Chốn bao dung
Sau hơn 1 năm học đại học tại TP.HCM, Lê Phạm Nhật Giang (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nhận thấy mình không phù hợp với chuyên ngành Luật từng lựa chọn. Muốn được bắt đầu lại nhưng Nhật Giang vô cùng lo lắng, không biết phản ứng của gia đình sẽ như thế nào, bởi ngành học hiện nay là do chính em lựa chọn.
Ngày làm hồ sơ thi vào đại học, Nhật Giang “bỏ ngoài tai” định hướng của gia đình, quyết tâm theo đuổi ngành mình yêu thích. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm theo học, em nhận ra, bản thân không phù hợp cũng như không thực sự yêu thích ngành Luật như từng nghĩ. Sau khi cân nhắc, em quyết định hỏi ý kiến gia đình để lựa chọn một con đường khác cho tương lai.
Cứ nghĩ rằng sẽ bị cha mẹ giận và la mắng vì phí từng ấy thời gian, công sức vào ngành học không phù hợp, điều Nhật Giang không ngờ nhất chính là cha mẹ đồng ý ngay không một lời trách mắng.
Nghe con nói xong, cha em gật đầu và nói: “Cha mẹ cho con một tuần suy nghĩ. Sau đó, con có thể trở lại trường tiếp tục học hoặc nếu vẫn quyết định nghỉ thì con đăng ký nghĩa vụ quân sự, hoàn thành trách nhiệm của thanh niên; đồng thời, suy nghĩ thêm về nghề nghiệp mình muốn làm sau khi rời quân ngũ”.
Gia đình ông Lê Minh Tuấn và bà Phạm Thị Mười (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) luôn chú trọng bữa cơm gia đình, nơi các thành viên quây quần bên nhau
Sau khoảng thời gian rèn luyện trong quân đội, Nhật Giang xin phép cha mẹ thi vào Trường Đại học Thể dục Thể thao để có thể phát huy thế mạnh, năng khiếu của bản thân. Hiện tại, em là sinh viên Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM. Ngoài ra, em còn là huấn luyện viên một số lớp võ tại TP.HCM.
Ông Lê Minh Tuấn - cha của Nhật Giang, cho biết: “Tôi vốn là huấn luyện viên Taekwondo nên Nhật Giang được học võ từ khi còn nhỏ. Con sớm bộc lộ năng khiếu nên 18 tuổi đã có đủ điều kiện trở thành huấn luyện viên.
Ban đầu, gia đình có định hướng cho con phát huy thế mạnh, tuy nhiên, chúng tôi vẫn tôn trọng mọi quyết định của con. Không có lý do gì phải ép con mình làm điều mà con không thích”.
Ngồi bên cạnh chồng, bà Phạm Thị Mười tiếp lời ông Tuấn: “Chúng tôi không mong cầu con mình phải làm “ông này, bà nọ”, chỉ cần con có công việc ổn định, lo tốt cho bản thân và trở thành người có ích cho xã hội là được. Bởi vậy, khi con xin nghỉ học ngành Luật, chúng tôi ủng hộ, dù cũng có không ít lời ra tiếng vào nhưng chúng tôi tin vào quyết định của con mình”.
Sự tin tưởng từ gia đình đã giúp Nhật Giang có thêm niềm tin, động lực trên hành trình của riêng mình.
Gia đình ông Tuấn, bà Mười có 2 người con. Ông bà luôn quan tâm, tạo điều kiện cho con phát huy năng lực, sở trường, động viên con học tập nhưng không tạo áp lực cho con. Ông bà chọn cách dạy con bằng sự gắn bó, yêu thương và tin tưởng. Thay vì thúc ép con học hành, ông bà định hướng cho con bằng cách làm gương và đặt niềm tin vào con.
Bà Mười chia sẻ: “Gia đình tôi kinh tế không khá giả gì mấy nhưng tôi cảm thấy mình “có phước” vì các con có trách nhiệm với gia đình và ngày càng trưởng thành. Ngoài chăm học, các con còn biết quan tâm và giúp đỡ cha mẹ việc nhà.
Khi về nhà, cả gia đình mỗi người một việc, cùng nhau làm, rồi cùng nhau nghỉ ngơi. Chúng tôi duy trì bữa cơm gia đình để có thể quây quần cùng nhau. Với chúng tôi, đó là điều quý giá nhất!”.
Hậu phương vững chắc
Trong xã hội hiện đại, phụ nữ không chỉ “quanh quẩn nơi xó bếp”, họ được trao nhiều cơ hội “bước ra xã hội”. Sự động viên, giúp đỡ của gia đình là nguồn động lực to lớn, giúp các cá nhân, đặc biệt là phụ nữ phấn đấu trong công việc và cuộc sống.
Cô Trương Thị Mai Thảo - giáo viên Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An), khẳng định, sự hỗ trợ của gia đình chính là nền tảng to lớn và vững chắc giúp cô yên tâm phấn đấu và đạt nhiều thành tích trong công việc. Cô là 1 trong 2 giáo viên của trường vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong năm 2024. Đó là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, phấn đấu của cô Thảo trong suốt quá trình làm nghề. Cô còn là Chủ tịch Công đoàn trường, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP.Tân An; từng nhận bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh.
