Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh Tư liệu TTXVN)
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mở đầu trang sử mới của dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Từ đó, ngày 2/9 trở thành Ngày hội độc lập, ngày Quốc khánh của dân tộc Việt Nam.
Lời thề trước đình Tân Trào
Mùa Hè 1945, cục diện của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đã chuyển biến nhanh chóng với sự thất bại nặng nề, liên tiếp của phátxít Đức và phátxít Nhật, mở ra cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Để tranh thủ thời cơ này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuyển “bản doanh” từ Pắc Bó-Cao Bằng đến bản Nà Lừa trong “an toàn khu” Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, cùng với cơ quan Trung ương Đảng khẩn trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Trong những ngày đầu tháng 8/1945, phátxít Đức, Nhật lần lượt đầu hàng Đồng minh. Nắm bắt thời cơ cách mạng, từ ngày 13 đến 15/81945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành chính quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi.
Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc gửi Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sỹ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành chính quyền độc lập.
Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội quốc dân được triệu tập, thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; đồng thời, quyết định Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có sao vàng năm cánh, chọn bài "Tiến quân ca" của nhạc sỹ Văn Cao làm Quốc ca.
Sáng ngày 17/8/1945, các thành viên trong Ủy ban giải phóng dân tộc đã ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ trước sân đình Tân Trào. Thay mặt Ủy ban, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không lùi bước. Xin thề!”
Ngày 19/8, Hà Nội khởi nghĩa. Ngày 23/8, Huế khởi nghĩa. Ngày 25/8, Sài Gòn khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ ngày 13 đến 28/8/1945, trên đất nước Việt Nam, chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm đã bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm đã bị xóa bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Cách mạng tháng Tám thành công. Lần đầu tiên chính quyền thật sự thuộc về nhân dân.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, "chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm được chính quyền toàn quốc."
Đến Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ Lễ đài độc lập, Người trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: “... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.” Vậy là, lời thề giành độc lập cho Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đình Tân Trào ngày 17/8/1945 đã trở thành hiện thực.
Bản Tuyên ngôn độc lập là mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định một chân lý lịch sử: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.” Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân ta trước toàn thế giới.
Tuyên ngôn độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn”, kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - quyền độc lập tự do.
Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí và tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ quyền độc lập, tự do, dân chủ của mình. Đó là ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”! Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam quyết giữ vững quyền thiêng liêng ấy...
30 năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, Đảng và nhân dân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc-dân chủ, thống nhất đất nước. Tổ quốc vĩnh viễn được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam.
70 năm qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của sự nghiệp Đổi mới do Đảng đề ra và lãnh đạo đã đưa nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới./.
Theo TTXVN