Sau 20 ngày chờ đợi, thấp thỏm, nhiều phụ huynh, thí sinh trong buổi chiều cuối cùng đã “chốt hạ” tương lai của con em mình rồi bật khóc và hoang mang không biết con có đỗ đại học hay không. Họ khóc vì đã phải chịu quá nhiều cơ cực, bất an không đáng có. Trong ngày 21/8, dư âm của những ngày ăn trực nằm chờ, rút rút, nộp nộp vẫn tiếp tục được nhiều báo đăng tải. Nhiều câu chuyện “lần đầu tiên xuất hiện” ở Việt Nam nhưng khiến những người làm công tác tuyển sinh phải suy ngẫm: như thuê xe cấp cứu để kịp nộp hồ sơ xét tuyển cho con; những gương mặt phụ huynh, thí sinh thất thần khi kết thúc chuỗi này “cân não” để nộp hồ sơ… Dù Bộ GD-ĐT có ra sức nói về tính ưu việt của kỳ thi này, nhưng không khí nặng nề, bế tắc bao trùm cả lên đầu những người chỉ đứng ngoài chứng kiến cuộc thi.
Cách làm mới hiệu quả có mới? Có giải quyết được những vấn đề căn bản của giáo dục đại học và đặc biệt là giải quyết được tình trạng “cử nhân thất nghiệp hàng loạt trong khi nhiều cơ quan, công ty lại không có người làm” hay tuyển dụng rồi mà lại vô dụng, không đáp ứng được yêu cầu công việc?
Sau những gì đã diễn ra hơn 20 ngày qua cho thấy, cách làm của Bộ trong năm nay đã khiến việc phân ngành, phân nghề không còn ý nghĩa với các thí sinh. Thực chất đây là cuộc đua nhau về điểm số chứ không cần biết thí sinh có yêu ngành nghề mình học hay không. Nhiều người băn khoăn, vậy ở cấp PTTH người ta dạy hướng nghiệp làm gì? Bản chất của việc xét tuyển này có phải là để đào tạo con người ra để làm việc hay không?
Hiếu học thì mới học giỏi. Đối với công việc cũng vậy, phải yêu công việc thì mới làm tốt được việc đó. Thế nhưng, những ngày qua các em chỉ có một mục tiêu duy nhất: Cố gắng làm sao nhét chân vào một trường đại học, còn không biết sau này ra trường sẽ làm gì, nó có phù hợp với “sở trường, sở đoản” của mình hay không. Ước mơ vào được ngành nghề yêu thích của nhiều em cứ “tụt” dần theo diễn biến điểm từng ngày.
Từ trước tới nay, các vị chuyên gia lao động-việc làm luôn than thở rằng, chúng ta đào tạo không phù hợp với nhu cầu. Chúng ta đào tạo ra những ngành nghề mà các cơ quan, doanh nghiệp không cần. Có nghĩa là chúng ta có cái người ta không cần.
Đáng lẽ, với một kỳ thi như thi đại học, thì việc định hướng cho các em nên thi tuyển vào những ngành, nghề nào để cân đối nguồn lực phát triển đất nước, khi ra trường là có việc làm. Câu chuyện cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp năm nào cũng được xới lên và năm nào cũng nóng thế nhưng việc học cứ học, không cần biết sau này ra trường sẽ làm gì. Và cách tuyển sinh khiến thí sinh “bổ nháo, bồ nhào” chọn bừa một ngành học cho có sẽ khiến câu chuyện méo mó về nguồn nhân lực ngày càng trầm trọng hơn. Bộ Giáo dục-Đào tạo đã không đưa ra được con số thống kê cụ thể về cơ cấu kinh tế, nhu cầu cụ thể của từng ngành nghề đã khiến các thí sinh “tù mù”, chọn trường theo tên gọi, sở thích.
Theo giải thích của Bộ GD-ĐT thì năm nay với cách tuyển sinh mới, cơ hội vào các trường đại học của thí sinh sẽ rộng mở hơn. Nhưng đây lại là điều đáng lo. Vì sao? Vì ngay từ đầu, việc kết hợp “2 trong 1” trong một kỳ thi đã khiến nhiều người băn khoăn. Chỉ cần phân tích một cách đơn giản là “Việc gì chuyên môn hóa cao thì chất lượng mới cao”, đằng này một mũi tên với tham vọng trúng “2 đích” thì hiệu quả chắc chắn sẽ rất “nhờ nhờ”. Sau kỳ thi này, nhiều thí sinh đã rất hứng khởi, tràn trề hy vọng trúng tuyển đại học. Bộ GD-ĐT đã “cấy” thêm ước mơ vào đại học cho những em đáng ra năng lực chỉ cao đẳng hoặc học nghề. Chất lượng đào tạo những năm qua đã ở mức báo động rồi thì với đầu vào của năm nay Bộ GD-ĐT có dám bảo đảm, chất lượng đầu ra sẽ tăng khi áp dụng phương pháp tuyển sinh mới?
Để tránh tình trạng lộn xộn, bất an như năm nay, nhiều chuyên gia về tuyển sinh cho rằng, năm tới, nếu còn áp dụng mô hình này, Bộ GD&ĐT nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn khoảng 10 ngày; cho phép thí sinh chọn một ngành ở nhiều trường thay vì chọn nhiều ngành ở một trường như hiện nay.Điều này sẽ giúp các em có thể theo đuổi được ngành nghề mà mình phù hợp và yêu thích thay vì chỉ biết chạy theo xếp hạng điểm số như năm nay.
Bộ cần chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản có thể xảy ra, phải tập huấn kỹ năng xử lý cho các Trường và Sở và Bộ cũng cần phải hoàn thiện phần mềm cho thật tốt để phục vụ tuyển sinh từ trước khi diễn ra kỳ thi.
Và cuối cùng, rất nhiều người mong muốn có một cơ quan kiểm định, đánh giá độc lập về kết quả thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 để làm căn cứ cho các điều chỉnh sau này của Bộ GD-ĐT./.
Vũ Hạnh/VOV.VN