Đối với cô Trương Thị Mai Thảo - giáo viên Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An), sự đồng hành của gia đình là động lực to lớn giúp cô hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn
Cô Thảo tâm sự, cô đến với nghề giáo một phần là do nghe theo định hướng của gia đình nhưng rồi càng gắn bó, cô lại càng cảm nhận lòng yêu nghề, mến trẻ lớn dần lên từng ngày. Giảng dạy bộ môn Công nghệ - môn học hướng dẫn các kỹ năng thiết yếu nên cô đặc biệt chú trọng việc tạo điều kiện cho học sinh thực hành, áp dụng bài học vào cuộc sống, vừa thiết thực, vừa tạo niềm vui, hứng thú cho học sinh. Trong điện thoại, Zalo của cô đầy ắp hình ảnh học sinh gửi báo cáo hoàn thành bài tập cô giao: Xay sinh tố, nấu cơm, luộc rau, lựa chọn trang phục,...
Ngoài giờ lên lớp, cô còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch bài dạy sao cho sáng tạo, hấp dẫn và thu hút học sinh. Đó là mấu chốt giúp học sinh hiểu bài, dễ thực hành và nhanh chóng áp dụng bài học vào cuộc sống.
Chính vì dành nhiều thời gian cho công việc nên cô Thảo luôn cần sự đồng hành, ủng hộ của gia đình. “Chồng tôi làm việc theo ca, hôm nào ở nhà là anh nhận việc chăm sóc con, làm việc nhà. Đi Cha mẹ của tôi cũng hết lòng hỗ trợ, chăm sóc các cháu lúc cả 2 vợ chồng tôi đều bận công việc chưa về nhà kịp. Nhờ có gia đình làm chỗ dựa, tôi mới có thể yên tâm dành nhiều thời gian, tâm sức cho công việc” - cô Thảo bộc bạch.
Theo cô Thảo, dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng cha mẹ của cô rất chú trọng việc học hành của các con, không phân biệt con trai hay con gái. Khi lập gia đình, chồng cô cũng luôn là điểm tựa vững vàng để vợ có cơ hội phát triển bản thân, đạt nhiều thành tích trong công việc. Hiện con trai lớn của cô Thảo học đại học, còn người con út đạt học sinh giỏi suốt nhiều năm liền.
Nguồn cội yêu thương
Gia đình vẫn luôn là động lực, nơi bình yên nhất của mỗi người. Theo sự phát triển của xã hội, nhiều quan niệm cổ hủ, không phù hợp dần bị xóa bỏ như trọng nam, khinh nữ, gia trưởng, bạo lực,... Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy.
Trong khi nhiều người trẻ có xu hướng tìm kiếm sự độc lập thì gia đình ông Nguyễn Thanh Tuấn (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) lại giữ nếp sống gia đình nhiều thế hệ. Bà Đặng Thị Hoa (mẹ của ông Nguyễn Thanh Tuấn) luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ các con
Trong khi nhiều người trẻ có xu hướng tìm kiếm cuộc sống độc lập thì gia đình ông Nguyễn Thanh Tuấn (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) lại giữ nếp sống gia đình nhiều thế hệ. Gia đình ông Tuấn và gia đình em gái ông cách nhau vài bước chân nên thường xuyên qua lại, gắn bó như một nhà. Mẹ ông Tuấn là bà Đặng Thị Hoa được cả gia đình con trai và con gái chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ.
Bà Hoa kể: “Ban ngày, tôi ở nhà con trai, tối thì sang nhà con gái ngủ vì cháu ngoại cứ đòi, không có bà ngoại là không chịu ngủ. Cháu nội đi học đại học ngày nào cũng gọi điện thoại về nói chuyện với tôi. Cháu nội, ngoại đứa nào cũng quấn quýt bà, nhờ vậy mà tôi vui và khỏe hơn”.
Gia đình lớn của ông Nguyễn Thanh Tuấn (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) thường quây quần vào các dịp lễ, tết, hoặc đi du lịch cùng nhau
Nghe mẹ nói, ông Tuấn cười, nói tiếp: “Thường thì cha mẹ sẽ nghiêm khắc với con hơn, còn ông bà lúc nào cũng thương cháu nên cả con tôi và con của em gái tôi đều rất mến bà. Chúng tôi luôn dạy con, cháu biết lễ phép, yêu thương ông bà, cha mẹ, mà trước hết người lớn phải làm gương. Cha mẹ tôi đều tham gia kháng chiến, hòa bình rồi thì vất vả nuôi con. Cha mẹ luôn dạy anh em tôi lễ nghĩa, yêu thương nhau. Cha mẹ tôi, tôi và vợ chồng em gái đều là đảng viên nên lại càng phải gìn giữ những điều tốt đẹp trong nhà”.
Mỗi năm một lần, gia đình ông Tuấn đều sắp xếp đi du lịch cùng nhau và luôn đủ các thành viên của cả gia đình lớn. Dù đã ngoài 80 tuổi, bà Hoa vẫn luôn đồng hành cùng con, cháu. Mỗi dịp như vậy, gia đình lại rộn rã tiếng cười vui. Bà Hoa nói, hạnh phúc sum vầy chính là liều thuốc tốt nhất cho sức khỏe của bà ở những ngày tuổi “cổ lai hy”.
Dù là gia đình nhỏ, gia đình lớn, đối với người trẻ hay người già thì gia đình vẫn luôn là chốn về ấm áp, nơi nương tựa, yêu thương. Chính vì vậy, gia đình vẫn được gọi là “tổ ấm”./.
Thu Lam