Tiếng Việt | English

02/08/2022 - 10:05

Thương vị bánh quê

Những cơn mưa mùa hạ chạy rào qua hiên nhà, gõ đều trên mái tole như vũ điệu đồng quê. Mấy tàu lá dừa rũ xuống mái nhà xào xạc. Lâu lắm rồi mới trở lại quê nhà để được nghe bình yên vỗ về, để ký ức của những ngày xưa tràn về man mác. Về quê, nhớ điệu ru à ơi của ngoại, nhớ cả những món bánh dân dã một thời mà có lẽ đi đâu, về đâu cũng khó tìm được hương vị ngày ấy. Trong những món bánh quê Nam bộ, chắc không thể không kể đến bánh lọt. Ngày đó ở quê, muốn ra chợ huyện có khi phải mất cả nửa ngày trời bơi xuồng, mà ra đến đó mới có bán quà bánh cho trẻ con. Thương đám cháu, ngoại thường nhồi bột làm bánh, nào là bánh ít, bánh tằm, khoai mì hấp,... nhưng đám trẻ con mê nhất là bánh lọt.

Phần bột được chà, lọt qua từng mắt rổ để có món bánh lọt

Không biết ai đặt cái tên bánh lọt nghe sao mà dân dã quá. Chắc tại muốn làm bánh này phải chà bột qua cái rổ để phần bột kéo thành sợi, lọt xuống phía dưới nên người ta mới gọi là bánh lọt. Ngày trước ở quê, hầu như nhà nào cũng có sẵn bột gạo mà là bột tự làm. Cứ tầm giáp tết, ngoại xay gạo, để lắng lấy bột rồi vắt từng vắt phơi đầy trước sân. Số bột đó để dành ăn quanh năm. Cứ hôm nào ngơi việc đồng áng, ngoại lại đem bột ra nhồi làm bánh cho mấy đứa nhỏ. Vừa nghe ngoại nói làm bánh lọt, chị hai chạy ra sau vườn cắt mấy nhánh lá dứa rồi nạo trái dừa khô, vắt lấy nước. Anh ba lấy xe đạp chạy lên quán mua ít nước đá, đường để ăn chè. Món bánh lọt thì dễ làm phải biết! Lá dứa quấn thành cuộn rồi lật ngược cái nắp khạp lên để mài, vắt lấy nước. Cho nước lá dứa, nửa kilôgam bột gạo, 200gr bột năng vào khuấy đều. Để đẹp mắt hơn, ngoại chia bột ra làm 2 phần, 1 phần nhồi với nước lọc, 1 phần nhồi với nước lá dứa để tạo ra màu xanh và trắng. Khi khuấy bột cần để nhiều nước, sau đó cho lên bếp đảo đều đến khi bột chín.

Bánh lọt không thể thiếu nước đường và nước cốt dừa

Chị hai, anh ba hí hoáy thắng nước đường. Nửa kilôgam đường cát hòa với nước rồi cho thêm vào 2 viên đường tán, bắc lên bếp nấu sôi. Ngoại nói phải có thêm đường tán hoặc đường thốt nốt thì mới đậm vị. Khi nước đường sánh lại, thêm vài nhánh lá dứa.

Phần bột chín khi nãy để nghỉ chừng nửa tiếng rồi bỏ lên chiếc rổ vừa chà, vừa ấn nhẹ để bột lọt xuống từng mắt rổ tạo thành sợi. Phía dưới rổ để thau nước lạnh, khi bột lọt xuống sẽ không bị dính lại với nhau.

Bánh lọt vừa làm xong, đám trẻ con xúm xít lấy bánh cho vào tô, chan nước đường, nước cốt dừa, bỏ thêm đá lạnh rồi ăn lấy ăn để. Món bánh tuổi thơ đơn giản có vậy thôi mà chứa cả vùng trời ký ức. Để rồi hôm nào đó giữa phố thị tấp nập, chợt nghe tiếng rao “bánh lọt đ...â...y...” mà cảm thấy lòng nghẹn lại. Cũng là bánh lọt nhưng chắc khó tìm lại được hương vị của ngày xưa bởi món bánh đó được làm từ tình thương yêu vô bờ bến của ngoại dành cho đám cháu.

Trời lại mưa, lại nhớ món bánh quê dân dã mà đậm đà và lại lui cui vào bếp nhồi bột.../.

Tâm An

Chia sẻ bài viết