Tiếng Việt | English

18/08/2017 - 05:03

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm cùng Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, sau đó cùng Thủ tướng Prayut Chan-ocha chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước ta đã đến thủ đô Bangkok, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ ngày 17-19/8.

Đúng 17 giờ chiều 17/8 (theo giờ địa phương, cùng múi giờ với Việt Nam), lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã diễn ra long trọng tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayut Chan-ocha.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Phu nhân đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại nơi đỗ xe và trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tiến về bục danh dự phía trước Tòa nhà.

Khi hai Thủ tướng vào vị trí trên bục danh dự, trong không khí trang trọng, Quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam và Thái Lan. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ hai nước cùng duyệt Đội danh dự và tới chào quan chức nội các hai Chính phủ tham gia lễ đón.

Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã họp hẹp và hội đàm cùng Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha; sau đó cùng Thủ tướng Prayut Chan-ocha chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác.

Thủ tướng Chan-ocha bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và nhấn mạnh sự gắn bó, thông hiểu và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ định hướng quan hệ hợp tác hai bên phát triển tốt đẹp.

Thủ tướng hai nước hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong hơn 40 năm qua, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (6/8/1976); ghi nhận mối quan hệ này ngày càng đi vào ổn định, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt kể từ khi Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2013.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha hội đàm. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Để đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế song phương và nhất trí thúc đẩy sớm tổ chức các cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương lần thứ 3, Họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 3, Ủy ban hợp tác thương mại lần thứ 3 và đặc biệt là Cuộc họp Nội các chung lần thứ 4.

Về kinh tế, hai bên khẳng định nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD trước năm 2020; hỗ trợ nhau trở thành trung tâm thu hút đầu tư thương mại của khu vực; nhất trí tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau; thúc đẩy hợp tác về gạo.

Thủ tướng Chan-ocha khẳng định khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu cho phát triển của Việt Nam như du lịch, công nghiệp phụ trợ, tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, nông thuỷ sản.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan; nhất trí tăng cường trao đổi quan điểm, chính sách quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác thực tế giữa các quân, binh chủng.

Hai bên cũng tái khẳng định cam kết không cho phép cá nhân hay tổ chức lợi dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia; phối hợp phòng, chống khủng bố và các loại hình tội phạm; tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề trên biển; thúc đẩy đàm phán Hiệp định Dẫn độ và Tương trợ tư pháp về hình sự.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU).

Về kết nối giữa hai nền kinh tế, hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức bao gồm cả đường bộ, đường biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng như tuyến xe buýt nối Thái Lan – Lào – Việt Nam, tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan​-Campuchia​-Việt Nam; mở thêm các chặng bay mới kết nối Việt Nam và Thái Lan như chặng Quảng Bình – Chiang Mai.

Hai Thủ tướng cũng đạt nhất trí cao trong việc đề ra các biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác như lao động, thương mại nông nghiệp, du lịch, khoa học kỹ thuật, văn hoá và giao lưu nhân dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đề nghị phía Thái Lan tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan hội nhập, phát triển và đề nghị phía Thái Lan sớm cấp giấy thông hành cho các Việt kiều cao tuổi.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai Thủ tướng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên chia sẻ tầm nhìn và cam kết tăng cường hợp tác song phương trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như tiểu vùng sông Mekong, ACMECS, ASEAN, ACD, Hành lang Kinh tế Đông​-Tây, APEC và Liên hợp quốc.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân dịp này, Thủ tướng Chan-ocha khẳng định sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11/2017 tại Đà Nẵng và Thái Lan ủng hộ các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ APEC, trong đó có sáng kiến Tầm nhìn APEC.

Nhìn lại chặng đường 50 năm ASEAN, hai nhà lãnh đạo vui mừng trước sự trưởng thành và lớn mạnh của Cộng đồng, trở thành cơ chế hợp tác quan trọng đối với chính ASEAN và với các nước trong và ngoài khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thái Lan, một trong những nước sáng lập Hiệp hội luôn giữ vai trò tích cực đối với các vấn đề an ninh chiến lược và phát triển Cộng đồng ASEAN.

Thủ tướng Chan-ocha nhấn mạnh vai trò ngày một năng động, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và tin rằng quan hệ hai nước trong khuôn khổ Hiệp hội sẽ tiếp tục chặt chẽ và đóng góp vào thành công chung của ASEAN.

Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm củng cố đoàn kết, giữ vững lập trường, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề thách thức đối với hòa bình và an ninh của khu vực.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và nâng cao lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; tôn trọng các nguyên tắc tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). ​

Nhân dịp này, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các Bản ghi nhớ giữa các bộ ngành hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng; và các bản ghi nhớ khác giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã dự chiêu đãi trọng thể do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Phu nhân chủ trì tại Tòa nhà Chính phủ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết