Tiếng Việt | English

16/11/2021 - 13:35

Tìm về cội nguồn qua cổ phục

Hình ảnh các bạn trẻ trong trang phục thời Nguyễn, thời Trần tạo được sự chú ý của nhiều người. Trong bộ cổ phục Việt, các bạn như tìm về các giá trị truyền thống của dân tộc.

Dịu dàng cổ phục

Cô dâu trẻ Nguyễn Thị Thu Mai (huyện Cần Đước, Long An) dịu dàng trong bộ nhật bình - trang phục cho phi tần thời Nguyễn. Để phù hợp với trang phục của cô dâu, chú rể Nguyễn Trung Hiếu chọn áo dài ngũ thân, cũng là một loại trang phục thời Nguyễn. Bộ ảnh cưới đậm nét hoài cổ của 2 bạn trẻ nhận được nhiều lời khen ngợi của người thân, bạn bè.

Mai kể, cô biết đến cổ phục Việt từ lâu, thông qua mạng xã hội và cảm nhận trang phục này mang một nét đẹp rất riêng. Chính vì vậy, Mai và Hiếu quyết định chọn cổ phục làm trang phục chụp ảnh cưới. Mai chia sẻ thêm: “Tháng tới tụi em cưới, em dự định sẽ đặt may 2 bộ thật vừa vặn để mặc trong ngày trọng đại”.

Cô dâu Thu Mai rạng ngời trong bộ nhật bình (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ góp phần đưa cổ phục trở về với đời sống người Việt bằng nhiều hình thức như mặc cổ phục chụp ảnh, mặc trong ngày cưới hoặc cách tân cổ phục cho phù hợp và ứng dụng vào cuộc sống thường ngày như dạo phố, chúc tết,... Các hội, nhóm tìm hiểu về cổ phục cũng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Ở đó, các thành viên trao đổi với nhau hình ảnh, thông tin về cổ phục. Hình ảnh những cô gái kín đáo, e ấp trong bộ ngũ thân, nhật bình hay giao lĩnh toát lên nét đẹp đầy thu hút và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Cổ phục Việt có nhiều loại nhưng được các bạn trẻ quan tâm nhất có lẽ là áo ngũ thân, áo tấc, áo nhật bình, áo giao lĩnh. Áo ngũ thân có 5 thân, xẻ 2 tà trước và sau, gài nút chéo, được dùng cho cả nam và nữ trong thời Nguyễn. Áo tấc dành cho nữ, còn gọi là áo ngũ thân tay thụng, phần tay áo rộng và dài, phần vạt áo may đúng 1 tấc. Đây là loại áo được các bạn nữ đặc biệt ưa chuộng vì dễ ứng dụng trong cuộc sống đời thường. Áo tấc cũng dùng trong thời Nguyễn.

Áo nhật bình là loại áo cầu kỳ vì thường dùng cho các phi tần xưa, phần cổ có bản lớn, đối xứng, tạo thành hình chữ nhật trước ngực. Dưới chân ngực có dây cột hai vạt áo lại. Tay áo nhật bình dài bằng vạt áo. Đây là loại áo được các cô dâu ưu tiên lựa chọn trong ngày trọng đại của mình. Áo giao lĩnh là áo trong thời Lý - Trần, với cổ áo bản lớn và đắp chéo qua nhau, nhìn có nét giống với cổ phục Trung Quốc, Nhật Bản và được dùng cho cả nam và nữ.

Phụ nữ Việt Nam khi khoác lên mình những bộ trang phục của dân tộc luôn toát lên nét đẹp dịu dàng, tự nhiên (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lưu giữ nét văn hóa cổ xưa

Mỗi loại cổ phục đều mang nét đẹp riêng đầy thu hút và được giới trẻ quan tâm. Ban đầu, sự quan tâm chỉ dừng lại ở việc ủng hộ các sản phẩm nghệ thuật sử dụng cổ phục Việt: Phim Phượng Khấu, MV Anh ơi ở lại, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp,... Khi các dự án phục hồi cổ phục được khởi xướng thì cổ phục ngày càng trở nên phổ biến hơn và bắt đầu xuất hiện trong các dịch vụ cho thuê trang phục.

Cổ phục Việt là áo được ưa chuộng nhất trong cửa hàng của chị Tuyết

Chị Tuyết - chủ cửa hàng Tuyết Võ Trang Phục (xã Long Cang, huyện Cần Đước), cho biết: Cổ phục Việt là áo được ưa chuộng nhất trong cửa hàng của chị. Khách thuê chủ yếu là các bạn trẻ muốn lưu lại hình ảnh với những bộ cổ phục, học sinh lớp 12 thuê chụp hình kỷ yếu, đặc biệt là các cặp đôi trẻ.

Chị Tuyết chia sẻ: “Tôi cũng không ngờ cổ phục lại được ưa chuộng nhiều như vậy. Tôi rất thích áo tấc nên ban đầu chỉ may 2 bộ để mặc nhưng được nhiều người khen, hỏi thuê nên tôi bổ sung cổ phục vào dịch vụ của gia đình và rất được lòng các bạn trẻ. Điều khiến tôi vui nhất là nhiều cặp đôi chọn nhật bình cho ngày trọng đại. Các bạn thật xinh đẹp trong bộ trang phục cổ của Việt Nam”.

Đại đức Thích Hoằng Nghệ, một người say mê những nét đẹp cổ xưa, chia sẻ rằng, ông thấy phụ nữ Việt Nam khi khoác lên mình những bộ trang phục của dân tộc thì luôn toát lên nét đẹp dịu dàng. Tại tư thất Minh Châu ở xã Phước Vân, huyện Cần Đước, Đại đức sưu tầm và bố trí nhiều tiểu cảnh mang xu hướng hoài cổ, chuẩn bị sẵn các bộ trang phục phù hợp cho khách thập phương đến tham quan, chụp ảnh hoàn toàn miễn phí. Đại đức chia sẻ: “Trước đây, tôi có mua một vài bộ cổ trang Trung Quốc. Khi tủ đồ được bổ sung một số bộ áo tấc của thời Nguyễn, tôi nhận ra các bạn mặc áo tấc đẹp hơn hẳn khi khoác lên người bộ trang phục của nước ngoài. Đó là nét đẹp rất tự nhiên, nền nã”.

Đại đức đã dành suốt 6 năm để sưu tầm các vật dụng, trang phục xưa, tạo hình các tiểu cảnh phục vụ khách thập phương. Chỉ trong khoảng thời gian đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, tư thất Minh Châu đã tiếp trên 4.000 lượt khách viếng thăm, chụp ảnh. Theo Đại đức, đó là tín hiệu đáng mừng, khi các giá trị xưa cũ được quan tâm, các giá trị về đạo đức, hiếu đạo của ông cha được gìn giữ, nhân rộng theo nhiều cách khác nhau.

Hình ảnh thiếu nữ e ấp bên bộ ngũ thân nép mình bên đóa sen thanh khiết luôn gợi cho người xem về nét đẹp truyền thống, thanh tao của người phụ nữ Việt. Nét đẹp của quá khứ đang được lưu giữ và phát triển nhờ thế hệ trẻ hôm nay./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết