như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Một nguyên nhân nữa đến từ việc tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn hạn chế. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng nể nang, nâng chất lượng xét xử án hành chính cần thực hiện việc xét xử vụ án kiện ở huyện thì giao cho tỉnh xét xử, vụ án của tỉnh thì giao cho tòa chuyên biệt xét xử.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Thị Song An đặt câu hỏi chất vấn đối với Chánh án Nguyễn Hòa Bình

Tham gia chất vấn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Thị Song An cho biết, báo cáo của TANDTC, đến hết tháng 02/2023, cả nước đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến trên 5.400 vụ. Tuy nhiên, so với tổng số vụ việc các cấp đã giải quyết trong thời gian qua, tỷ lệ xét xử trực tuyến không cao. Qua nghiên cứu báo cáo và thực tế tại cơ sở, áp lực rất lớn cho tòa án ở địa phương do thiếu nguồn kinh phí đầu tư và kỹ năng xét xử trực tuyến, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử chưa đáp ứng so với yêu cầu.

“Với trách nhiệm của mình, đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và các giải pháp cơ bản để giải quyết bất cập, hạn chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nâng cao chất lượng xét xử bằng hình thức trực tuyến?”, đại biểu Lê Thị Song An đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Song An, Chánh án TANDTC – Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc xét xử theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa, góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc xét xử trực tuyến là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, các tòa án đều chưa được đầu tư trang thiết bị dù Quốc hội khi thông qua Nghị quyết đã yêu cầu Chính phủ phải có nguồn lực để chuẩn bị. Do đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

ĐBQH Hoàng Văn Liên đặt câu hỏi chất vấn

Chất vấn đối với Chánh án TANDTC, đại biểu Hoàng Văn Liên, đoàn ĐBQH tỉnh Long An, nêu vấn đề: “Trong báo cáo của TANDTC gửi Quốc hội có nêu tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp chưa cao. Chánh án có giải pháp nào cho vấn đề này?".

Chánh án TANDTC - Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận, hiện có vấn đề về án phá sản. Theo Chánh án, hiện nay, các quy định về phá sản ở Việt Nam khác với nhiều nước. Có nước quan niệm, phá sản là quá trình phục hồi của doanh nghiệp nên có Luật Phá sản và phục hồi, coi việc kết thúc một doanh nghiệp thua lỗ là sự hồi sinh mới nên đây là hoạt động bình thường và lành mạnh. Ở nước ta vẫn coi phá sản là nghiêm trọng, nên quy định ngặt nghèo. Doanh nghiệp hết tiền vẫn bị yêu cầu đóng kinh phí làm thủ tục phá sản. “Cả nước có trên 6.000 thẩm phán rất giỏi trong án hình sự và kinh tế, dân sự, nhưng kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong giải quyết án phá sản còn thiếu. Để khắc phục, ngành tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản, nâng cao trình độ thẩm phán về các vụ án phá sản. Ngành Tòa án sẽ đề nghị Quốc hội cho phép hình thành tòa án phá sản chuyên biệt chuyên xét xử vụ án về phá sản ở các trung tâm kinh tế lớn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu giải pháp.

Thống kê của Quốc hội, trong buổi sáng có 35 ĐBQH đăng ký phát biểu, 29 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu phát biểu tranh luận đối với Chánh án TANDTC – Nguyễn Hòa Bình liên quan đến các nhóm vấn đề về giải pháp nâng chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án, nhất là án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; các giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán, công chức ngành Tòa án, việc phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án,…

Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn với lĩnh vực tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Khắc Định khẳng định phiên chất vấn đối với Chánh án TANDTC – Nguyễn Hòa Bình diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao. Các ĐBQH bám sát nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi đối với những vấn đề thuộc nội dung chất vấn, đi sâu vào các vấn đề được đại biểu, cử tri cả nước quan tâm. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của ngành, Chánh án TANDTC – Nguyễn Hòa Bình đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án trong thời gian tới./.

Kiên Định – Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết