Người nhà bệnh nhân chờ hứng nước sạch sinh hoạt tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang sáng 15-7 - Ảnh: Như Ngọc
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Hiền - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang (Kiwaco), việc cấp nước vẫn phải hạn chế công suất dưới 50% và do áp lực trong hệ thống đường ống chưa có vì ngưng hoạt động hơn hai ngày qua nên những khu vực ở xa nhà máy vẫn chưa có nước.
Công ty vẫn sẽ tiếp tục cho xe bồn chở nước phân phối theo từng khu dân cư. Chiều tối 15-7, nhiều khu vực dân cư cách trung tâm Nhà máy nước Rạch Giá khoảng 1km vẫn chưa nhận được nước từ đường ống.
Người dân vẫn phải chờ xe bồn chở nước tới rồi xách từng xô vào nhà để dùng.
Bệnh viện phải ngưng một số hoạt động
Mặc dù Kiwaco khẳng định ưu tiên cấp nước cho các bệnh viện lớn, nhưng ghi nhận thực tế lại cho thấy lượng nước được cấp cho những nơi này ít hơn so với ngày thường.
Bác sĩ Phạm Minh Huệ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang - cho biết mấy ngày qua lượng nước do Kiwaco cung cấp cho bệnh viện không đủ để sử dụng, vì mỗi ngày nhà máy nước chỉ cung cấp nước cho bệnh viện từ 5g sáng đến 10g đêm.
Sau thời gian cúp nước, bệnh viện chỉ “cầm cự” được việc cung cấp nước cho sinh hoạt và chuyên môn trong hai giờ, thời gian còn lại bệnh viện phải ngưng các hoạt động có liên quan việc sử dụng nước.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Dung - giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Kiên Giang - cho hay việc cúp nước đột ngột mấy ngày qua làm cán bộ và bệnh nhân hết sức hoang mang.
Bệnh viện phải chỉ đạo ngay việc phục hồi cây nước đã bỏ hoang từ nhiều năm nay để có nước phục vụ công tác khám chữa bệnh, cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà đi cùng.
“Chúng tôi đã tiết kiệm nước đến mức tối đa, vận động giảm từ 1 người bệnh, 2 thân nhân còn 1 người bệnh, 1 thân nhân để giảm số lượng người sử dụng nước. Đồng thời cho những bệnh nhân bệnh nhẹ về nhà điều trị ngoại trú” - bác sĩ Dung nói.
Do bị cúp nước trong mấy ngày qua, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất ở Rạch Giá và trung tâm huyện Hòn Đất đã phải tạm ngưng hoạt động.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Huyền - chủ nhà trọ 299A trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Thanh, Rạch Giá - cho biết nhà trọ của mình đã ngưng nhận khách từ hai ngày nay.
Mặc dù trước đó bà Huyền đã mua nước tinh khiết để sẵn mỗi phòng một thùng 20 lít, nhưng khách vẫn không đồng ý vì lượng nước đó không thể đáp ứng nhu cầu vệ sinh. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn khác cũng phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu nước.
Hòn Đất cũng
căng thẳng
Cũng như Rạch Giá, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã trên tuyến quốc lộ 80 gồm Mỹ Lâm, thị trấn Sóc Sơn, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất khá căng thẳng.
Tiếp xúc với chúng tôi chiều 15-7, nhiều người dân cho biết rất khổ sở vì không có nước dùng cho sinh hoạt trong ba ngày nay.
Bà Nguyễn Thị Tám ở trung tâm thương mại thị trấn Sóc Sơn thở dài ngao ngán: “Ba ngày nay nhà tui không còn giọt nước nào, cả nhà sáu người không có nước tắm giặt, sáng nay phải qua nhà hàng xóm có cây nước xin được hai can về xài”.
Ông Lưu Văn Thuận - phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất - cho hay ba ngày nay người dân trong xã không có nước dùng cho sinh hoạt và cũng không hề thấy xe của Kiwaco chở nước ứng cứu.
Theo ông Thuận, nước cho sản xuất cũng quá căng thẳng. Toàn xã đã gieo sạ được khoảng 2.500ha lúa thu đông nhưng qua hai đợt mặn xâm nhập vào giữa tháng 6 và đầu tháng 7-2015, hiện hơn phân nửa diện tích nói trên có nguy cơ bị thiệt hại.
Đặc biệt, do mặn xâm nhập sâu gay gắt nên có trên 300ha ở hai ấp Tân Điền và Hưng Giang đang phải bỏ hoang không thể gieo sạ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho rằng không thể nói trước được khi nào sẽ hết khó khăn, rồi năm sau và những năm tiếp theo sẽ như thế nào cũng chưa thể dự báo được.
Trước mắt, để bảo vệ Rạch Giá và vùng phụ cận khỏi bị nước biển xâm nhập, ông Tâm đề nghị phải gấp rút xây dựng và hoàn thành ba cống ngăn mặn quy mô lớn là Sông Kiên, Kênh Nhánh và Kênh Cụt. Cả ba dự án này đều phụ thuộc nguồn vốn trung ương.
“Đó mới là những giải pháp tình thế trước mắt, còn về lâu dài tôi cho rằng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nên đề xuất Chính phủ cho chủ trương để các bộ, ngành phối hợp cùng với địa phương khảo sát địa điểm xây dựng một hồ chứa nước ngọt diện tích tối thiểu 300ha. Hồ này ngoài việc cung cấp nước ngọt còn đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp” - ông Tâm nói.
Mặn có thể kéo dài đến cuối tháng Theo ông Đặng Văn Dũng - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong mùa mưa nhưng độ mặn trên một số sông, kênh nội đồng của một số tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn ở mức cao, tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra là điều khá bất thường có liên quan đến tình hình khí tượng thủy văn. Đầu tiên là mùa mưa năm nay đến trễ, qua đến tháng 6 mới có mưa nhưng lượng mưa không đều, không nhiều, lượng mưa hụt so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa ở đầu nguồn khu vực trung - hạ Lào, Campuchia cũng ít nên lượng nước về các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long ít hơn. Chính vì lượng nước thiếu hụt nên không đủ đẩy mặn tại các cửa sông, kênh nội đồng. Trong khi đó trong những ngày đầu tháng 7, gió tây nam phát triển mạnh đẩy nước biển vào các cửa sông, đặc biệt hiện nay đang thời kỳ triều cường nên mặn vào sâu bên trong nội đồng và ở mức cao. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan nhận định nước đầu nguồn về ít, mặn xâm nhập sâu và lượng mưa tại chỗ cũng không đủ rửa mặn, nắng nóng làm nước bốc hơi khiến mặn trên các sông, kênh nội đồng dường như sắc lại. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng thiếu nước ngọt. Nhận định về nước đầu nguồn về ít, bà Lan cho rằng tuy chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng chắc chắn có sự tác động của các đập thủy điện đầu nguồn trên sông Mekong. Về tình hình thời tiết những ngày tới, bà Lan cho rằng đợt triều cường kéo dài đến khoảng ngày 17-7 nên mặn có thể duy trì đến cuối tháng. QUANG KHẢI ghi |
K.NAM - H.T.DŨNG - N.NGỌC/tuoitre online