
Nhà văn, nhà báo Vũ Hạnh tại buổi tọa đàm nhân 90 năm ngày sinh của ông do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức. (Ảnh và chú thích của Tạp chí Hồn Việt, số 98-11/2015)
Lần đầu tôi biết ông có lẽ là năm 1972, cái năm cả Sài Gòn dậy sóng đấu tranh với những cuộc xuống đường liên tiếp. Nữ sĩ Phương Đài khi ấy vừa ra tù chính trị đã có thơ đăng báo mà tôi còn nhớ một câu thơ của bà: “Biểu tình giăng mắc trong thành phố” (biểu tình với biểu ngữ chống Mỹ-Thiệu, chống chiến tranh, đòi hòa bình-giăng mắc khắp nẻo phố phường). Đó là một sáng nọ, trước cửa tòa soạn báo Điện Tín - cách chợ Bến Thành không xa - có chiếc La Dalat là loại ô tô mới chế tạo và xuất xưởng lớp đầu tiên tại Sài Gòn khi ấy, đậu lại bên mép đường Ngô Tùng Châu (nay là Nguyễn Trãi) và một người đàn ông cao to, mặc đồ tây chững chạc bước xuống xe.
Trong tòa soạn, có người kêu “ông Vũ Hạnh kìa!”. Có người nói “ông ấy vừa mới ra tù đã sắm được chiếc La Dalat quá ngon!”. Một chị chắc mẩm: “Ổng trúng mối cút mới mua nhà, tậu xe hơi đó chớ!”. Nên nhớ, lúc đó bọn tài phiệt Chợ Lớn đã nhập hàng triệu con chim cút Đài Loan. Trước đó, họ tung tiền thuê bọn cò mồi mang chim cút đi khắp xứ và rao truyền: Ăn chim cút tăng cường “bản lĩnh đàn ông”; thịt cút vô địch tráng dương cường thận!,…
Thế là thiên hạ đổ xô đi mua chim cút và bọn tài phiệt tung chim cút Đài Loan ra bán giá rẻ chỗ này, mua lại giá mắc gấp 10 lần chỗ khác khiến nhiều người mua được chim cút giá rẻ, bán được giá mắc hốt bạc triệu tiền lời. Ngon ăn quá nên có lắm người bán thốc bán tháo đồ đạc trong nhà hoặc vay mượn với lãi suất cao để mua hàng ngàn cặp chim cút dự trữ hòng lùa tiền vô như nước. Khi vừa đạt đỉnh điểm 15.000 đồng/con (lúc bấy giờ 75 đồng/1USD) thì cả triệu con chim cút xứ Đài đã tiêu thụ hết và bọn cò mồi biến mất; chim cút bán ra 1.000đồng/con chẳng ai thèm mua! Nhà văn, nhà báo Vũ Hạnh chẳng những biết dừng lại đúng lúc sau khi “trúng mối”, mà còn viết sách “kỹ thuật nuôi chim cút” tung ra bán đắt như tôm tươi nên ông “trúng” to. Mọi người đều mừng cho ông, nhờ đó mà thoát được cảnh nghèo.
Cũng nhờ đó mà vừa mới ra tù ông đã “tả xông hữu đột” sau khi thành lập Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc. Ông cũng là cây bút chủ lực của tờ Tin Văn (tờ báo công khai truyền bá quan điểm văn hóa cách mạng, bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc, chống văn hóa đồi trụy, ngoại lai làm cho xã hội suy đồi); với tuyên ngôn: “Người Việt Nam phải tự hào về dòng giống Việt Nam. Người Việt Nam phải bảo tồn, phát huy những cái hay, cái đẹp Việt Nam…”. (Trích Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn, trang 118. NXB VH-Việt Nam TP.HCM-2014).
Vũ Hạnh vừa được tạp chí Hồn Việt của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Việt Nam đánh giá: “Anh lẩn mình vào trong lòng địch, viết báo viết văn Cách mạng, ngòi bút luôn nồng nàn lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc. Bút máu, Mùa xuân trên đỉnh non cao, Người Việt cao quý… là những tác phẩm đại diện cho Cách mạng giữa lòng địch, giữa súng gươm, tù ngục, lựu đạn cay… Anh đã bị địch bỏ tù 5 lần…”.
