Sáng 12/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực của nền kinh tế, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, để lắng nghe lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty “hiến kế”, nêu các đề xuất cần tháo gỡ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh Covid-19.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam
“Chúng tôi yên tâm và quyết tâm”
Tại cuộc làm việc, tất cả các doanh nghiệp lớn đại diện cho các lĩnh vực của nền kinh tế đều được Thủ tướng mời phát biểu, gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, bất động sản, ngân hàng, phân phối bán lẻ...
Thông điệp rõ nét mà các doanh nghiệp nêu ra đó là dù thiệt hại do Covid-19, nhưng các doanh nghiệp đều thể hiện sự chia sẻ khó khăn với Chính phủ, sẵn sàng chung tay, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch thành công, vừa đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm nay. Bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ kêu gọi cán bộ, nhân viên đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, đơn vị có 22.000 lao động cho biết, từ khi xuất hiện dịch, tập đoàn này đã thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, nhưng Tập đoàn xác định chia sẻ khó khăn này với đất nước và cho biết: "Nhân buổi họp này xin trân trọng cảm ơn Chính phủ. Thực sự lúc này các doanh nghiệp Việt Nam, bà con Việt kiều, các doanh nghiệp quốc tế rất khâm phục Chính phủ và đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi rất yên tâm và quyết tâm cùng Chính phủ và các bộ, ban, ngành để duy trì sản xuất và duy trì công ăn việc làm cho người lao động để hết dịch lại phát triển mạnh mẽ".
Nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay niềm tin xã hội là rất quan trọng, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji và đồng Chủ tịch Tienphongbank cho rằng, doanh nghiệp và người dân hoàn toàn tin tưởng vào sự quyết tâm của Chính phủ trong phòng chống dịch và chuyển tải thông điệp của Thủ tướng đến cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên theo ông Đỗ Minh Phú, từ khi có dịch đến nay, có khoảng 1.000 khách hàng của Tienphongbank đang gặp khó khăn và chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khiến khoản 10.000 tỷ đồng khó trả nợ đúng hạn.
Ông Đỗ Minh Phú, đề xuất trong triển khai gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng, nếu cho phép các NHTM được chủ động giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ thì các NHTM có thể làm được, vì các ngân hàng có đủ lợi nhuận. Nhưng khó khăn hiện tại ở các Thông tư 39, 02 của Ngân hàng Nhà nước, khi điều chỉnh giảm lãi suất thì phải cơ cấu nợ, phải xếp nợ lên nhóm cao hơn.
Việc xếp nợ lên nhóm cao hơn ảnh hưởng ngay tới các doanh nghiệp. Vì chắc chắn rằng họ khó tiếp tục tiếp cận được vốn của ngân hàng, đồng thời các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng. Như vậy ngân hàng đồng thời đối mặt hai vấn đề, vừa giảm lợi nhuận, đồng thời phải trích lập dự phòng cho khoản vay đó.
Trả lời Tienphongbank cũng như nhiều ngân hàng khác về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, cho biết trong ngày hôm nay sẽ ký ban hành một thông tư, theo đó khi cơ cấu lại nợ thì tất cả các khoản nợ nào đến hạn, kể từ ngày Thủ tướng công bố dịch cho đến ngày Thủ tướng tuyên bố hết dịch cộng thêm 3 tháng nữa được cho là các khoản nợ trong hạn và đến hạn trong thời gian đó và sẽ được xem xét cơ cấu lại nợ. Thời gian cơ cấu lại nợ tối đa là 1 năm.
"Như vậy các ngân hàng không phải lo về cơ cấu lại nợ và được giữ nguyên nhóm nợ. Chúng tôi cũng không yêu cầu các ngân hàng đưa quá nhiều tiêu chí, điều kiện để buộc trách nhiệm các ngân hàng mà trong bối cảnh dịch thì cần thoáng hơn. Cho nên tất cả doanh nghiệp thuộc ngành nghề nào mà bị sụt giảm do Covid-19 thì các ngân hàng xem xét cho cơ cấu lại nợ"- ông Lê Minh Hưng nói.
Phó Tổng giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương nêu ý kiến tại cuộc làm việc
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương đề nghị, đây là thời điểm để thúc đẩy thu hút đầu tư, trong đó bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tuỳ theo ngành nghề đầu tư.
Cùng với đó, bà Hồ Ngọc Yến Phương đề nghị giảm một số loại thuế, phí đối với lĩnh vực hàng không để cạnh tranh quốc tế tốt hơn. Cụ thể, theo Phó Tổng giám đốc Vietjet, đối với hàng không có thuế bảo vệ môi trường tính trong giá xăng, theo luật là 3.000 đồng/lit. Nếu quy đổi thì tương đương 22% giá xăng Jet A1. Nhưng nếu tính theo giá xăng dầu như bây giờ giảm thì giá lên trên 50%. Đây là loại thuế gián thu lớn, khiến tăng chi phí. Đối với một hãng máy bay thì chi phí nhiên liệu bay chiếm 30-40%.
"Chúng tôi cũng xin miễn giảm 50-70% phí cất hạ cánh và các chi phí tại cầu cảng. Thái Lan, Nhật và Singapore họ cũng giảm các chi phí này", bà Phương đề nghị.
Trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho rằng, do khó khăn nên dòng tiền sẽ quay trở lại từ tháng 9/12, lúc đó doanh nghiệp du lịch mới có tiền trả nợ ngân hàng, do đó các gói hỗ trợ tín dụng dành cho doanh nghiệp cũng phải tính đến điều này. Ông cũng cho rằng, đây là thời cơ vàng tái cấu trúc của ngành du lịch, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn giàu tiềm năng.
Còn đối với chính các doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng có vai trò của VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp. VCCI ở đâu trong bối cảnh này, đây là tổ chức của doanh nghiệp hãy thể hiện mình như tổ chức của doanh nghiệp. Đừng biến mình thành cơ quan Nhà nước. Lúc này là lúc doanh nghiệp kết nối lại và VCCI đứng ra kết nối những nhóm doanh nghiệp cùng ngành nghề trở thành một chuỗi giá trị để cùng nhau vượt khó khăn. Hiệp hội cũng vậy, cần đứng lên lúc này, kể cả Hiệp hội du lịch. Còn các doanh nghiệp ngồi đây có hàng không, lưu trú, ngân hàng, tại sao chúng ta không ký kết với nhau, cam kết hỗ trợ cho nhau để cùng tạo chuỗi giá trị. Lợi nhuận dồn vào một người và người đó sẽ chia lại cho cả hệ thống.
Chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam, biết khắc phục khó khăn, có sức “đề kháng” tốt, đề ra một chương tình hành động trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
"Tôi xin chia sẻ khó khăn, trở ngại cùng tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ hiểu rõ việc này. Nhân dịp này tôi đánh giá cao sự kiên cường, vươn lên của các tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù gặp nhiều khó khăn trở ngại nhưng đã cố gắng duy trì và phát triển. Cũng có doanh nghiệp đóng cửa nhưng phần lớn đang vươn lên. Bức tranh tổng thể là phát triển. Kinh tế có nhiều điểm sáng và trỗi dậy. Ngay tại đây, chỉ hơn chục tập đoàn, doanh nghiệp thì 2/3 đều có tiền đồ phát triển tốt, ứng phó tình hình hết sức kịp thời, không điều chỉnh chỉ tiêu. Còn tất nhiên doanh nghiệp hàng không và du lịch trước mắt gặp khó khăn", Thủ tướng nói.
Trân trọng các ý kiến chân thành, thiện chí và tâm huyết mà các doanh nghiệp, tập đoàn nêu ra, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó có thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, kích cầu thông qua đầu tư và tiêu dùng là vấn đề cần nghiên cứu đặt ra.
Trong đó, Thủ tướng tán thành với các doanh nghiệp về ba yêu cầu quan trọng lúc này, đó là tạo điều kiện cho phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và chống dịch thật tốt. Thủ tướng nhấn mạnh, gần 800.000 doanh nghiệp Việt Nam chính là những “pháo đài” phòng, chống dịch cho bản thân doanh nghiệp và gia đình của họ. Cùng với chống dịch là chống suy thoái, đặc biệt là đảm bảo kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ có một chương trình tổng thể với các giải pháp toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả giảm thuế, phí, bảo hiểm, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, đặc biệt các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải có tâm thế sẵn sàng để khi dịch kết thúc sẽ có sự bứt phá, trong đó cần nghiên cứu tận dụng các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia và quan tâm đến thị trường trong nước.
Dự đoán cho thấy Trung Quốc đang phục hồi sản xuất. Và điều có thể tin tưởng là hết tháng 4 này, trước khi kết thúc quý 2, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc họ sẽ phục hồi sản xuất rất nhanh. Chúng ta phải đón bắt thời cơ này.
"Chúng ta để chậm trễ thì sẽ không có điều kiện phát triển. Chúng ta như “chiếc lò xo” bị nén lại, bây giờ chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ của đất nước, mà những tập đoàn, tổng công ty có vai trò quan trọng. Một ý chí mới, một khát vọng mạnh mẽ khi chúng ta đã qua đại dịch. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị tâm thế. Các bộ đã làm hết sức để tạo sức sống mới, thị trường mới, nhưng sự thành bại chính là các doanh nghiệp, tập đoàn. Những hiến kế, quyết tâm của doanh nghiệp là rất quan trọng", Thủ tướng nêu rõ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương đều phải có sự cố gắng vươn lên, chung tay thực hiện mục tiêu kép trong năm nay. Trong quá trình đó, Thủ tướng nhấn mạnh, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Đảng, Nhà nước là rất quan trọng. Chính phủ luôn lắng nghe để có các giải pháp sát với tình hình thực tiễn.
"Tinh thần dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta. Chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình. Tôi rất vui mừng là các doanh nghiệp không hề bi quan mà đều có chương trình trong dịch, sau dịch làm gì để phát triển. Cho nên, lúc khó khăn này chính là cơ hội tái cơ cấu doanh nghiệp, áp dụng quản trị tốt, hợp tác và chia sẻ. Tôi yêu cầu các doanh nghiệp có kịch bản để đảm bảo hoạt động liên tục, không bị gián đoạn trong bất kỳ tình huống nào. Cần có tâm thế ứng dụng công nghệ chuẩn bị cho cuộc chiến mạnh mẽ hơn, đưa kinh tế Việt Nam tiến lên thông qua các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng phải bắt tay để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn này./.
Vũ Dũng/VOV.VN