Sáng 8/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với tỉnh Nam Định, tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định
Theo báo cáo, kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định trong năm qua tiếp tục ổn định và có bước phát triển với 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 13,5%.
Tỉnh có nhiều dự án đầu tư lớn, hấp thụ vốn đầu tư lớn và đang được đẩy nhanh tiến độ, như cầu Tân Phong, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; chuẩn bị đầu tư cầu Thịnh Long, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1; tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…
Nam Định cũng đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 tăng 16 bậc, lên thứ 17/63 tỉnh, thành. Thu hút vốn đầu tư đạt 9.800 tỷ đồng và 192 triệu USD. Năm ngoái có 526 DN đăng ký kinh doanh, đưa tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên gần 6.000 DN.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, với 112 xã đạt chuẩn, chiếm trên 50% số xã của tỉnh. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa xã hội đạt nhiều thành tựu, an sinh xã hội được giải quyết đầy đủ, kịp thời.
6 tháng đầu năm nay, ước tính thu ngân sách tỉnh đạt 17.500 tỷ đồng, và dự kiến thu ngân sách vượt kế hoạch của năm nay. Chi ngân sách đảm bảo tiến độ. Giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cao, năm ngoái đạt 97%. Nhưng nguồn vốn trái phiếu giải ngân lại chậm.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển, lãnh đạo tỉnh Nam Định đề nghị Chính phủ và các bộ ngành phê duyệt dự án, cấp vốn đầu tư cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng.
Trong đó có Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Trần-Nam Định; hỗ trợ vốn để đẩy nhanh tiến độ công trình kè Nam sông Đào TP Nam Định, đảm bảo công tác phòng chống lụt bão và cảnh quan đô thị; sớm triển khai tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, đoạn qua tỉnh Nam Định dài 70km, để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc bộ và bắc miền Trung.
Thủ tướng đề nghị Nam Định chú trọng tam giác phát triển kinh tế-xã hội-môi trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Nam Định đã nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Nam Định vẫn là tỉnh nghèo, nông nghiệp là chính, chỉ tự trang trải được 32% nguồn chi, còn lại trợ cấp từ Trung ương. An ninh chính trị tốt, nhưng đảm bảo an toàn giao thông còn yếu.
Từ thực trạng đó, Thủ tướng lưu ý Nam Định phải chú trọng tam giác phát triển gồm kinh tế - xã hội - môi trường là rất quan trọng. Tỉnh cần nghiên cứu đồng bộ và triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tập trung triển khai Nghị quyết số 1 của Chính phủ để thực hiện vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2016. Trong đó, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, vì hiện Nam Định có tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt 19%.
Thủ tướng cũng chỉ đạo: "Tỉnh cần có chương trình hành động hết sức cụ thể để Nam Định trước năm 2020 phải là tỉnh nông thôn mới của nước ta. Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là ở chỗ đó, không chỉ tập trung vào đô thị, mà cả khu vực nông thôn để người dân được hưởng lợi. Tôi rất vui khi hỏi người dân về thu nhập, đời sống vật chất tinh thần như xã Hải Hà là rất đáng mừng. Thường vụ tỉnh ủy có chủ trương, các huyện ủy triển khai mô hình này. Tôi cũng mong muốn Nam Định phải là trung tâm của Đồng bằng Nam Sông Hồng. Muốn vậy phải đạt được các tiêu chí về bệnh viên, trường học, các cơ sở hạ tầng…”.
Để làm được điều đó, biện pháp quan trọng nhất là phát huy được yếu tố con người, năng động, quyết liệt, trong đó có phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Từ đó đặt vấn đề khởi nghiệp mạnh mẽ hơn. Hiện Nam Định chỉ có 6.000 DN, quá ít so với tiềm năng của tỉnh.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mỗi làng một nghề gắn với giữ gìn môi trường. Đồng thời khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dệt may, ô tô, quan tâm đến thị trường bán lẻ, nhất là với thị trường 2 triệu dân như Nam Định. Đối với nông nghiệp cần tái cơ cấu lại, sản xuất tập trung quy mô lớn. Thủ tướng cũng yêu cầu Nam Định thực hiện tốt chính sách tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự.
Về cơ bản, Thủ tướng đồng ý về chủ trương đối với các kiến nghị của tỉnh Nam Định. Đối với dự án cơ sở hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ cần phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tỉnh Nam Định hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ bố trí thực hiện, trong đó tinh thần lớn nhất là đa dạng hóa nguồn vốn theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm, TPP. Trong đó nêu cơ chế rõ về xã hội hóa, đất đai, giải phóng mặt bằng… Tỉnh triển khai trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Thủ tướng đánh giá đây là tuyến giao thông quan trọng và giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, lập phương án thi công toàn tuyến, phân đoạn cho từng địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định./.
Vũ Dũng/VOV.VN