Nhà văn nhà báo Vũ Hạnh từng tranh luận với John Steinback (Mỹ) - giải Nobel- để bảo vệ chính nghĩa kháng chiến chống Mỹ mà trong tập sách “Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn”(của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến (Khối báo chí) TP.HCM) tường thuật, cho thấy bản lĩnh và cái tâm nhà văn, nhà báo của ông trong sáng và bất khuất nhường nào. Giữa lúc Sài Gòn xuất hiện những bài báo, bài thơ, bản nhạc “ru ngủ” kiểu than thân trách phận người Việt Nam “da vàng nhược tiểu” làm nhụt ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do… Vũ Hạnh đã tung ra tập sách Người Việt cao quý để đánh thức tiềm lực quật cường, bất khuất và những phẩm chất cao quý của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam…
Sau này, ông có thổ lộ: “Vào khoảng tháng 4-1965, tôi được gọi ra mật khu Hố Bò học tập tình hình. Bấy giờ chính phủ Hoa Kỳ chuẩn bị đổ quân ào ạt vào miền Nam để cứu nguy cho chính quyền tay sai đang hồi rệu rã. Khu ủy nhận định rằng, sự việc ấy nhất định sẽ làm tổn thương tinh thần dân tộc Việt Nam. “Lúc này viết cái gì đó đề cao dân tộc là cách chống Mỹ tốt nhất của người cầm bút” - Lời đồng chí Trần Bạch Đằng khuyên tôi (…)”.
Thú thật, trước giải phóng, tôi chỉ “kính nhi viễn chi” với ông. Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, tôi mới có cơ duyên gần gũi ông qua những buổi sinh hoạt ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) (nay là Liên hiệp các Hội VHNT) TP.HCM khi ông là Tổng thư ký của Hội. Ông rất bình dị và cởi mở, giọng Quảng Nam của ông sang sảng chia sẻ những điều thú vị, bổ ích (ông có cả kho chuyện hay cùng kinh nghiệm sống cho anh em cầm bút trẻ). Và, dù trẻ cỡ nào ông cũng gọi bằng anh/chị hay bạn và bảo phải gọi lại ông là “anh”, cấm có gọi chú, bác.
Ông kể, ở trong tù ông nghĩ ra cách thở làm cho cơ thể khỏe mạnh để chịu đựng các đòn trừng phạt, tra tấn của kẻ thù. Ông biểu diễn: Phình bụng hít vào cho thật đẫy và đếm từ 1 đến 4, mở hậu môn, thở ra và thót bụng xẹp xuống; nín thở, đếm từ 1 cho tới 4 mới bắt đầu hít vô. Ông nói, giữ hơi thở vào 4 giây để luồng dưỡng khí chạy đều khắp cơ thể rồi mới thở ra. Còn nín thở 4 giây là để cho các tế bào thèm khát dưỡng khí cứ chực chờ hít vào là nhất tề ùa ra đón. Mỗi ngày ta nên tập thở như vậy càng nhiều lần càng tốt. Chính nhờ cách luyện thở ấy mà ông rất khỏe mạnh, thầy thuốc chẳng mấy khi sờ tới ông.
Chính sức khỏe cùng với một cái đầu thông tuệ, một tâm hồn lành mạnh, nhạy cảm, yêu hết mình nghiệp văn, nghiệp báo đã giúp cây bút thép Vũ Hạnh không ngưng tỏa sáng trên“trường văn trận bút”. Với báo chí, ông viết rất nhiều thể loại từ bình luận, luận chiến cho tới bút ký, phóng sự,… Tác phẩm báo chí của ông xuất hiện khá đều ở các tạp chí, nhật báo (nhiều nhất là Báo Công an TP.HCM và tạp chí Hồn Việt) đều đều cả khi đã bước qua tuổi 90, cái nhịp điệu khỏe khoắn ấy của ngòi bút thép “trừ tà, phò chính” của ông như vẫn còn đủ sức thách thức dòng chảy của thời gian,…
Quang Hảo