Tiếng Việt | English

29/03/2024 - 11:09

Thương ngàn và tín hiệu của văn học sinh thái

Vĩnh Quyền (SN 1951) là nhà văn, nhà báo gốc Huế. Sáng tác của ông bao gồm cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, với những đầu sách tiêu biểu, để lại dấu ấn sâu đậm với độc giả. Gần đây, tiểu thuyết Thương ngàn của ông thể hiện khá độc đáo, hấp dẫn, xoay quanh câu chuyện sinh thái.

Những mảnh vỡ sinh thái

11 chương tiểu thuyết Thương ngàn là những nỗ lực “giải trung tâm” của Vĩnh Quyền. Văn chương viết về đề tài sinh thái đã đẩy con người ra khỏi vị thế trung tâm, thay vào đó là Trái đất. Vĩnh Quyền cũng làm như thế, song nhà văn không “giải trung tâm” theo một trật tự thông thường, nghĩa là đi từ thực trạng cuộc khủng hoảng sinh thái đến hệ quả, cuối cùng là kêu gọi hoặc đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro sinh thái.

Cốt truyện và nhân vật trong Thương ngàn được Vĩnh Quyền “đập vỡ” thành nhiều mảnh nhỏ, kết hợp cùng kiểu trần thuật phi tuyến tính. Câu chuyện về nhân vật “tôi” - một trí thức Huế “nghiện rừng”, câu chuyện huyền thoại về “mùa săn máu” của dân tộc Katu và câu chuyện về người cộng sự của “tôi” từng tham gia giải cứu động vật trong sự kiện cháy rừng ở Úc đan xen, xoắn xuýt lẫn nhau. Dù bị vỡ ra thành những mảnh nhỏ, song độc giả cũng không quá vất vả để xâu chuỗi các câu chuyện, sự kiện lại với nhau. Bằng những tín hiệu kết nối, Vĩnh Quyền giúp độc giả hình dung ra bức tranh toàn cảnh về tình trạng phá rừng, săn bắn động vật hoang dã tại Việt Nam.

Diễn ngôn về chấn thương sinh thái được Vĩnh Quyền thể hiện khá rõ trong Thương ngàn. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này trong tiểu thuyết của Vĩnh Quyền không phải do chiến tranh mà chủ yếu do hành động khai thác trái phép, quá mức, dẫn đến tài nguyên thiên nhiên kiệt quệ, tự nhiên biến đổi, thiên tai liên tiếp xảy ra. Hiện diện trong Thương ngàn là những ký ức đau thương của rừng: Cảnh giết thú rừng, săn bẫy thú hoang dã, đĩa chim nướng, “một tỷ cá thể động vật hoang dã bị thiêu sống”,... Sự tuyệt chủng của loài chó rừng, thủy tùng, sói đỏ, cảnh “núi, đất đá, cây cối đỏ ngầu chồng lấp vào chỗ vốn dĩ là nếp nhà bao năm tích cóp mồ hôi của họ”, “mảng sườn núi đỏ ối như máu trong mưa”,... chính là kết quả, là “cuộc trả thù của tự nhiên dành cho con người về hành vi gây thương tổn thế giới tự nhiên”.

Là một tác phẩm hư cấu, song những con số, số liệu, sự kiện được nhắc đến trong Thương ngàn đều có cơ sở khoa học rõ ràng. Điều này góp phần làm nên giá trị của tiểu thuyết và tạo được sự tin cậy đối với độc giả. Vụ cháy rừng ở Úc, cuộc sạt lở kinh khủng ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế),... đều là những tư liệu chân thật và xót xa.

Cần đối xử công bằng với tự nhiên

“Thói ăn xổi thiên nhiên và lòng tham còn khiến dân và cả doanh nghiệp nhà nước lén lút lẫn công khai phá rừng phòng hộ, triệt hạ cây bản địa, ồ ạt trồng cây công nghiệp ngắn ngày cung cấp nguyên liệu cho chuỗi nhà máy gỗ băm dăm xuất khẩu...” - Đó là lời “kết án” của Vĩnh Quyền cho những kẻ vô trách nhiệm, ngày đêm tận diệt thiên nhiên.

Không đưa ra những giải pháp cụ thể, mang tính lý thuyết, hàn lâm, bằng chất giọng nhẹ nhàng mà sâu cay, Vĩnh Quyền đặt ra vấn đề: Mỗi người cần đối xử công bằng với thiên nhiên.

Cách đối xử của mỗi người là khác nhau, với nhân vật “tôi” - người kể chuyện, đối xử công bằng là “cái gì thuộc nơi nào hãy trả về nơi đó”, cái của mẹ thiên nhiên sẽ trả về cho mẹ thiên nhiên; với người cộng sự của nhân vật “tôi”, “tình yêu cuộc sống có thể làm nên những ký ức tương lai, thứ ký ức xoa dịu đau buồn trong quá khứ” - ký ức phá hủy tự nhiên: “Từ cái nhìn con chim là miếng thịt tươi biết bay đến cái nhìn phân loài quý hiếm, tôi không thể hình dung được việc con người có thể ăn thịt những loài chim đặc hữu Việt Nam, được các nhà khoa học vinh danh “báu vật quốc gia” như khướu Ngọc Linh chẳng hạn”.

Ở Việt Nam chưa hình thành nên dòng văn học sinh thái rõ ràng như các nước phương Tây hoặc gần hơn là Trung Quốc. Nhưng Thương ngàn (Vĩnh Quyền) là tiểu thuyết đậm tính sinh thái, một “tín hiệu” mới cho sự phát triển từ một mảng sáng tác về đề tài sinh thái thành dòng văn học sinh thái ở Việt Nam.

Thương ngàn khiến độc giả suy tư, trăn trở, thậm chí xót xa, đớn đau trước tình trạng chấn thương sinh thái!

Phạm Khánh Duy

Chia sẻ bài viết