Tiếng Việt | English

17/08/2015 - 05:14

Tự hào là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

Trong ký ức của bà Ngô Thị Huệ - người bạn đời, người đồng chí của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, vẫn còn mãi hình ảnh của những ngày tháng Cách mạng tháng Tám sục sôi trên mảnh đất phương Nam.

Cuộc cách mạng đổi đời

Vào một ngày đầu tháng 8, dì Bảy Huệ - một cách gọi thân thương, gần gũi của nhân dân miền Nam dành cho bà Ngô Thị Huệ; người phụ nữ Nam Bộ kiên trung, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng - tiếp chúng tôi tại ngôi nhà riêng nằm trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 (TP Hồ Chí Minh). Dù đã bước qua tuổi 97, nhưng dì Bảy Huệ vẫn minh mẫn với đôi mắt sáng trong, nụ cười đôn hậu và ánh mắt của dì bừng sáng hơn khi nhắc đến những ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.


Bà Ngô Thị Huệ.

Đặt lên mặt bàn quyển sách tiểu sử đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, dì ôn tồn kể lại câu chuyện của mình từ tháng 6/1945, khi dì cùng với những chiến sĩ cách mạng thoát ra khỏi nhà tù của quân xâm lược, trở về địa bàn hoạt động trước đó để tiếp bước trên con đường đi đến mùa thu tháng 8. “Sau khi thoát khỏi giam cầm, tôi đi thẳng về Sóc Đồn, tỉnh Bạc Liêu. Lúc đó, anh Chín Xương, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, giao ngay cho tôi nhiệm vụ chuyên trách công tác đoàn thể. Tôi cùng với các anh em chuyên trách khác ráo riết xây dựng đội ngũ cốt cán, lực lượng chính trị, quân sự, trang bị vũ khí, tích trữ lương thực… chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền”, dì nhớ lại.

Làm công tác phụ nữ giữa lúc tình hình ở khắp nơi đang sôi sục chuẩn bị đón thời cơ mới, đêm nào dì Bảy Huệ cũng đến nhiều nơi trong tỉnh Bạc Liêu nói về tình hình trong nước, về Mặt trận Việt Minh, khu giải phóng ở mấy tỉnh khu Việt Bắc; về thời cơ giành chính quyền khi phát xít Đức đã đầu hàng Hồng quân Liên Xô và đồng minh, rồi đến lượt Nhật sẽ bại vong… Kể đến đây, giọng của dì Bảy Huệ trở nên mạnh mẽ: “Bà con dự mít tinh vỗ tay reo mừng, khiến tôi càng phấn chấn, nhận thức sâu sắc hơn chủ trương của Đảng chuẩn bị giành chính quyền là rất hợp với lòng dân. Đồng bào các giới, đảng phái, tôn giáo bày tỏ lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực, hết lòng ủng hộ Việt Minh. Nhiều binh lính cả cai, đội còn đang tại ngũ được giác ngộ hăng hái đến xin gia nhập “binh lính cứu quốc”. Không khí tiền khởi nghĩa bừng bừng từ tỉnh lỵ đến khắp các quận, làng trong tỉnh Bạc Liêu”.


Bà Ngô Thị Huệ và Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau ngày cưới ở Gò Xoài (Bình Chánh, TP.HCM).

Ngày 15/8/1945, tin Nhật đầu hàng quân đồng minh được loan truyền, dì cho biết: Dân chúng trong tỉnh đổ ra đường như ong vỡ tổ, hò reo vang dậy. Thanh niên, phụ nữ cứu quốc, tiền phong lũ lượt kéo qua các đường phố, vừa đi vừa hát vang bài “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng”, “Bạch Đằng giang”… Các cháu thiếu nhi cũng cất cao tiếng ca hùng tráng, theo gót các cô chú. Liên tiếp các ngày 20, 21, 22/8 quần chúng rầm rập kéo biểu tình trên đường phố với cờ đỏ sao vàng và hô khẩu hiệu “Đả đảo quân Pháp, Nhật cướp nước”, “Việt Minh muôn năm”, “Độc lập muôn năm”. “Ngay thời điểm đó, tin Hà Nội, Huế đã giành chính quyền, tuy chưa có tin Sài Gòn khởi nghĩa nhưng đúng ngày 23/8, Tỉnh ủy quyết định nắm bắt thời cơ quyết định tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, không gặp bất cứ kháng cự nào. Đúng ngày 25/8, tại sân vận động tỉnh lỵ diễn ra cuộc mít tinh chào mừng Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu”, dì Bảy Huệ hồi tưởng.

Lầu đầu tiên thấy Bác

Qua lời kể của dì Bảy Huệ, chúng tôi dường như thấy được đất trời, nhân dân của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và cả vùng đất phương Nam nói chung trong những ngày tháng 8/1945 nhuộm một màu đỏ rực của lá cờ đỏ búa liềm, sao vàng đang tung bay phấp phới, xóa tan những năm tháng cơ cực, lầm than dưới gót giày của quân xâm lược. “Sau khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, chúng tôi cùng đồng bào tỉnh Bạc Liêu hăng hái bắt tay vào việc ổn định cuộc sống, chăm lo cho bà con nghèo. Đồng thời vào tháng 1/1946, tỉnh ủy Bạc Liêu tiến hành tổ chức bầu Quốc hội lần đầu tiên để lập chính quyền kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Lúc ấy, tôi được nhân dân tin tưởng bỏ phiếu trở thành đại biểu Quốc hội. Trong tâm trí tôi không quên hình ảnh những người mẹ, người chị buôn gánh bán bưng viết tên tôi trên những tấm lá chuối, giấy gói hàng để chuyền tay nhau đọc và vận động bỏ phiếu cho tôi”, dì Bảy Huệ xúc động cho biết.

Vào tháng 3/1946, dì cùng với những đại biểu các tỉnh Nam Bộ khác được triệu tập ra Thủ đô Hà Nội dự phiên họp Quốc hội đầu tiên ngay thời điểm quân và dân ở các tỉnh, thành Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt. Sau nhiều tháng với các kế hoạch di chuyển từ Thái sang Lào để ra vùng phía Bắc của đất nước, phải thay đổi lộ trình nhiều lần, dì cùng với các đại biểu khác mới đặt chân đến miền Bắc. Dì nhớ mãi chiều ngày 20/10/1946, khi đang ở cảng Hải Phòng, bỗng nghe tiếng reo hò dồn dập: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập” và một rừng người. Dù đứng ở xa, dì vẫn thấy rõ hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo kaki, dáng đi nhanh nhẹn và vẫy chào đồng bào đứng hai bên đường. “Tôi đi giữa lúc bọn giặc Pháp giày xéo, gieo đau thương, tang tóc ở miền Nam. Tâm nguyện của tôi lúc đó là thay mặt chị em miền Nam bày tỏ lòng kính yêu đến Bác Hồ, vị cha già dân tộc và nói lên nguyện vọng của giới phụ nữ Nam Bộ đã, đang và sẽ tiếp tục hy sinh, giành độc lập tự do cho đất nước. Được thấy Bác trong lòng tôi hân hoan, nước mắt tôi cứ tuôn trào và ước ao chỉ được thưa với Bác một câu: “Cháu là đứa con gái từ Nam Bộ ra, chỉ muốn báo cáo với Bác rằng, nhân dân miền Nam một lòng, một dạ gửi trọn niềm tin ở Bác, ở Trung ương”, giọng của dì Bảy Huệ xúc động rưng rưng.

Khép lại cuộc nói chuyện với chúng tôi, dì Bảy Huệ bảo: “Vừa rồi, tôi có dịp ghé thăm Hội trường Quốc hội, được nhìn lại hình ảnh của kỳ họp năm 1946, tôi cảm thấy vui sướng và tự hào vì là một trong mười nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên”. Những ký ức về một thời đấu tranh từ mùa thu tháng Tám đến tận ngày miền Nam thống nhất vẫn vẹn nguyên trong tâm trí dì./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết