Tiếng Việt | English

23/07/2016 - 13:07

Văn học 30 năm đổi mới (1986-2016): Nhà văn phải đồng hành với người cần lao

“Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016” - đó là chủ đề của Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Hơn 200 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học tham gia với những vấn đề rất được công chúng quan tâm được đặt ra như: Văn học thiếu nhi đang ở đâu, tự do sáng tạo của nhà văn và tư duy đổi mới, văn học trong thời kỳ đổi mới như thế nào. Phóng viên có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau hội nghị này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Nguồn: Internet)

Phóng viên: Ông có thể nhận xét khái quát về văn học Việt Nam sau 30 năm đổi mới?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn học đổi mới trên tất cả bình diện của nó. Ở đây, đề tài mở rộng hơn rất nhiều. Có những đề tài trong chiến tranh chúng ta phải nén lại. Văn học tập trung toàn bộ cho nhân vật chính là người lính và dân tộc trong cuộc chiến tranh bảo vệ sự sinh tồn cũng như thống nhất đất nước chúng ta.

Thứ hai, là phong cách mở rộng ra rất nhiều. Đặc biệt là thi pháp, thể tài thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết đã thay đổi thi pháp rất nhiều.

Ba là, các khuynh hướng sáng tác, chủ nghĩa về văn học, triết học hội nhập vào Việt Nam, được giới thiệu, tiếp nhận trên những vấn đề của xã hội cũng như văn học Việt Nam.

Sự đổi mới có thể nói không phải của thế hệ sau năm 1975 hay thế hệ sau năm 1986 khi chúng ta bắt đầu đổi mới, mà nó đổi mới trên tất cả các nhà văn đang sống và đang viết. Nhưng ở đó, lực lượng chính mang lại một giọng nói mới, một diện mạo mới, mang lại một thi pháp mới; mà tạo ra cái mới là thế hệ sau 1975 đến thế hệ sau này.

Cái hội nhập có khía cạnh nữa là các tác phẩm lâu nay ở nước ngoài, không được dịch ở Việt Nam thì nay đã được dịch, là chất xúc tác với nhà văn Việt Nam trong bước đường đi mới của mình.

Phóng viên: Trong hội nghị có đề cập đến thành tựu và hạn chế; vậy những hạn chế đó là gì, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta đã đổi mới nhưng vẫn chưa tạo được những tác phẩm đỉnh cao. Điều này là điều khó.

Cái hạn chế đáng nói nhất là ở đây, chúng ta có thể tiếp cận các khuynh hướng sáng tác, các trường phái sáng tác, các chủ nghĩa sáng tác nhưng sự kết hợp này chưa được nhuần nhuyễn. Cho nên nó tạo ra một bộ phận nhỏ nhà văn áp dụng hay lấy nguyên tất cả các trường phái của văn học nước ngoài đưa vào, không được Việt hóa.

Hạn chế chung là cảm hứng sáng tác của nhà văn đôi khi xem văn học như là điều gì đó trải qua chứ không phải là sự dấn thân, như sứ mệnh của họ. Các nhà văn trong đổi mới cũng như các nhà văn của các thời đại cũng đều có những hạn chế tương tự như vậy. Cho nên văn học Việt Nam chưa làm được những điều mà bạn đọc cũng như chính các nhà văn mong muốn.

Phóng viên: Không biết có chủ quan không, nhưng tôi thấy văn học Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu đọc hiện nay mà nhiều người sẽ tìm đến văn học dịch, văn học nước ngoài, ông thấy thế nào về nhận định này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn học sau năm 1975 cũng mở ra một biên độ rất rộng mà trước đó chúng ta không nghĩ đến. Văn học Việt Nam đề cập đến các vấn đề số phận con người, ngay cả vấn đề của người đồng tính, gái mại dâm. Ở đây, văn học chạm sâu vào với thái độ đầy nhân tính và chia sẻ. Nhưng phải nói điều này là các tác phẩm nước ngoài vẫn được bạn đọc Việt Nam tìm đọc nhiều hơn là các tác phẩm trong nước.

Điều đó đặt ra câu hỏi là tại sao trong nền văn học khác biệt, trong nền văn hóa khác biệt với những đặc điểm xã hội khác biệt hay với tính cách nhân vật khác biệt, ngôn ngữ khác biệt của các nền văn học khác trên thế giới nhưng lại tìm được sự chia sẻ lớn lao trong đó và tại sao nền văn học Việt Nam chưa tìm được điều đó?

Cái này là câu hỏi đặt ra cho từng nhà văn một, và đó cũng là hạn chế. Nghĩa là chúng ta có tự do sáng tác, tự xuất bản tác phẩm của mình nhưng các nhà văn chưa đi thật sâu vào đời sống và chưa nói hết sự thật trong đời sống cũng như chưa đi đến tận cùng những lý giải, cảm xúc và những vấn đề họ đặt ra.

Bởi vậy, người ta vẫn có thể nghĩ rằng, các nhà văn Việt Nam vẫn nói đến vấn đề của họ nhưng ở mức độ vừa phải. Chính vì điều đó mà sự thỏa mãn các tác phẩm văn học trong nước so với các tác phẩm văn học nước ngoài, các tác phẩm kinh điển, có tư tưởng lớn thì các nhà văn Việt Nam vẫn phải tiếp tục, phấn đấu trong sự cố gắng hết mình để có thể đạt được đáp ứng đó.

Phóng viên: Sự tham gia của hơn 200 nhà văn, nhà thơ đã đưa ra được những giải pháp nhằm đổi mới đồng bộ nền văn học nước nhà chưa, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tại hội nghị vừa qua, rất nhiều ý kiến và tranh luận về vấn đề của thi pháp, của đề tài, nội dung. Đặc biệt, vấn đề đặt ra rất lớn trong hội nghị là nhà văn phải đi cùng, đồng hành cùng người cần lao, những số phận khổ đau, đồng hành cùng sự kiện, hãy đứng vào trong cơn lốc xoáy của đất nước đang phát triển cùng nhiều thách thức. Đó vừa là trách nhiệm của công dân và sứ mệnh của nhà văn. Vì vậy cần lắm lòng quả cảm của nhà văn để dấn thân vào những điều đó. Có như vậy, chúng ta mới có thể tìm kiếm được những tác phẩm trong tương lai mà người đọc Việt Nam giữ lấy như người bạn đồng hành với họ trong suốt cuộc đời.

Phóng viên: Xin cảm ơn nhà thơ!./.

Ngọc Bích (thực hiện)

Chia sẻ bài viết