Tiếng Việt | English

02/09/2024 - 08:02

Thầm lặng cống hiến

Mỗi ngày, xung quanh chúng ta đều có những tấm gương thầm lặng cống hiến, góp sức giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Những câu chuyện tử tế về họ không chỉ truyền cảm hứng cho cộng đồng mà còn là bài học quý giá về lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần trách nhiệm với xã hội.

Tâm huyết với sự nghiệp nuôi dạy trẻ

Mùa hè đối với học sinh Trường Tiểu học-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) luôn khác biệt. Các em dành phần lớn thời gian tham gia lớp phụ đạo ôn tập kiến thức cũ tại trường. Bởi lẽ, ngôi trường này vốn là mái nhà thứ hai của những trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Các thầy, cô giáo ở đây không chỉ là người dạy học mà còn trở thành người mẹ, người cha bảo ban, chăm sóc các em.

Đặc biệt hơn, những người “đưa đò” đều là giáo viên về hưu. Trong đó, cô Lê Thị Vân (SN 1957, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, cô tình nguyện đến Trường Tiểu học - THCS - THPT Bồ Đề Phương Duy truyền dạy kiến thức cho học sinh.

Cô Lê Thị Vân (SN 1957, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) chuẩn bị sổ sách cho mùa tựu trường

Cô Vân chia sẻ: “Dạy chủ yếu vì cái tâm và tình thương dành cho các em. Các thầy, cô chỉ nhận khoản bồi dưỡng nhỏ cho mỗi tiết học. Chương trình học tại trường không khác so với các trường bên ngoài. Tuy nhiên vì sống ở trường nên các em được rèn luyện đạo đức, nhân cách, kỷ luật ngay cả trong thời gian nghỉ hè,... Tình thương của thầy, cô giúp các em suy nghĩ đúng đắn, sửa chữa thói hư, tật xấu”.

Ngoài dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, cô Vân còn phụ trách chủ nhiệm khối lớp 12. Không chỉ quan tâm việc học tập của học sinh, cô còn thường xuyên trao đổi với các thầy, cô quản lý nội trú để nắm tình hình, nhờ các thầy, cô quan tâm, nhắc nhở các em tránh chơi game, điện thoại, chểnh mảng việc học,...

Cô Lê Thị Vân (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) dặn dò lớp chủ nhiệm các công việc đầu năm học

Nhiều năm gắn bó với Trường Tiểu học - THCS - THPT Bồ Đề Phương Duy, điều cô Vân mong muốn nhất là có sức khỏe để tiếp tục công việc. Ở tuổi 67, cô gặp nhiều khó khăn vì sức khỏe ngày một yếu hơn. Có những ngày bệnh không dậy nổi, cô từng suy nghĩ từ bỏ nhưng nhìn những đồng nghiệp, học trò cần người bảo ban, chăm sóc, cô lại vực dậy tinh thần. Hết năm này sang năm kia, đến nay, cô đã gắn bó 11 năm.

Kể về động lực vượt qua khó khăn, cô Vân tâm sự: “Đội ngũ thầy, cô đều hết lòng lo cho các em. Nhìn những hoàn cảnh đặc biệt của các em càng khiến tôi quyết tâm học hỏi, cố gắng để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho các em”.

Bên cạnh đó, cô Vân còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở của trường. Cô thường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền chuyên đề về các hoạt động xã hội; đồng thời, phối hợp, vận động nhà hảo tâm, đoàn thể tổ chức thăm, tặng quà cho học sinh.

Đối với cô Vân, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy học sinh ngày một tiến bộ, ngoan ngoãn, thành công trong cuộc sống. Điều đó góp phần thôi thúc những nhà giáo “tình nguyện viên” như cô cố gắng hơn nữa trên con đường "trồng người" của mình.

Hết lòng chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần

Suốt 17 năm qua, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1970, ngụ phường 3, TP.Tân An) tận tụy chăm sóc cho các bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Chị Hạnh tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi có cơ hội làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Sau thời gian làm quen, thuần thục công việc, cơ quan tạo điều kiện cho tôi học hỏi kinh nghiệm qua các buổi tập huấn về công tác xã hội. Qua đó, tôi vừa tích lũy thêm nhiều kiến thức, vừa áp dụng những gì đã học vào thực tiễn công việc”.

