Tiếng Việt | English

10/12/2022 - 07:36

UNCLOS 1982 tạo nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển

Trên cơ sở UNCLOS 1982, lần đầu tiên, cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc thông qua hòa giải và trọng tài được thông qua và áp dụng thực tế, giúp các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.


Quang cảnh cuộc tọa đàm về thành quả 40 năm thực hiện Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS 1982) do Việt Nam, Hy Lạp, Ai Cập và Senegal đồng tổ chức ngày 8/12/2022 (giờ địa phương). (Ảnh: TTXVN)

Có thể nói sự ra đời của UNCLOS 1982 đã tạo nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển, bởi công ước này quy định rất rõ ràng, cụ thể về những nguyên tắc chung và những nội dung chi tiết để giải quyết các tranh chấp trên biển.

Thông qua UNCLOS 1982, nhiều cơ chế riêng biệt về giải quyết tranh chấp trên biển đã được thiết lập, như ủy ban hòa giải, trọng tài..., đặc biệt là Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS). Trên cơ sở UNCLOS 1982, lần đầu tiên, cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc thông qua hòa giải và trọng tài đã được thông qua và áp dụng trên thực tế.

Các cơ chế này đã góp phần duy trì việc tuân thủ những quy định của UNCLOS 1982 trên các vùng biển, đồng thời tạo cơ sở để các quốc gia giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Một quốc gia thành viên UNCLOS có quyền lựa chọn một hay nhiều cơ chế để giải quyết tranh chấp, như ITLOS, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), một tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII hoặc Phụ lục VIII của Công ước. Đơn cử như ITLOS là cơ quan giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982 có quyền tài phán bao gồm tất cả tranh chấp liên quan tới cách diễn giải và áp dụng Công ước.

Kể từ khi Công ước ra đời, ITLOS đã giải quyết khoảng 30 vụ việc tranh chấp từ đánh cá, bảo vệ môi trường biển, đến phân định ranh giới trên biển. ICJ đã thụ lý khoảng 20 vụ việc, trong khi tòa trọng tài đươc thành lập theo phụ lục VII đã giải quyết hơn 10 vụ.

Với thực tiễn áp dụng như vậy, UNCLOS 1982 cũng trở thành luật tập quán quốc tế và điều này sẽ giúp các quốc gia chưa phê duyệt UNCLOS 1982 có thể viện dẫn sử dụng cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách biển của quốc gia cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng.

Tiến sỹ Vũ Hải Đăng, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách đại dương thuộc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nhấn mạnh UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển của các quốc gia.

Chính vì thế, Công ước thường xuyên được viện dẫn và áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nhiều điểm nóng về tranh chấp trên biển như Biển Đông hay Biển Hoa Đông.

Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nêu rõ Công ước đã đóng góp tích cực vào việc giải quyết tranh chấp biển quốc tế nói chung và tại Biển Đông nói riêng.

Trong số các vụ việc điển hình vận dụng UNCLOS 1982 phải kể tới vụ Philippines năm 2013 đệ đơn kiện Trung Quốc liên quan tới các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA), được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982, đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này đưa ra, vốn bao phủ 80% diện tích Biển Đông.

Phán quyết của PCA là cơ sở pháp lý để khẳng định rằng yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ, trái với UNCLOS 1982.

Phán quyết của PCA đối với vụ kiện này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong những nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò tối thượng của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Năm 2016, Timor Leste là nước đầu tiên trên thế giới căn cứ vào thủ tục hòa giải bắt buộc quy định trong các điều 297 và 298 của UNCLOS 1982, yêu cầu Australia thực hiện thủ tục hòa giải để phân định ranh giới biển giữa hai nước. Kết quả là hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới biển cuối cùng vào ngày 6/3/2018.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp của Đại hội Đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông qua Công ước Luật Biển, ngày 8/12/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Năm 2012, ICJ đã ra phán quyết vụ Nicaragua kiện Colombia về việc phân định chủ quyền các đảo Roncador, Serrana và Quitasueno và phân định vùng biển liên quan tại biển Caribe. Theo phán quyết, các hòn đảo nêu trên thuộc chủ quyền của Colombia nhưng ranh giới lãnh hải mà Colombia từng áp đặt cho Nicaragua là không đúng quy định của UNCLOS 1982.

Với phán quyết, Nicaragua có quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ra tới 200 hải lý và do vậy nước này có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thuộc vùng biển có diện tích khoảng 75.000km2 từng bị Colombia tuyên bố quyền chủ quyền.

Một vụ điển hình nữa là tranh chấp giữa Anh và Mauritius liên quan tới việc Anh ngày 1/4/2010 thông báo kế hoạch thành lập khu bảo tồn biển rộng khoảng 210.000km2 xung quanh quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương, một quần đảo thuộc chủ quyền của Mauritius.

Ngày 20/12/2010, Mauritius đã nộp đơn kiện Anh theo Điều 287 và Phụ lục VII của UNCLOS 1982 về tính hợp pháp của khu bảo tồn biển nêu trên. Năm 2015, tòa đã ra phán quyết rằng việc Anh thành lập khu bảo tồn biển như trên là sai.

Các quy định của UNCLOS 1982 cũng đươc áp dụng trong phán quyết ngày 12/10/2021 của ICJ liên quan vụ kiện phân định ranh giới biển cho các vùng biển chồng lấn tại Ấn Độ Dương giữa Somalia và Kenya, bắt đầu từ năm 2014.

Với Việt Nam, UNCLOS 1982 là công cụ pháp lý vững chắc, quan trọng để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển. Theo Giáo sư Thayer, UNCLOS 1982 tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam tuyên bố các tọa độ lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982, được tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội, Đại sứ-Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao cho biết Việt Nam là nước thành công nhất ở khu vực Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất, từ phân định tới dàn xếp tạm thời.

Việt Nam đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997, Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003; phương thức hợp tác cùng phát triển và hợp tác khai thác chung về nghề cá với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ năm 2004, với Malaysia năm 1995, với Campuchia năm 1982 và đang tiếp tục đàm phán giải quyết phân định biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ hay phân định đặc quyền kinh tế với Indonesia.

Theo đánh giá của Giáo sư luật quốc tế Rudiger Wolfrum (người Đức), cựu Chủ tịch ITLOS tại phiên Đối thoại Biển lần thứ tám kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982, diễn ra tháng Sáu vừa qua tại Hà Nội, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 tôn trọng quyền ngang bằng của các quốc gia mà không chịu tác động của bất kỳ nước lớn nào có ảnh hưởng vượt quá khuôn khổ của Công ước.

Nói cách khác, các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế được thiết lập theo UNCLOS1982 đã tạo ra sự bình đẳng, khách quan, giúp các quốc gia lớn và nhỏ trên thế giới giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Quang cảnh hội thảo khoa học "Công tác biển, đảo Việt Nam sau 10 năm thực hiện Luật Biển 2012, 40 năm thực hiện UNCLOS 1982 và những vấn đề đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội, chiều 8/12/2022. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trên thực tế, trong 40 năm qua, trật tự pháp lý trên biển được thiết lập theo UNCLOS 1982 đã góp phần đáng kể duy trì hòa bình và ổn định quốc tế. Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế theo đó cũng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cho rằng UNCLOS 1982 vẫn đang phải đối mặt với các thách thức, tiêu biểu là không có cơ chế thi hành - điều có thể khiến các phán quyết của tòa án bị bỏ qua như vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng tại phiên Đối thoại Biển lần thứ tám, Thẩm phán ITLOS Kriangsak Kittichaisaree (Thái Lan) lưu ý sau 40 năm, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh, từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đánh bắt quá mức tài nguyên thiên nhiên ở biển, đến vấn đề đảm bảo quyền con người trên biển... UNCLOS 1982 sẽ cần có những điều chỉnh để thích ứng.

Tuy nhiên, các học giả tin rằng các thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS 1982 và các hiệp định thực thi trong khuôn khổ Công ước, bởi các phán quyết được đưa ra trên cơ sở UNCLOS 1982 không chỉ thuần túy ràng buộc với các bên tham gia tranh chấp, mà còn là cơ sở cho hợp tác chung.

Như khẳng định của chuyên gia Gusman Siswandi, giảng viên và nhà nghiên cứu luật Đại học Padjadjaran (Indonesia) tại phiên Đối thoại Biển lần thứ tám: “UNCLOS 1982 đã cho chúng ta điểm khởi đầu rất tốt bằng cách quy định rằng các nước nên hợp tác, và cũng cung cấp cho chúng ta khuôn khổ để thực thi điều đó hơn nữa.”

Việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký DOC ngày 4/11/2002 cũng là minh chứng cho vai trò của hợp tác trong việc quản lý khủng hoảng và bất đồng trên biển.

Trong DOC, các bên đã tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Bản thân DOC, từ khi ra đời cũng được coi là cơ sở pháp lý quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm giải quyết những thách thức an ninh trên Biển Đông. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò của UNCLOS 1982 trong việc bảo vệ và duy trì trật tự pháp lý, tạo dựng sự ổn định, hòa bình trên biển và đại dương./.

Phương Hồ (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết