Tiếng Việt | English

20/08/2017 - 13:07

Trạm BOT Cai Lậy thành “điểm nóng” do thiếu công khai, minh bạch

Việc lùm xùm ở Trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vừa qua là vấn đề “nóng” gây xôn xao dư luận.

Vụ việc càng trở nên bức xúc hơn khi Thanh tra Chính phủ vừa có những kết luận chỉ ra những sai sót của Bộ Giao thông Vận tải xung quanh các dự án BOT, trong đó dự án tuyến tránh Cai Lậy cũng là một điển hình. Đó là tính công khai, minh bạch chưa được đề cao nên đã không tạo được sự đồng thuận dẫn đến những phản ứng quyết liệt từ các tài xế và nhiều người dân.


Trạm thu phí Cai Lậy trước ngày "xả cổng"

Vấn đề xây dựng Dự án đầu tư xây dựng Tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn thị trấn Cai Lậy (gọi tắt là Tuyến tránh Cai Lậy) rồi sau đó điều chỉnh lại tên Dự án là Dự án đầu tư xây dựng Tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560+km 2014+000 theo hình thức BOT ngay từ khi triển khai đã bộc lộ nhiều khuất tất.

Đến nay, nhiều người dân ở khu vực ĐBSCL vẫn chưa biết nhiều về dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy lại thêm phần nâng cấp, cải tạo hơn 26,5 km mặt đường Quốc lộ 1 theo Quyết định 4173 của Bộ Giao thông vận tải. Mọi người chỉ biết công ty BOT đầu tư xây dựng 12 km Tuyến đường tránh tại Thị xã Cai Lậy, nên việc đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 bị phản ứng gay gắt.

Thực tế việc nâng cấp, cải tạo đoạn Quốc lộ 1 này cũng chưa có gì khác ngoài việc dặm vá một số ổ gà, ổ voi, cải tạo bề mặt một số cây cầu. Riêng việc chuyển 2/7 cây cầu trên tuyến tránh Cai Lậy thành cống cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Điều đó cho thấy, thông tin từ Dự án Tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 chưa đến được với doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người dân. Những “khách hàng” như “thượng đế” này như bị áp đặt phải trả tiền dù không đi vào Tuyến tránh Cai Lậy.

Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại tỉnh Tiền Giang nói: “Trạm này tôi thấy đặt không đúng chỗ, không được sự đồng tình của nhiều người dân. Dự án đúng ra phải lấy ý kiến người dân tại địa bàn và Hiệp hội vận tải các tỉnh vùng ĐBSCL, thông qua HĐND-UBND các tỉnh. Nhiều người dân không biết đến dự án. Họ chỉ biết làm tuyến tránh, chưa đâu biết thu phí chặn ngoài Quốc lộ 1. Nếu làm tuyến tránh chỗ nào thì thu chỗ đó, dự án này tôi nghĩ là chưa minh bạch nên người dân bức xúc”.


Mặt đường Quốc lộ 1 trong khu vực dự án BOT nhưng chứa đầy nước sau cơn mưa

Vấn đề thứ hai là mức vé qua trạm thu phí quá cao. Nhiều tài xế so sánh giá phí qua trạm cao tốc Hồ Chí Minh-Trung Lương hay TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây hoặc trạm thu phí cầu Rạch Miễu thì trạm thu phí Tuyến tránh Cai Lậy cao hơn rất nhiều.

Phía nhà đầu tư thì cho rằng, mức giá này do Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đưa ra. Tuy nhiên, có lẽ đây là mức giá cao nhất trong khung giá thu phí đường bộ hiện hành. Các tài xế cho rằng, từ tỉnh Tiền Giang đến tỉnh Cà Mau phải đi qua 5 trạm thu phí. Xe ô tô 7 chỗ ngồi phải mất trên 200 ngàn đồng tiền phí. Do đó, vấn đề giá vé qua trạm cũng cần phải lấy ý kiến khách hàng.

Trước khi thu phí chính thức, trạm thu phí Tuyến tránh Cai Lậy đã hoạt động thử nghiệm nhiều ngày. Tuy nhiên nhà đầu tư không tiếp thu ý kiến của tài xế về mức phí mà chỉ “rút kinh nghiệm” khâu kỹ thuật, vận hành và đối phó khi ùn ứ giao thông… Thậm chí, trước một ngày đưa vào hoạt động, chủ đầu tư và Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang mới tổ chức họp lấy ý kiến các ngành và công bố báo chí.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, một tài xế xe ô tô tải tỉnh An Giang nói: “Người ta đầu tư phải bỏ vốn nhưng giá cũng phải hợp lý, chứ giá cao quá đâu có đi nổi. Người dân đâu có biết, đầu tư bao nhiêu, thu lại bao nhiêu. Trạm thu một ngày bao nhiêu, mình cũng đâu có biết. Người dân cứ gồng mình qua đóng thôi. Đúng là BOT phải công khai, làm gì cũng phải công khai trên đại chúng”.

Không chỉ cánh tài xế, chủ doanh nghiệp vận tải mà nhiều người dân đều phản ứng trạm thu phí Cai Lậy. Họ cho rằng, thu phí cao, chủ xe sẽ nâng giá hành khách, giá vận tải, cuối cùng người dân gánh chịu.

Ông Nguyễn Văn Một, chủ dịch vụ xe vận tải ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nói: “Nói chung vấn đề giá phí ảnh hưởng rất nhiều. Khi nhà xe thiệt thòi thì sẽ nâng giá xe, dẫn đến người dân phải chịu hết. Nếu nhà nước có cho đấu thầu có lẽ sẽ hay hơn, công bằng, minh bạch hơn”.


BOT Cai Lậy thành điểm nóng do không công khai, minh bạch

Phải khẳng định việc xây dựng Tuyến tránh Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là cần thiết nhằm giảm tối đa ùn tắc giao thông ngay điểm “thắt cổ chai” tại Thị xã Cai Lậy. Do đó, trước đây, UBND tỉnh Tiền Giang có đề xuất Chính phủ-Bộ Giao thông vận tải xem xét cho chủ trương làm đường tránh qua huyện Cai Lậy nay là Thị xã Cai Lậy.

Ông Lương Văn Cư, Thành viên Hiệp hội vận tải tỉnh Tiền Giang kiêm chủ doanh nghiệp kinh doanh xe buýt cho biết, sự điều chỉnh mức phí qua trạm Cai Lậy hiện nay chỉ xoa dịu phần nào bức xúc của các tài xế. Hy vọng, giữa nhà đầu tư dự án và doanh nghiệp vận tải, tài xế có “tiếng nói chung” cùng chia sẻ hài hòa lợi ích.

Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn việc huy động nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề là tất cả phải được công khai minh bạch mới tạo được sự đồng thuận của người dân./.

Nhật Trường/VOV.VN

Chia sẻ bài viết