Tiếng Việt | English

27/10/2020 - 14:46

Triệu trái tim hướng về Lễ giỗ cụ Nguyễn

Chẳng biết từ bao giờ, Lễ giỗ của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người mà nhân dân hay gọi bằng cái tên thân thương “cụ Nguyễn” đã tồn tại trong trí nhớ của không chỉ riêng người dân Long An mà còn cả người dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang,... Họ tưởng nhớ, thờ cúng ông như tổ tiên trong gia đình.

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,

Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”

Chỉ qua 2 câu đối đã có thể nói lên chiến công lẫy lừng của cụ Nguyễn. Một trong 2 chiến công được nhắc đến đó là chiến thắng nhấn chìm tàu L’Esperance của thực dân Pháp trên Vàm Nhựt Tảo (nơi giao giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo) vào ngày 10/12/1861. Để tưởng nhớ, biết ơn vị anh hùng dân tộc này, khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo đã được xây dựng tại xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Lễ giỗ của ông hàng năm vào ngày 11, 12 tháng 9 Âm lịch cũng được tổ chức tại nơi này.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh dâng hương cụ Nguyễn Trung Trực tại nhà người dân

Bên cạnh đó, hình ảnh một mâm trái cây, lư hương, di ảnh cụ Nguyễn được đặt trang nghiêm trước cửa nhà cũng trở thành một tập tục của người dân sinh sống gần khu di tích. “Trong nhà tôi xưa giờ đã thờ cụ Nguyễn Trung Trực rồi. Ở gần khu vực này, nhà nào cũng thờ cụ Nguyễn, nay lễ giỗ của cụ nên mới bày ra trước nhà, hòa chung không khí, thêm phần trang nghiêm” – bà Võ Thị Kim Thy ngụ ấp 1+3, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, cho biết.

Chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Ngọc Ánh (70 tuổi, đang sinh sống tại An Giang), gia phả dòng họ Nguyễn và cũng là cháu ruột của cụ Nguyễn Trung Trực. Bà Ánh chia sẻ: “Tôi tự hào khi được có tên trong gia phả của dòng họ Nguyễn. Tôi biết ơn những hy sinh của ông bà, tổ tiên, đặc biệt là cụ Nguyễn Trung Trực để đổi lại hòa bình, độc lập như hôm nay, nên dù lễ lớn, nhỏ, đường sá xa xôi tôi vẫn sắp xếp công việc về đây thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính. Đó như một nghĩa vụ mà con cháu phải làm”.

Ông Cao Văn Nhản kiểm tra việc nấu ăn tại lễ giỗ

Bên cạnh thưởng thức chuỗi hoạt động nghệ thuật như các bài ca ca ngợi quê hương, đất nước, các tiết mục văn nghệ đặc sắc giới thiệu về tiểu sử Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân khi đến thắp hương cúng viếng còn được phục vụ những món ăn chay miễn phí, trong đó phải nhắc đến “Bếp ăn từ thiện số 4” do ông Cao Văn Nhản (61 tuổi, đến từ Tân Châu, An Giang) làm trưởng đoàn.

“Đoàn của tôi có khoảng 150 người gồm dòng họ, anh em, con cháu trong nhà và hàng xóm. Năm nào tôi cũng đi viếng cụ Nguyễn. Tính đến nay, đây là năm thứ 3 tôi về đây góp sức cho đám giỗ cụ. Tôi không dám gọi là nhiều, chỉ cần góp chút gì đó thể hiện lòng biết ơn của con cháu dâng lên thế hệ cha ông ngày trước đã có công giữ nước, qua đó, giáo dục con cháu đời sau tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”" – ông Nhản thổ lộ.

61 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã nghỉ ngơi, ấy vậy mà ông Nhản vẫn không ngại khó khăn, hướng về cụ Nguyễn bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Ông Nhản cho biết thêm, để không bị mai một và tiếp tục tiếp nối ngọn lửa tri ân vị Anh hùng dân tộc, không chỉ là người đứng ra tập hợp mọi người trong đoàn, ông còn hướng người con trai của mình nối tiếp truyền thống gia đình chăm lo lễ giỗ cụ Nguyễn. 

Có thể thấy, những người dân nô nức kéo về dâng hương cúng viếng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân lễ giỗ lần thứ 152 của ông, có thể khác nhau về huyết thống, quê hương, tuổi tác,… nhưng chắc chắn rằng họ có một điểm chung duy nhất, đó chính là trái tim hướng về  vị Anh hùng dân tộc đã hy sinh vì quê hương./.

Mộc An

Chia sẻ bài viết