Tiếng Việt | English

30/12/2015 - 18:38

Tăng cường thông tin chủ quyền, biển đảo bằng tiếng nước ngoài

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh yêu cầu công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc cần phải đẩy mạnh hơn trong 2016, trong đó tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài.

Ngày 30/12, phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc năm 2015; triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra tại Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Công tác thông tin đối ngoại biểu dương nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong việc tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc, góp phần quan trọng tạo môi trường ổn định và điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát triển đất nước.

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, năm 2016 là năm tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, là năm mở đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; tình hình trong nước sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức; tình hình quốc tế, khu vực, tình hình Biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh đó, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc biên giới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam nêu trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; hoàn thiện công tác tổ chức, cơ chế chỉ đạo, phối hợp từ Trung ương tới địa phương; tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức, phương thức tuyên truyền; tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan thông tin cần nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu chỉ đạo định hướng tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; tuyên truyền quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các nước lớn, đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ của Việt Nam; tranh thủ nhiều hơn nữa sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Công tác thông tin đối ngoại, năm 2015, công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc tiếp tục có nhiều chuyển biến quan trọng. Hiệu quả công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ thông tin đối ngoại ở các ban, bộ, ngành, địa phương được chú trọng nâng cao.

Các hoạt động thông tin đối ngoại các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan báo chí đối ngoại được tổ chức bài bản, đồng bộ hơn, ngày càng đi vào thực chất.

Thông tin từ Việt Nam ra nước ngoài, thông tin bằng tiếng nước ngoài phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước; đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; các hoạt động đối ngoại nổi bật của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tuyên truyền hội nhập quốc tế… được quan tâm đặc biệt.

Công tác tuyên truyền về vấn đề Biển Đông, phân giới cắm mốc trên đất liền; định hướng dư luận và đấu tranh hiệu quả với các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bên cạnh những kết quả cơ bản, quan trọng đã đạt được, Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế yếu kém cần tập trung khắc phục như cơ chế tổ chức, chỉ đạo, phối hợp tuy đã được cải tiến, đổi mới, nhưng vẫn chưa thật đồng bộ, chặt chẽ, do đó chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; công tác theo dõi nắm bắt, dự báo tình hình trong một số trường hợp hiệu quả còn chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu, chỉ đạo định hướng; nội dung, hình thức thông tin, ấn phẩm tuyên truyền vẫn chưa thật sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể.

Thông tin bằng tiếng nước ngoài mặc dù đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đến được với nhiều đối tượng quan trọng; vai trò của các cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa được phát huy đầy đủ; tính hiệu quả, thuyết phục trong công tác đấu tranh phản bác vẫn còn thấp./.  

Nguyễn Hồng Điệp/Vietnam+

Chia sẻ bài viết