Kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (1990), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm và làm việc với Đài. Ông dặn trước, sẽ đến thẳng Trung tâm Âm thanh ở phố Bà Triệu xem các cơ sở kỹ thuật, sau đó về Quán Sứ gặp Ban lãnh đạo cùng một số cán bộ cốt cán, xin đừng huy động anh em chào mừng ở cổng. Tôi đón ông ở Trung tâm Âm thanh, mời ông thăm Đài phát sóng FM stéréo lần đầu tiên xây dựng tại Hà Nội, phát liên tục chương trình Âm nhạc và Tin tức 20/24 giờ.
Mở đầu buổi làm việc, Tổng Bí thư chúc mừng Đài đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ nhất). Ông đứng lên bắt tay chúng tôi. Tôi thưa: "Đây là sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước chủ yếu đối với các thế hệ đi trước, đặt nền móng cho phát thanh Việt Nam, nhờ vậy, khi Đảng đề xướng chủ trương đổi mới, chúng tôi có điều kiện kịp thời nắm bắt, phát huy". Ông nói, hơi trầm ngâm: "Đúng vậy. Phát thanh là công việc tập thể. Nhiều người lặng lẽ cống hiến rồi lặng lẽ đi qua. Bản thân tôi cũng từng làm việc ở đài phát thanh".
Tất cả chúng tôi, kể cả những người từng công tác lâu năm trong ngành có mặt hôm ấy đều ngạc nhiên. Về lịch sử Đài, chưa bao giờ nghe chuyện ấy. Tôi chỉ có dịp nghe ông nói thoáng qua một lần, trong buổi Ban Bí thư gặp giới báo chí ngày 25 - 5 - 1988: "... Trong quá trình hoạt động cách mạng trước đây, tôi đã từng viết báo...".
Chuẩn bị Đại hội V của Hội Nhà báo (tháng 11-1989), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vui vẻ nhận lời sẽ đến dự và hứa sẽ phát biểu ý kiến tại buổi khai mạc. Tổng thư ký Hội được giao nhiệm vụ cùng anh Lê Xuân Tùng, Trợ lý Tổng Bí thư, chuẩn bị giúp ông bài nói. Tiếc là đến gần ngày đại hội, ông đi công tác nước ngoài, chẳng may bị cảm lạnh. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thay mặt Bộ Chính trị phát biểu với báo giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam ngày 7-3- 1991 tại Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Thăm đài phát thanh, Tổng Bí thư có dịp phân tích thêm một số ý kiến ông chuẩn bị bày tỏ với giới tân văn cả nước: "Báo chí không chỉ là công cụ chỉ đạo, là diễn đàn quần chúng, mà còn có chức năng làm trường học, một loại trường học sinh sinh động và đa dạng". Ông nhấn mạnh: "Đài Tiếng nói Việt Nam có điều kiện làm, đã làm và còn phải làm tốt hơn nữa chức năng giáo dục của báo chí". Ông nói thêm: "Trong kháng chiến chống Pháp, tôi có làm phát thanh vì Đảng phân công phụ trách Tuyên huấn, chưa tìm ra người để cử làm giám đốc Đài Nam Bộ, đành tạm thời kiêm nhiệm một thời gian".
Cuối buổi làm việc, tôi thưa với ông: "Hội Nhà báo Việt Nam vừa thiết lập Huy chương vì sự nghiệp báo chí (nay gọi là Kỷ niệm chương). Anh là nhà báo lâu năm và có nhiều cống hiến, chúng tôi xin được trao tặng anh Huy chương, cùng lúc với đồng chí Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu anh chấp nhận, hôm nào anh thu xếp được ít thời gian, Lãnh đạo Hội xin đến trao anh huy chương kỷ niệm". Ông tỏ vẻ ngạc nhiên: "Tôi rất lấy làm vinh dự về việc này. Song đã được Hội ưu ái, tôi phải đích thân tới cơ quan Hội nhận huy chương chứ".
Lễ trao Huy chương Vì sự nghiệp báo chí tặng Nhà báo Nguyễn Văn Linh diễn ra trọng thể tại Câu lạc bộ Báo chí, 12 phố Lý Đạo Thành cạnh Cơ quan Trung ương Hội, ngày 7 - 3 - 1991, trước sự có mặt của nhiều nhà báo và cán bộ, và Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Thanh Bình.
Đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh rất dày dặn. Mười bốn tuổi đến với cách mạng. Mười lăm tuổi đã biết thế nào là tù đày. Hai lần, tổng cộng mười năm tại nhà tù Côn Đảo. Ông là một trong số cán bộ lãnh đạo cách mạng chủ chốt lăn lộn miền Nam nước ta suốt hai cuộc kháng chiến cho đến ngày thống nhất nước nhà.
Nhà lãnh đạo Mười Cúc (tên thường gọi của ông) kế tiếp "ngọn đèn pha hai trăm nến" Anh Ba Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ từ năm 1957, giữa lúc tình hình cách mạng miền Nam lâm vào thế gay go do chính sách khủng bố trắng của Ngô Đình Diệm. Ông đã cùng Xứ ủy bám sát cơ sở, lãnh đạo quần chúng sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh, giữ vững phong trào; và từ thực tiễn đóng góp ý kiến xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một người có công lớn cùng Trung ương Cục chỉ đạo quân và dân miền Nam cùng cả nước đánh bại chiến tranh xâm lược của Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975.
Khởi xướng và lãnh đạo đổi mới là công lao của Đảng. Để định hướng được đổi mới, nhiều vị lãnh đạo Đảng ta ở Trung ương và địa phương trăn trở tìm tòi mở lối. Nguyễn Văn Linh với tư cách Bí thư thành phố Hồ Chí Minh, đã khảo sát thực tế và mạnh dạn nêu lên sự bất cập của nhiều chính sách quản lý trước tình hình mới. Ông đề ra và chỉ đạo thực nghiệm một số chủ trương xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.
Cũng như mọi chính sách mới, có người tán thành có người phản đối. Chính kiến phân vân. Trung ương cử Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh vào thành phố xem xét, và nhất trí kết luận nhất thiết phải đổi mới, xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Từ thực tiễn của miền Nam kết hợp thực tế nhiều địa phương khác, Trung ương hoạch định chủ trương đổi mới toàn diện.
Tiếp đó, với tư cách Uỷ viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Văn Linh cộng tác đắc lực với Tổng Bí thư Trường Chinh hoàn thành việc Trung ương ký thác: đánh giá khách quan thời cuộc, định hình đường lối, chính sách làm Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng xem xét, thông qua, mở bước ngoặt quyết định cho quá trình phát triển của dân tộc ta từ cuối thế kỷ 20 trở về sau.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhiệm kỳ đầu tiên thời đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Trung ương chủ động chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đúng vào lúc thế giới xảy ra những cơn địa chấn chính trị dẫn đến sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa cũ ở Liên Xô và Đông Âu năm 1989.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI - Đại hội “Đổi mới” của Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 - 18-12-1986) với chủ đề “Hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để.” (Ảnh: TTXVN)
Một thành công của Nguyễn Văn Linh là sử dụng báo chí làm công cụ đấu tranh chống sự trì trệ, quan liêu của cán bộ, tạo đồng thuận xã hội, khắc phục các hiện tượng tiêu cực. Các bài báo Những việc cần làm ngay khởi đăng báo Nhân dân từ ngày 25-5-1987 đã thật sự khơi lên một luồng sinh khí mới, thúc đẩy sinh hoạt dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật. Các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt ủng hộ báo chí.
Tuy nhiên, cũng có một số người giữ trọng trách chưa đồng tình: "Còn biết bao nhiêu việc tích cực cần phải làm, sao lại đi hăng hái chống tiêu cực đến vậy? Sao không chuyên tâm nói tới những chuyện tích cực?". Nguyễn Văn Linh phải dành một bài báo phản biện. Và kết luận: "... Đành trái lời khuyên, tôi vẫn viết tiếp (Những việc cần làm ngay) vì thấy cần quá. May thay: chỉ vài ngày sau dư luận rộng rãi khắp cả nước hưởng ứng bằng nhiều cách đúng đắn, đáng mừng, đáng khâm phục...".
Những ai có dịp tiếp xúc cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đều thấy rõ đức tính khiêm nhường, sâu sát thực tế của ông. Ông luôn luôn sòng phẳng mọi thứ, trong công tác cũng như trong đời thường. Bản thân kẻ viết bài này, cùng chung cảm nhận với nhiều đại biểu dự Đại hội lần thứ VI của Đảng, có ấn tượng sâu sắc về bài phát biểu ra mắt của Tổng Bí thư mới thay đồng chí Trường Chinh xin nghỉ vì lý do sức khoẻ. Trong bầu không khí nghiêm trang và xúc động, tất cả các đại biểu dự Đại hội VI đều ý thức rõ vận mệnh của Đảng, của dân tộc trong thời điểm đầy khó khăn vừa được chuyển giao cho một tập thể mới, mà người đứng đầu là Nguyễn Văn Linh.
Ông nói: "Trước đây, các Tổng Bí thư đều cao hơn chúng ta một cái đầu. Nay tôi được bầu làm Tổng Bí thư, trình độ tôi không xa cách các đồng chí bao nhiêu. Chúng ta phải nương tựa vào nhau, phát huy trí tuệ tập thể, bổ sung cho nhau mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Khi nói câu trên ông ngừng đọc văn bản, nhìn thẳng vào các đại biểu nói vo với thái độ hết mực chân thành. Trò chuyện với bạn bè, ông báo trước, dứt khoát mình chỉ đảm đương trọng trách một nhiệm kỳ, sau đó trao lại cho các đồng chí khác trẻ hơn, sức khoẻ tốt hơn - điều mà ông kiên quyết giữ lời.
Nguyễn Văn Linh là con người khiêm nhường, chân tình, thẳng thắn, yêu thương đồng chí, bạn bè song sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng. Ông nói thẳng với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Gorbachốp, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô viết thời ấy, giữa lúc ông này đang ở đỉnh cao quyền lực và vinh quang - vinh quang ngắn ngủi, do các phương tiện truyền thông phương Tây tạo dựng là chính - tại cuộc hội đàm song phương Lãnh đạo cấp cao tại Matxcơva: "Với tư cách một người cộng sản, tôi có thể chân thành nói với đồng chí việc bỏ Điều 6 và Điều 7 trong Hiến pháp Liên Xô(1) là một sai lầm nghiêm trọng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường không chỉ đối với Liên Xô mà thôi". Câu nói thẳng thắn - và cũng là một dự báo sẽ sớm trở thành hiện thực - của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh dĩ nhiên không làm đảo ngược cục diện Liên bang Xô viết, ít ra cũng nói lên khí tiết và bản lĩnh người cách mạng Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ giữ trọng trách Tổng Bí thư, ông có nhiều cố gắng - lần này không mấy thành công - vận động cán bộ cả nước giảm bớt lãng phí tài sản công. Đất nước mở cửa, không ít cán bộ chuyển sang đi xe đời mới sản xuất tại Nhật Bản, riêng Tổng Bí thư vẫn dùng chiếc xe Lada chật chội xuất xưởng tại Liên Xô thời trước, không gắn máy điều hòa nhiệt độ. Ông không đồng ý cho xe cảnh sát đi trước dẹp đường mỗi khi cần di chuyển trong thành phố.
Đất nước gánh hậu quả chiến tranh, đời sống nhân dân cả nước đâu đâu cũng khó, gia đình ông sống tại thành phố Hồ Chí Minh cũng nuôi lợn, nuôi chim cút như mọi người khác để tăng thu nhập. Nghe tin con gái ngã bệnh vì vất vả quá, từ Hà Nội, Tổng Bí thư viết thư khuyên: "Nhà nuôi một lứa heo này rồi thôi đừng nuôi nữa. Con nên nuôi đàn vịt cho đỡ mệt...".
Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1995), Đài Tiếng nói Việt Nam được tặng Huân chương Sao vàng. Lúc này đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thôi trách nhiệm Tổng Bí thư. Được biết ông từ thành phố Hồ Chí Minh vừa ra Hà Nội, chúng tôi mời ông đến thăm Đài. Ông lại đến thẳng Trung tâm Âm thanh, xem cơ sở kỹ thuật đã được đổi mới khá nhiều sau 5 năm, và dứt khoát không nhận lời dự buổi đón tiếp trọng thể tại trụ sở Đài.
Cùng đi có phu nhân, một cán bộ cách mạng lão thành từng giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khóa IV - và là một trong số ít đảng viên vừa nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Bác Hồ vừa qua (2015) tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi mời ông bà đi thăm một số phòng studio sử dụng công nghệ tiên tiến, biên tập viên nói trực tiếp với thính giả, một « cách tân » quan trọng của Đài TNVN thời bấy gờ, và đề nghị ông phát biểu mấy lời cho Đài ghi âm, lưu giữ làm tư liệu quốc gia. Ông tự tay viết vào Sổ lưu niệm: "Nhơn dịp 50 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có lời chúc mừng Đài ngày càng trưởng thành, trở thành một công cụ thông tin và giáo dục tốt của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam" (1995)./.
(1) Hai điều này xác định: "Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và chỉ đường dẫn lối của xã hội Xô Viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị, v.v…".
Nhà báo Phan Quang/Theo VOV.VN