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh là nhân viên chăm sóc ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Tại Trung tâm, chị Hạnh phụ trách khu vực dành cho các bệnh nhân tâm thần. Khu vực này hiện có 79 đối tượng. Công việc chăm sóc các bệnh nhân tâm thần được chia theo 3 ca: Sáng, chiều, tối. Tùy theo ca mà thời gian khởi đầu một ngày làm việc có thể vào sáng sớm hoặc đêm tối. Mỗi ngày, nhân viên làm các công việc như đánh thức bệnh nhân, giúp họ ăn uống, dọn dẹp, nghỉ ngơi, lao động, giải trí phù hợp.

Nếu trong thời gian làm việc phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện bất thường, chị Hạnh sẽ thông tin lại với người trực ca sau để họ tiếp tục quan sát, theo dõi và kịp thời gọi y tế. Đặc biệt, ca làm việc ban đêm thường khó khăn hơn. Có khi bệnh nhân lên cơn, động kinh cần nhập viện nhưng không có người nhà bên cạnh, chị và các nhân viên khác sẽ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. “Một trong những khó khăn của nhân viên chăm sóc là cần chuẩn bị tâm lý, có kinh nghiệm xử lý khi bệnh nhân lên cơn, động kinh. Lúc này, họ thường dễ bị kích động, nghiến răng, la hét,... gây nguy hiểm cho cả mình và mọi người xung quanh. Khi đó phải cách ly họ và báo bộ phận y tế để nhanh chóng điều trị” - chị Hạnh chia sẻ.

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (phường 3, TP.Tân An) hướng dẫn một bệnh nhân tâm thần nhẹ sắp xếp vật dụng chuẩn bị ăn trưa

Suốt 17 năm làm việc, chị Hạnh nhận ra, một nhân viên làm công tác xã hội cần có lòng kiên nhẫn, cảm thông, thấu hiểu, biết sẻ chia với bệnh nhân. Nhớ lại quãng thời gian qua, chị nhớ mãi trường hợp bệnh nhân tâm thần lang thang được đưa về từ bệnh viện. Ban đầu, bệnh nhân vừa xa lạ với môi trường sống mới lại không ổn định về tinh thần. Bệnh nhân còn bị thương ở bụng và không thể cung cấp bất kỳ thông tin gì về bản thân. Chị phải chăm sóc từng li từng tí, từ việc cho ăn uống, vệ sinh cá nhân đến theo dõi sức khỏe và dùng thuốc. Lâu dần, bệnh nhân dần mở lòng và chia sẻ về gia đình mình. Nhờ đó, Trung tâm liên hệ được với người nhà của bệnh nhân. Chứng kiến khoảnh khắc gia đình họ đoàn tụ, chị Hạnh nhận thấy công việc của mình thật ý nghĩa.

Người phụ nữ không ngại cống hiến ấy luôn tâm niệm rằng, công việc của mình không chỉ đơn thuần là chăm sóc mà còn là mang đến cho bệnh nhân sự ấm áp và chia sẻ. Chị Hạnh thường xuyên đóng góp cho Trung tâm và khuyên con cháu nên cố gắng góp sức cho xã hội, hỗ trợ các hoàn cảnh bất hạnh. Nhờ tâm huyết và sự kiên trì với nghề, hàng năm, chị Hạnh đều được cơ quan đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng trích dẫn lời của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky để nhắc nhở mỗi chúng ta: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Tinh thần ấy ngày càng được phát huy rộng rãi với những tấm gương thầm lặng cống hiến, mang đến giá trị tốt đẹp cho xã hộI./.

Thầm lặng cống hiến cho đời

Thầm lặng cống hiến cho đời 

Tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường trọng điểm vào dịp lễ, tết; tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn phụ huynh sắp xếp phương tiện khi đón học sinh;...

Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết