Tiếng Việt | English

19/04/2018 - 17:31

Thanh niên khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Hiện nay, phong trào thanh niên khởi nghiệp trở nên lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Tuy nhiên, thách thức đối với thanh niên muốn khởi nghiệp còn nhiều, trong đó có việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Thanh niên nông thôn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Thanh niên nông thôn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Cung không đủ cầu

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, Long An hiện có hơn 312.000 TN, chiếm gần 22,5% dân số và hơn 50% lực lượng lao động toàn tỉnh. Trong đó, lực lượng TN nông thôn chiếm trên 70% TN toàn tỉnh. Hiện nay, TN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chủ yếu thông qua Chương trình 120 của Trung ương đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Tuy nhiên, mỗi TN được vay nhiều nhất chỉ được vài chục triệu đồng. Đối với những người mới bắt đầu gầy dựng cơ sở thì con số này quá hạn hẹp, khiến nhiều TN không mấy “mặn mà”.

Anh Nguyễn Văn Thình, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, đang cần nguồn vốn khoảng 100 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi vịt trời. Tuy nhiên, điều anh băn khoăn nhất hiện nay là nguồn vốn vay từ phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn hạn hẹp. “Với 30 triệu đồng vay theo hộ nghèo chỉ đủ để xây dựng chuồng trại; trong khi, phải mất khá nhiều chi phí cho việc mua con giống, thức ăn. Còn vay ngân hàng theo phương thức thế chấp thì tôi chẳng có gì để thế chấp” - anh Thình buồn bã nói.

Theo anh Nguyễn Tấn Nhựt, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, trước đây, anh có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô xưởng đóng tàu từ nguồn hỗ trợ việc làm cho TN. Tuy nhiên, để được tiếp cận nguồn vốn vay, anh mất nhiều thời gian làm thủ tục và phải thế chấp tài sản nhưng chỉ vay được vài chục triệu đồng. Trong khi các ngân hàng khác, cũng chừng ấy tài sản thế chấp, anh có thể vay gần 100 triệu đồng mà thủ tục lại nhanh, gọn.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, hàng năm, Tỉnh đoàn tranh thủ vốn vay từ nhiều kênh để hỗ trợ TN phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn khá lớn trong khi nguồn vốn vay ưu đãi rất hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu của TN.

“Hiện nay, Tỉnh đoàn thành lập Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ TN khởi nghiệp. Theo đó, từ năm 2018-2022, có ít nhất 100 mô hình, dự án vay vốn sản xuất, kinh doanh của ĐVTN được hỗ trợ. Tuy nhiên, đề án này còn nằm “trên giấy”, chưa được triển khai, thực hiện” - anh Võ Trần Tuấn Thanh thông tin.

Chính sách bó hẹp

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, đến đầu năm 2018, tổng dư nợ do Đoàn TN trong tỉnh nhận ủy thác trên 281 tỉ đồng, với hơn 12.100 hộ gia đình được giải ngân. So với các hội, đoàn thể khác thì con số này còn khá khiêm tốn. Nhiều cán bộ Đoàn thừa nhận, việc hỗ trợ TN vay vốn qua tổ chức Đoàn hiện nay gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là chính sách còn bó hẹp.

Phó Bí thư Huyện đoàn Thạnh Hóa - Phạm Quốc Thái cho biết: “Theo quy định của Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, để được vay vốn, ĐVTN phải xây dựng phương án kinh doanh, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại và tài sản bảo đảm thế chấp. Tuy nhiên, hiện nay, các mô hình phát triển kinh tế của TN đều có quy mô nhỏ, lẻ. Bên cạnh đó, việc xác định áp giá tài sản của Ngân hàng Chính sách xã hội thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại khác”.

Bản thân thanh niên cần mạnh dạn, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết hơn nữa trong lập thân, lập nghiệp

“Do nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên cho hộ nghèo, mà đa số TN không thuộc diện này, nên không đáp ứng điều kiện vay. Nhiều TN sống chung với gia đình và theo quy định, trong một hộ gia đình, chỉ giải quyết cho một đầu mối đứng ra vay (thông thường là cha hoặc mẹ) nên khi có nhu cầu vay thì thường không được giải quyết” - Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương thông tin.

Theo anh Võ Trần Tuấn Thanh, để TN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bên cạnh tranh thủ nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, liên kết với các tổ chức, ngân hàng có những chính sách thông thoáng hơn. Đặc biệt, các cơ sở Đoàn cần chủ động phối hợp phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội các huyện, thị xã, thành phố xem xét có mức vốn vay phù hợp từng loại hình kinh tế để giúp TN có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với đó, bản thân TN cần mạnh dạn, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết hơn nữa trong lập thân, lập nghiệp./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích