Trăm năm tuổi một làng nghề
Về Bến Tre, đi qua ngã ba Sơn Đốc, thuộc địa phận xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm sẽ dễ dàng nhìn thấy những hàng bán bánh phồng nối tiếp nhau. Bánh phồng phơi trước sân nhà này liền kề nhà khác tạo thành một dải dài. Tấm bảng Làng nghề truyền thống bánh phồng Sơn Đốc đã nhuốm màu thời gian. Đây là làng nghề 100 năm tuổi ở Bến Tre, người trong làng nghề hầu hết đều có 3 đời làm bánh.
Chị Võ Thị Bé Ái (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) kể, không biết làng nghề có mặt tự khi nào, chỉ biết từ đời ông bà chị thì người dân ở đây đã làm nghề làm bánh phồng, đến cha mẹ chị rồi truyền đến chị. Hỏi tại sao bánh phồng vùng này nổi tiếng, chị cũng không biết rõ. Điều duy nhất chị biết là cân đếm, chọn lựa nguyên liệu thật ngon, quết bột thật mịn, tráng bánh thật đều tay, phơi bánh thật “đặng nắng” để có được cái bánh thơm, ngon bán cho thực khách.
Tấm bảng làng nghề truyền thống dù có cũ do thời gian và sương gió nhưng niềm vui người đến làng nghề thì vẫn mới mẻ, vẹn nguyên
Tất cả nguyên liệu làm bánh phồng: Dừa, nếp, chuối,... đều được người làm bánh mua tại địa phương và chọn lựa kỹ lưỡng. Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng cả miền Nam ai cũng biết, nhưng ít người biết rằng, mỗi lò bánh phồng đều có một chút “tuyệt kỹ” riêng để tạo ra hương vị đặc trưng cho cơ sở của mình.
Dấu gạch nối quá khứ và hiện tại
Bánh phồng Sơn Đốc ngày nay không chỉ có bánh phồng nếp truyền thống mà còn có cả nhiều loại bánh khác: Bánh phồng mì, bánh phồng sữa, bánh phồng chuối, bánh đa, bánh tráng,... Người dân Hưng Nhượng yêu nghề nên từng ngày đều có những cải tiến mới nhằm làm đa dạng sản phẩm của làng nghề, phục vụ nhu cầu khách hàng gần xa.
Chị Bé Ái cho biết: "Món bánh phồng tráng chuối là loại bánh mới của làng nghề, xuất hiện cách đây khoảng 10 năm. Nghe đâu, loại bánh này làm lần đầu tiên tại cơ sở của bà Bùi Thị Sậm. Sau này, bà con trong làng nghề học hỏi, nhân rộng và trở thành một loại bánh nổi tiếng, được nhiều người ưa thích".
Món bánh phồng tráng chuối là loại bánh mới của làng nghề, xuất hiện cách đây khoảng 10 năm
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã tồn tại và phát triển qua suốt cả trăm năm là nhờ vào sự sáng tạo, cải tiến không ngừng của những người làm nghề tại vùng đất đó. Nếu bánh phồng Sơn Đốc mãi độc vị phồng nếp xưa nay, chắc gì đã giữ được sự yêu thích của khách hàng.
Trong quá trình sản xuất, những người thợ bánh phồng Sơn Đốc còn “rỉ tai nhau” cải tiến quy trình làm bánh. Họ dùng máy quết bột thay cho việc quết tay vừa vất vả, vừa nguy hiểm; dùng máy sấy thay cho mặt trời vào mùa mưa gió để bảo đảm bánh có quanh năm cung cấp cho thị trường. Mỗi ngày, một cơ sở sản xuất bánh phồng cho ra lò từ 3.000 - 9.000 cái bánh phồng nhiều loại khác nhau. Riêng mùa tết, số lượng lên đến hàng chục ngàn cái.
Bánh phồng phơi trước sân nhà này liền kề nhà khác tạo thành một dải dài
Không chỉ làm và bán bánh, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc còn là một địa điểm quen thuộc của người làm du lịch. Những chuyến đưa khách về miền Tây ít nhiều đều ghé thăm làng nghề bánh phồng Sơn Đốc để du khách được tận mắt xem cách tạo nên một chiếc bánh phồng, tự tay phơi bánh trên sân cũng như có hình ảnh với một làng nghề truyền thống.
Người ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc hầu như ai cũng quen với điều này, họ vui vẻ, hào sảng khi tiếp khách đường xa. Sự nhiệt tình và chân thành đó mang tới một trải nghiệm thú vị và vui vẻ cho khách ghé thăm. Có lẽ nhờ vậy, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc mới có thể tồn tại ngần ấy năm dù cho xã hội trải qua bao biến cố.
Nếu có dịp về Giồng Trôm, nhất định phải ghé thăm làng nghề bánh phồng Sơn Đốc để chạm vào “dấu gạch nối” quá khứ, hiện tại ở một làng nghề. Bánh phồng Sơn Đốc dù được sáng tạo thêm nhiều loại mới thì bánh phồng nếp vẫn là điểm nhấn. Và quy trình làm bánh dù được cải tiến, dùng máy móc nhiều hơn thì hương vị bánh vẫn được giữ nguyên. Và sự vui vẻ, hiếu khách của người làm bánh ở làng nghề Sơn Đốc thì vẫn như vậy. Tấm bảng làng nghề truyền thống dù có cũ do thời gian và sương gió nhưng niềm vui người đến làng nghề thì vẫn mới mẻ, vẹn nguyên./.
Quế Lâm