Tiếng Việt | English

17/03/2024 - 07:15

Tổ chức hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động

UBND tỉnh Long An vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Long An với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.

Ảnh minh họa: Mai Hương

Theo đó, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai Luật ATVSLĐ; các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ sử dụng lao động ở các doanh nghiệp và người lao động về công tác ATVSLĐ; chăm lo sức khỏe, đảm bảo tính mạng của người lao động.

Đồng thời, tổ chức hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Qua đó, thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ và triển khai chủ đề của Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024.

Qua Tháng hành động về ATVSLĐ sẽ huy động được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị truyền thông, doanh nghiệp và người lao động; vận động các nguồn lực xã hội, người sử dụng lao động nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Theo UBND tỉnh Long An, các hoạt động hưởng ứng hành động về ATVSLĐ được thực hiện trong Tháng hành động từ ngày 01/5/2024 đến ngày 31/5/2024 và trong năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong Tháng hành động, tỉnh sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024. Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội.

Tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân và hậu quả của các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng, chống cháy, nổ trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trong cộng đồng.

Triển khai các chương trình hành động cụ thể về bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng, chống cháy, nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện.

Trong tuyên truyền, chú trọng nêu cao vai trò của Ban Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn đối với công tác huấn luyện ATVSLĐ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về ATVSLĐ, hạn chế, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tùy theo điều kiện thực tế mà các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ như tổ chức các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn các biện pháp ATVSLĐ tại doanh nghiệp; tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ, chú trọng huấn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, đặc biệt là trong các công việc có nguy cơ rủi ro cao, không an toàn trong lao động.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp an toàn tại các phân xưởng, nhà máy, các máy móc, thiết bị; chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng, mệt mỏi tại nơi làm việc, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động.

Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân gia đình nạn nhân mất do tai nạn lao động và công nhân, viên chức, người lao động bị tai nạn lao động.

Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ, trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao như vận hành các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, sử dụng các hóa chất có khả năng gây bệnh nghề nghiệp, công việc làm việc trên cao, hàn, cắt, làm việc trong không gian hạn chế, các doanh nghiệp có sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng,... ./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết