Tiếng Việt | English

27/01/2025 - 14:28

Tục thờ ông Thiên ở Nam Bộ

Tin vào thuyết Thiên Địa Nhân, hầu hết người Việt miền Nam xưa nay vẫn thờ kính Trời với bàn thờ Thiên trước sân mỗi nhà nhưng không cúng vía như các vị thần thánh khác.

Thuở nhỏ, mỗi lần về nhà ngoại, nơi mà tôi thích vui chơi nhất là khoảng đất dưới chân bàn thờ ông Thiên trước nhà. Bàn thờ ông Thiên nhà ngoại chỉ có tấm xi măng rộng khoảng 5 tấc vuông đặt trên trụ xi măng cao hơn một thước. Trên đó chỉ đơn giản có một bát nhang, ba chung nước, ngày nào ngoại tôi cũng thắp nhang, cúng nước nhưng chỉ rặt nước mưa, không cúng nước trà. Những ngày rằm, mùng một, ngoại bày thêm bình bông và dĩa trái cây. Bông và trái cây cũng chỉ là bông trang, bông điệp, xoài, chuối của vườn nhà.

Bàn Thiên dựng tạm trong đêm giao thừa

Mỗi nhà có một bàn ông Thiên

Trước bàn Thiên nhà ngoại có khóm cây mai chiếu thủy cổ thụ, tàn xòe rộng chạm tới hiên nhà nên luôn râm mát dù ngay giữa trưa mùa nắng. Đêm xuống, bà ngoại mặc áo dài nâu đứng trước bàn Thiên thắp nhang khấn vái, tin vào các đấng siêu nhiên mơ hồ và mạnh mẽ.

Mỗi lần ngoại khấn vái hơn nửa giờ từ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Âm Bồ Tát, Thái Thượng Lão Quân đến các vị tiên, phật xa lạ trong tưởng tượng của ngoại. Mùi hương trầm nhẹ nhẹ, mùi mai chiếu thủy đậm ngọt trong sương, dáng ngoại gầy gò mảnh khảnh, âm thanh lời khấn khàn khàn trong màn đêm tạo ra không gian huyền hoặc.

Nhà nội tôi cũng có bàn thờ ông Thiên tương tự, cũng giữa khoảng sân trước nhà nhưng trống trải không có cây che. Nội tôi chỉ thắp nhang, cúng nước hàng đêm chứ không khấn vái. Ngày rằm, mùng một, nội tôi cũng cúng bông hoa và thêm chung muối, gạo.

Bàn Thiên bên cây mai vàng - hình ảnh quen thuộc ở miền Nam 

Không riêng nhà nội, ngoại, trong các xóm đi qua, trước mỗi nhà đều có bàn thờ ông Thiên. Nhà khá giả thì bằng xi măng kiên cố, nhà trung bình thì ván gỗ, cột gỗ, thậm chí có nhiều nhà chỉ là tấm phên tre trên cây cọc tre.

Ông Thiên là ai mà nhà nào cũng thờ? Ông Thiên là ai mà ngoại tôi khấn vái cầu nguyện cho cả gia đình, dòng họ, làng xóm, đất nước được an lạc thái bình, phong điều vũ thuận? Cả bà nội và ngoại đều trả lời gọn lỏn: “Ông Trời đó con!”.

Câu trả lời không giải đáp mà còn tăng thêm thắc mắc. Trên cao đã có ông Trời làm mưa, làm gió, làm sấm sét, ngày đêm. Ông Trời trên cao vời vợi mây xanh, mây trắng, ban đêm chi chít vì sao,... vì sao lại phải thờ thêm ông Thiên với cái bàn nhỏ xíu.

Ấn tượng từ thời ấu thơ, lớn lên, tôi tìm hiểu mới biết ra thuyết Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân của người Á Đông. Người ta lý giải thế giới dung hợp bởi đất, trời, người. Thiên, địa, nhân là niềm tin, là hiểu biết đơn sơ về vũ trụ được vun bồi qua hàng ngàn năm.

Người ta tin Trời có quyền năng mưa gió hay các hiện tượng thiên nhiên, không chỉ trong lời khấn vái của ngoại mà còn thành ca dao, đồng dao: “Nắng mưa là bởi tại trời. Tương tư là bởi con người nhớ nhau” hay “Lạy trời mưa xuống. Có nước tôi uống...”,…

Từ bàn ông Thiên đến nếp ăn ở cho thấy có một ông Trời vô hình trong tâm tưởng của người miền Nam.

Điện thờ Ngọc Hoàng

Trong dân gian, không chỉ có bàn Thiên mà với những di dân người Hoa, với niềm tin mạnh mẽ vào thế giới tâm linh còn có những điện, miếu thờ cúng ông Trời. Vào đầu thế kỷ XX, một người Trung Hoa tên Lưu Minh, tự Lưu Đạo Nguyên xây dựng Điện Ngọc Hoàng ở Đa Kao (Sài Gòn).

Ngoài Ngọc Hoàng Thượng Đế còn thờ Huyền Thiên Bắc Đế, Phật Chuẩn Đề, Thập Điện Diêm Vương, Ông Tơ Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu,... Biển hiệu bằng chữ Hán ghi rõ là Ngọc Hoàng Điện. Đến nay, Điện có tên mới là chùa Phước Hải. Điện Ngọc Hoàng có kiến trúc đẹp, cổ kính và nổi tiếng linh thiêng, được nhiều người đến chiêm bái, cầu cúng.

Cũng theo quan niệm dân gian: “Mùng chín vía trời, mùng 10 vía đất” nên mùng 9 tháng Giêng hàng năm, người dân tụ tập về đây cúng vía Ngọc Hoàng. Năm 2016, nhân chuyến đến thăm, làm việc tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến tham quan “chùa” Ngọc Hoàng và “chùa” càng thêm nổi tiếng.

Điện thờ Ngọc Hoàng ở Sài Gòn và lễ cúng vía là dạng cơ sở tín ngưỡng tương đối cá biệt. Từ sau khi đạo Cao Đài hình thành (năm 1926) đến nay, lễ vía Ngọc Hoàng trở thành đại lễ trong năm tại tòa thánh Tây Ninh, các thánh thất địa phương cũng như ở một số chi phái Cao Đài khác.

Lễ vía Ngọc Hoàng

Theo định nghĩa trong sách Cao Đài, từ điển của tác giả Đức Nguyên thì ngày vía Đức Chí Tôn hay Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là ngày tượng trưng theo thuyết âm dương.

Theo Dịch số “Số 0 tượng trưng cho Vô Cực là Hư Vô chi khí. Số 1 tượng trưng Thái cực là ngôi của Đức Chí Tôn nên chọn số 1 làm tháng (chọn tháng trước ngày sau), đến số 9 là số thành hình nên chọn số 9 làm ngày”.

Ngày vía Đức Chí Tôn được chọn là mùng 9 tháng Giêng còn có ý nghĩa bày tỏ quan niệm về vũ trụ: Cái khởi đầu và cái sau cùng hình thành càn khôn vũ trụ và vạn vật, hoàn toàn do quyền năng của Đức Chí Tôn. Ngày vía Đức Chí Tôn không phải là ngày giáng sanh mà chỉ là ngày do nhân loại chọn ra để tượng trưng cho Đức Chí Tôn và sự hình thành càn khôn vũ trụ, vạn vật.

Tòa thánh Tây Ninh đêm lễ vía Ngọc Hoàng

Theo chương trình hành lễ của Hội thánh Cao Đài, lễ vía Đức Chí Tôn có phần lễ (cúng tế theo nghi thức tôn giáo) và phần hội, các hoạt động giải trí, vui chơi. Hội thường mở đầu với khai mạc triển lãm từ sáng mùng 8. Đến 19 giờ mùng 8 sẽ diễn ra rước lễ với màn múa Long Mã, Tứ Linh (rồng, lân, quy, phụng) và múa Rồng nhang cùng dàn nhạc dân tộc đi từ trước đền Thánh, Báo Ân Từ, qua Đông và Tây khán đài.

Quan trọng nhất là phần lễ, có hai lễ cúng tiểu đàn chiều mùng 8 tháng Giêng và đại đàn vào nửa đêm mùng 9 tháng Giêng được tổ chức long trọng trong Cửu Trùng Đài ở đền thánh. Năm 2022, tình cờ tôi được tham dự lễ đại đàn cúng vía Đức Chí Tôn và thầm ngạc nhiên, khâm phục tinh thần mộ đạo và tính trật tự, nề nếp của tín đồ đạo Cao Đài. Đã gần nửa đêm, trời se lạnh, khoảng sân Đại Đồng xã rộng mênh mông đã có rất đông người. Dòng người khắp nơi đổ về như những dòng suối trắng tụ về biển người màu trắng. Nhưng khi tiếng trống chuông lễ vang lên, tất cả đều trang nghiêm, ngay hàng thẳng lối, thành kính hướng về đền thánh. Lễ vía kết thúc giữa khuya trong tiếng chuông trống ngân nga vang vọng cả một vùng.

Đạo Cao Đài đã thu hút tín đồ đến với lễ vía Ngọc Hoàng hay chính lễ vía Ngọc Hoàng đã đánh đúng vào niềm tin dân gian vào ông Trời của người dân miền Nam để thu hút họ về với đạo?./.

Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết