Tiếng Việt | English

15/06/2024 - 11:16

Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản  

UBND tỉnh Long An ban hành Công văn số 5788/UBND-NCTCD về việc tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 04/8/2020 về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; lực lượng công an các cấp đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời đấu tranh xử lý rất nhiều tin báo về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố 4 vụ về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi quy mô lớn; đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới.

Trước tình hình trên, để chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trên cơ sở Kiến nghị số 15/KN-VKSLA-P2 ngày 10/5/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 1785/TTr-CAT-PV01 ngày 06/6/2024; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Công văn số 2403-CV/TU ngày 07/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 (Kết luận số 12-KL/TW) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 04/8/2020 về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 17/5/2019 về thực hiện Chỉ thị số 12/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. 

Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để các cơ quan, tổ chức và nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Đồng thời, khuyến cáo người dân, nếu phát hiện trường hợp, đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn như trên thì người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng dưới bất cứ hình thức nào, sau đó trình báo cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn hành vi phạm tội và tiếp nhận, giải quyết.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng, nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động; qua đó, chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.

Công an tỉnh phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp. 

Chỉ đạo lực lượng công an các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt sản trên không gian mạng; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung và tuyên truyền cho Nhân dân biết.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý lưu trú, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc mới nảy sinh có liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp ban, ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội; kết quả xử lý của các lực lượng chức năng để người dân biết, nâng cao ý thức, nhận thức tinh thần cảnh giác với tội phạm và tích cực cung cấp thông tin, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet rà soát, đảm bảo không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo; phối hợp gửi tin nhắn cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng đến các thuê bao di động. 

Phối hợp với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Long An và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa, giới thiệu, quảng cáo đăng tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, xuất bản phẩm, quảng cáo,... tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: Phối hợp chặt chẽ các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. 

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, đoàn viên, hội viên và người lao động về tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; phối hợp nhân rộng các mô hình phong trào phòng, chống tội phạm hoạt động có hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm./.

T.H

Chia sẻ bài viết