Tự hào một vùng đất
Giai đoạn 1963-1967 được đánh giá là khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động cùng với ý chí quyết tâm thắng Mỹ, Đảng bộ tỉnh phát động phong trào toàn dân đánh giặc.
Với công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An được tặng Huân chương Hồ Chí Minh
Ngày 23/11/2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/1963 – 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện quan trọng của tỉnh trong năm 2023. Thông qua Lễ kỷ niệm, ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân, quân Long An trong công cuộc chống ngoại xâm cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Từ đó, giới thiệu, quảng bá đất và người Long An; khích lệ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh kế thừa, phát huy truyền thống của các thế hệ cha ông, phấn đấu nhiều hơn nữa xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.
|
Một trong những chiến công vang dội của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đó là Chiến thắng trận Hiệp Hòa vào ngày 23/11/1963. Đây là trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang, góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, đập tan ấp chiến lược, mở một vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn trong toàn tỉnh,...
Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch trên địa bàn trọng điểm Long An, có lúc địch tập trung đội quân viễn chinh cùng binh lính ngụy do Mỹ chỉ huy với số lượng lên đến hàng trăm ngàn tên, được trang bị phương tiện, khí tài hiện đại.
Song, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An với phẩm chất trung dũng, kiên cường, phát huy sức mạnh của lòng yêu nước đã làm nên những chiến công oanh liệt trong cao trào đánh Mỹ.
Đặc biệt ở Long An, trong giai đoạn chống “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, ý nghĩa “toàn dân đánh giặc” không chỉ là tập hợp quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích mà còn là sức mạnh của toàn dân. Thời kỳ này, phong trào toàn dân đánh Mỹ được Đảng bộ nhân rộng và phát triển lên đỉnh cao với khẩu hiệu “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”.
Ở nhiều nơi, bộ đội, du kích, nhân dân cùng thi đua đạt các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”,... Nổi bật là 45 ngày - đêm đánh Mỹ ở vùng hạ huyện Cần Giuộc và “Vành đai diệt Mỹ” ở Rạch Kiến (huyện Cần Đước) là điển hình của chiến tranh nhân dân.
Hộp hình trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 bên trong Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng cho Long An danh hiệu và lá cờ vẻ vang ghi 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Phát huy truyền thống anh hùng
Sau ngày thống nhất đất nước, phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt những thành tựu vẻ vang. Tỉnh nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống người dân, vừa chiến đấu, bảo vệ biên giới và chủ quyền lãnh thổ, vừa cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, tỉnh lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực (Trong ảnh: Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”)
Thành tựu nổi bật của tỉnh là đột phá trong việc xóa bỏ cơ chế bao cấp về sản xuất và phân phối lưu thông; tiến quân khai mở, đánh thức tiềm năng kinh tế, quốc phòng của vùng Đồng Tháp Mười. Từ sau năm 1986 đến nay, Tỉnh ủy đề ra những chương trình đột phá, công trình trọng điểm, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực và quyết liệt để lãnh đạo các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên cương và lãnh thổ quốc gia,...
Từ đó, đưa tỉnh vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành địa phương năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhiều năm qua, Long An là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước. Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên tổng thu ngân sách của tỉnh đạt gần 22.000 tỉ đồng, năm 2023 bắt đầu tự cân đối ngân sách, cơ cấu thu ngân sách từng bước vững chắc, ổn định hơn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê trên 2.800ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67%; có 17 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút gần 700 dự án;...
Viết tiếp những trang sử vàng
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết: Với truyền thống vẻ vang được kết tinh thành 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã cùng với cả nước giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tiếp tục lập nên nhiều thành tích mới, là một trong những điển hình đi đầu của công cuộc đổi mới, góp phần cho kinh tế địa phương không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Long An từng bước khẳng định vị thế trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vươn lên cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc
Trong quá trình hội nhập hiện nay, kế thừa, phát huy truyền thống của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Để đạt mục tiêu đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Tỉnh hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Theo quy hoạch được phê duyệt, tổ chức các hoạt động KT-XH trên địa bàn tỉnh theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng KT-XH, sáu trục động lực”.
“Với những định hướng trên, tôi mong muốn và tin tưởng rằng các cấp, các ngành, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục tin tưởng, đồng hành, phát huy truyền thống “trung dũng, kiên cường” với khát vọng vươn lên mạnh mẽ để phấn đấu đưa Long An trở thành tỉnh thịnh vượng theo hướng xanh và bền vững của khu vực phía Nam” - ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh./.
Huân chương Hồ Chí Minh là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An. Vì vậy, tôi mong rằng, những thế hệ đi sau, nhất là tuổi trẻ ngày nay cần ra sức học tập, giữ gìn và phát huy những thành tích mà các thế hệ cha anh, những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Trần Văn Năm (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc)
Tiếp nối truyền thống “trung dũng, kiên cường” của quê hương, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức hoạt động để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa được triển khai sâu, rộng và đồng bộ từ những “Hành trình tiếp nối truyền thống Long An trung dũng kiên cường” với các hoạt động về nguồn, giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử; thực hiện mô hình Người con hiếu thảo chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng,... Qua đó, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc; giáo dục thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão để trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội”.
Bí thư Tỉnh Đoàn - Trần Hải Phú
|
Thanh Nga