Tiếng Việt | English

19/12/2022 - 09:23

'Từ chức' - sự tự trọng cần có của cán bộ, đảng viên

Ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (CB). Đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang quyết tâm xây xựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,...

Ngày 06/7/2022, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng (TCĐ), đảng viên (ĐV) vi phạm. Quy định này được điều chỉnh ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung công tác kỷ luật của Đảng, vừa bảo đảm nội dung toàn diện, bao quát, vừa bảo đảm nguyên tắc kỷ luật một TCĐ phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức; đồng thời, xác định trách nhiệm của từng cá nhân và ngược lại khi kỷ luật ĐV phải kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm của TCĐ quản lý ĐV vi phạm.

Ngày 08/9/2022, Thường trực Ban Bí thư - Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với CB thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Điểm đáng chú ý, Bộ Chính trị khuyến khích CB bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Ảnh minh họa: VOV1

Mới đây nhất, ngày 17/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Trong triển khai, tổ chức thực hiện phải tuân thủ và bảo đảm nguyên tắc “Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác CB và quản lý đội ngũ CB trong hệ thống chính trị” trong chỉ đạo, xem xét, phân công, giới thiệu CB vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; tiếp tục hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu CB của các cấp ủy, TCĐ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác CB, chống chạy chức, chạy quyền. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Xây dựng thể chế của Đảng về khuyến khích, bảo vệ CB năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, khuyến khích CB từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế CB bị kỷ luật, CB năng lực hạn chế, yếu kém, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

Có thể khẳng định, những chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã “mở đường” cho “văn hóa từ chức” trong Đảng, hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Đây được xem như “luồng gió mới” để mỗi CBĐV soi lại mình, giữ gìn đạo đức cách mạng, phẩm chất của ĐV Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ trước đến nay, hiếm có lãnh đạo xin từ chức cho dù để xảy ra vi phạm tại các đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền. Chỉ khi phát hiện ra sai phạm, bị xử lý thì họ mới buộc phải nghỉ việc, “rời ghế” một cách miễn cưỡng. Nguyên nhân chính để một người “tham quyền cố vị” là họ đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, “kiếm” được rất nhiều lợi lộc từ vị trí mình nắm giữ. Từ đó, họ đánh mất liêm sỉ, sự tự trọng, quên mất rằng “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Vì vậy mà câu nói “một người làm quan cả họ được nhờ” vẫn lan truyền nhiều trong dư luận.

Các quy định nói trên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chính là muốn CBĐV tự nguyện, tự giác trong việc từ chức, nhường ghế. Từ đó, giúp mỗi CB giữ chức vụ có điều kiện “tự soi, tự sửa” để giữ thanh danh, nhân phẩm, làm gương cho các thế hệ sau. Quy định mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng rất nhân văn. Khi người bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ bị kỷ luật. Sau 24 tháng ở vị trí công tác mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Quy định như vậy đã bảo đảm tập thể đánh giá, nhìn nhận người có khuyết điểm, có điều kiện phấn đấu, có độ chín muồi để hoàn thành nhiệm vụ mà mình xác nhận; đồng thời, đưa văn hóa từ chức trở thành trách nhiệm của mỗi CBĐV. Những quyết sách này được CBĐV và nhân dân rất đồng tình hưởng ứng. Người dân rất mong muốn được thấy những CB lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng rút lui để thuận lợi cho công tác tổ chức và sự phát triển chung.

Tất nhiên, quy định đã rõ ràng nhưng thực tiễn áp dụng không phải dễ. Để thực hiện các quy định của Đảng đòi hỏi mỗi CBĐV phát huy cao độ tinh thần tự nguyện, lòng tự trọng và biết liêm sỉ. Điều đó phải xuất phát từ lòng trung thực, nhân cách “sáng và sạch” của mỗi CBĐV. Mỗi người trước hết phải tự nhận thấy không đủ phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao thì cần phải dừng lại để “nhường ghế” cho người khác. Đó vừa là văn hóa, vừa là sự tự trọng và cũng là trách nhiệm của ĐV. Đã đến lúc cần phải xem từ chức là chuyện bình thường trong công tác CB và là văn hóa công sở.

Muốn vậy, mỗi CCĐV phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” nên “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, ĐV và CB phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng”./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết