Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc diễn đàn
Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn và đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh dự.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là: “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Diễn đàn được tổ chức nhằm đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện, từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Để các quy định pháp luật mới này sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội quyết định đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 4 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 01/8/2024 và chỉ đạo các bộ, ngành tập trung xây dựng, trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ vướng, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững.
Bộ Tư pháp – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cũng đã kịp thời phối hợp, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung làm rõ những vấn đề tồn tại trong các quy định về đầu tư, sản xuất kinh doanh, đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh thông tin, trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đã ban hành 122 nghị định, 215 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 quyết định, 35 chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.
“Những việc làm cụ thể đó, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH thời gian qua. GDP quí III/2024 tăng 7,4%, 9 tháng năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm” - Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.
Sau phần phát biểu khai mạc, các chuyên gia, diễn giả bước vào diễn đàn với phiên đầu tiên, tập trung thảo luận vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất. Với nội dung này, các chuyên gia đã nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Huỳnh Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Long An
Tại phiên thứ 2, với nội dung một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ, các diễn giả đã thảo luận về những khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cũng cần được sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch chính sách, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần sửa đổi trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, mặt khác yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì quy định doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Đây là lần thứ 2 diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”./.
Diễn đàn tập trung thảo luận hai vấn đề lớn:
Cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất.
Trong đó, nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.
Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cũng cần được sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch chính sách, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần sửa đổi trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời, với yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì quy định doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp.
|
Lê Đức