Tiếng Việt | English

30/03/2018 - 21:06

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Trong hành trình lập thân, lập nghiệp, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chắc chắn gặp không ít khó khăn về cả kỹ năng và nguồn vốn. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ĐV, tổ chức Đoàn có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành cùng TN trên hành trình đó.

Hỗ trợ vốn vay

Chúng tôi gặp anh Võ Khắc Phong, ngụ ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trong vườn thanh long nhà anh. Sáng sớm, anh tranh thủ ra vườn chăm sóc thanh long. Từ ngày có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, vườn thanh long nhà anh tốt hơn hẳn. Sau 2 đợt trái, anh thu hoạch được kha khá và đang kỳ vọng rất nhiều vào tương lai. Anh vui vẻ nói: “Mình có kỹ thuật rồi, có vốn đầu tư nữa thì cây sẽ phát triển tốt và cho trái nhiều thôi. Lúc trước, nhà không có vốn, tôi không dám đầu tư, cây cứ còi còi, nhìn chán lắm! Thông qua Đoàn xã, tôi được vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, mua phân, thuốc và thuê đèn xông thanh long. Vụ đầu tiên, tôi trúng mùa, gặp đợt giá cao nên mừng quá! Nhờ vậy, tôi có vốn tiếp tục đầu tư đúng theo kỹ thuật. Tôi đang chuẩn bị xông đèn thêm vụ nữa”. Niềm vui của anh Phong như lan sang cả chúng tôi khi nhìn anh tỉ mẩn chăm sóc vườn như chăm một “đứa con”. Mong rằng, mùa sau gặp lại, anh sẽ giới thiệu với chúng tôi căn nhà mới cất hoặc chiếc xe mới sắm!

Thông qua Đoàn Thanh niên, anh Võ Khắc Phong tiếp cận được vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng thanh long

Thông qua Đoàn Thanh niên, anh Võ Khắc Phong tiếp cận được vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng thanh long

Anh Phong là một trong nhiều ĐVTN được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Theo hướng dẫn của Huyện đoàn Thủ Thừa, chúng tôi đến gia đình Trung úy Võ Thành Triệu, đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Đang trong độ tuổi TN, lại muốn phát triển kinh tế gia đình nên anh Triệu được Huyện đoàn tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn David Dương để trồng mai và sứ. Anh Triệu cho biết: “Là quân nhân nên thời gian ở nhà không nhiều, đó là lý do tôi chọn khởi nghiệp bằng mai và sứ, hai loại cây đòi hỏi ít công chăm sóc. Sau hơn 1 năm, giờ cả hai loại cây trên đều thu hoạch được”. Anh Triệu hiện sở hữu 1.000 gốc mai và hơn 1.000 gốc sứ kiểng các loại. Với mai, vì không có thời gian nên anh chủ yếu bán “mai chà” (cây phát triển tự nhiên, chưa tạo dáng) với mức giá vài trăm ngàn đồng/gốc. Với sứ, anh bán sứ ghép (một gốc sứ có thể cho ra 2-3 loại hoa với màu sắc khác nhau), giá tùy thuộc vào dáng và độ tuổi từng cây. Anh Triệu chia sẻ: “Tôi tìm hiểu kỹ thuật trước khi bắt đầu vay vốn trồng 2 loại cây trên. Thấy có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để phát triển kinh tế nên tôi mạnh dạn cùng vài anh em nữa vay vốn để thực hiện ý tưởng của mình”.

Vì là quân nhân, ít có thời gian trống nên anh Võ Thành Triệu sử dụng vốn vay trồng mai và sứ, 2 loại cây ít công chăm sóc

Vì là quân nhân, ít có thời gian trống nên anh Võ Thành Triệu sử dụng vốn vay trồng mai và sứ, 2 loại cây ít công chăm sóc

Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và David Dương mà ĐVTN huyện Thủ Thừa có cơ hội thực hiện ý tưởng, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng. Bí thư Huyện đoàn Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Khoa cho biết: “Các nguồn vốn vay không chỉ tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”. Từ các nguồn vốn vay đó, Thủ Thừa có nhiều tổ hợp tác giúp nhau làm kinh tế: Nuôi cá, nuôi bò, trồng khóm,...

Bạn đồng hành

Không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn, tổ chức Đoàn còn tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng như có cơ hội trình bày tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh thông qua các chương trình đối thoại với lãnh đạo tỉnh, hội chợ thương mại, tọa đàm,... Từ đó, ĐVTN có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh của mình. Tổ chức Đoàn còn tham gia định hướng cho ĐVTN trường học trong lựa chọn nghề nghiệp với các chương trình tư vấn hướng nghiệp. 

Không chỉ vậy, Đoàn các cấp thường xuyên tổ chức các chương trình, lớp học đào tạo kỹ năng sống giúp ĐVTN trong trường học có kiến thức và kỹ năng trước khi “bước vào đời”. Các chương trình: Học làm người có ích, Học làm nông dân, Học làm người con hiếu thảo, Học kỳ quân đội,... luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trẻ. 

Tham gia Học kỳ quân đội, nhiều “cô chiêu”, “cậu ấm” học được cách tự lập, tự chăm sóc mình; nhiều “mọt sách” phát hiện ra, ngoài học tập thì tuổi học trò còn rất nhiều niềm vui khác (Trong ảnh: Học kỳ quân đội năm 2017)

Tham gia Học kỳ quân đội, nhiều “cô chiêu”, “cậu ấm” học được cách tự lập, tự chăm sóc mình; nhiều “mọt sách” phát hiện ra, ngoài học tập thì tuổi học trò còn rất nhiều niềm vui khác (Trong ảnh: Học kỳ quân đội năm 2017)

Trở về từ Học kỳ quân đội năm 2017, đến nay, Nguyễn Minh Tiến - học sinh Trường THPT Đức Hòa, vẫn còn kết nối, thậm chí thân thiết với các “đồng đội” của mình. Các bạn thường xuyên giữ liên lạc và nhắc nhở đến những tháng ngày đầy kỷ niệm, cùng hứa hẹn sẽ gặp lại nhau trong mùa Học kỳ quân đội sau. Tiến chia sẻ: “Đối với em, đó thực sự là thời gian rất vui và ý nghĩa khi chúng em được cùng sống và cùng trải nghiệm với nhau. Chúng em luôn nhớ nhau, nhớ Học kỳ quân đội và cả những anh, chú quân nhân trong đợt học”. 

Tham gia Học kỳ quân đội, nhiều “cô chiêu”, “cậu ấm” học được cách tự lập, tự chăm sóc mình; nhiều “mọt sách” phát hiện ra, ngoài học tập thì tuổi học trò còn rất nhiều niềm vui khác. Đó là kết quả rõ nét nhất có thể kể đến mà các chương trình giáo dục kỹ năng sống nói riêng, hoạt động của Đoàn TN nói chung mang lại cho ĐVTN để tổ chức Đoàn thực sự trở thành bạn đồng hành của TN./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết