Tiếng Việt | English

22/06/2023 - 10:20

Vì sao Tết Đoan ngọ có rượu nếp và trái cây chua?

Cúng Tết Đoan ngọ thường gồm các thực phẩm lành mạnh: hoa quả, rượu nếp, bánh tro… Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, không nên ăn quá nhiều và một số người nên hạn chế.

Mâm cỗ Tết Đoan ngọ với rượu nếp, trái cây theo mùa - Ảnh: T.L.

Hôm nay là 5-5 âm lịch, ngày Tết Đoan ngọ (dân gian hay gọi là ngày giết sâu bọ) lúc tiết trời oi ả, chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Ngày này người dân thường chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ.

Vì sao Tết Đoan ngọ ăn rượu nếp, trái chua?

Thủ tục cúng Tết Đoan Ngọ thường gồm trái cây đúng mùa như vải, mận, rượu nếp, bánh tro. Người xưa quan niệm rằng dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để "giết sâu bọ". Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h trưa tới 13h chiều. Do vậy thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11h - 13h.

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, sâu bọ theo quan niệm của người xưa chính là hệ vi khuẩn trong cơ thể. Con người có hệ vi khuẩn gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn chung sống với nhau. 

Khi sức đề kháng suy yếu hoặc có các vấn đề về sức khỏe thì hại khuẩn sẽ tăng lên khiến cho hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn tiêu hóa.

Có quan niệm cho rằng ăn rượu nếp khi bụng đói sẽ làm cho sâu, bọ trong bụng dễ say lử rồi chết. Còn theo TS Hưng, những nghiên cứu mới đây cũng cho thấy rượu nếp giúp phòng ngừa tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp. 

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp thì thấy rằng cơm rượu nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu. 

Tiến hành nghiên cứu trên hai nhóm bệnh nhân. Một nhóm dùng thuốc hạ huyết áp, còn nhóm kia ăn cơm rượu nếp cẩm. Cả hai nhóm này đều tham gia vào chương trình điều trị bằng cách thay đổi lối sống.

Công trình nghiên cứu cho thấy sau 12 tuần và sau 24 tuần, lượng cholesterol (gồm cholesterol có hại và tổng mức cholesterol) giảm nhiều ở nhóm ăn cơm rượu nếp cẩm.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này, họ phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxy hóa anthocyanin - một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. 

Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt; chất chống oxy hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư.

Ăn rượu nếp nhiều có bị say?

Rượu nếp cẩm kết hợp với sữa chua cũng là một món ăn tốt cho tiêu hóa và hấp dẫn trẻ. Cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp. Vì khi làm cơm rượu, người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, trong khi rượu sẽ ủ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn.

Tuy nhiên TS Hưng lưu ý người ăn rượu nếp lượng quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói có thể bị say. Ăn nhiều rượu nếp cũng có thể dẫn tới bị quá nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Nồng độ cồn trên 0 độ vẫn là vi phạm giao thông. Vì vậy, ăn 1/3 bát rượu nếp thì khoảng một vài tiếng sau mới nên tham gia giao thông.

Cỗ Tết Đoan Ngọ nhiều trái cây, có ngọt, có chua, ông Hưng cho rằng trái cây giàu vitamin nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Người bình thường chỉ nên ăn khoảng 200 - 300g trái cây mỗi ngày.

Riêng đối với những người đái tháo đường, thừa cân, béo phì, người bị rối loạn chuyển hóa khác, ông Hưng lưu ý: chỉ nên ăn số lượng trái cây bằng nửa người bình thường. Còn nếu trái ngọt thì nên ăn ít hơn nữa để kiểm soát đường huyết.

Như quả vải thì người bình thường không nên ăn quá 10 quả/lần ăn, còn người đái tháo đường hoặc người thừa cân, béo phì thì không nên ăn quá 3 - 5 quả/1 lần ăn.

"Cỗ Tết Đoan Ngọ hầu như toàn đồ ngọt. Với những người đái tháo đường, thừa cân, béo phì, người bị rối loạn chuyển hóa khác tốt nhất thì chỉ nên ăn một món trong số các loại này để giải quyết khâu tâm lý. Còn nếu ăn tất cả các món này thì nên chọn số lượng ít đi. Ví dụ, nếu đã ăn bánh gio chấm mật thì không nên ăn thêm cơm" - TS Hưng cho biết.

Còn theo Đông y, bánh tro (có nơi gọi bánh gio, miền Nam gọi là bánh ú tro) sẽ trung hòa bớt độc hại trong thức ăn để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan ngọ bởi ngày này mọi người thường ăn nhiều thứ béo, nhiệt, khó tiêu (rượu nếp, xoài, mít...). 

Bánh tro không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan ngọ mà còn cả thời gian sau đó do có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gout) sỏi thận...

Ngoài ăn rượu nếp, trong Tết Đoan Ngọ còn có phong tục ăn đồ chua. Theo quan niệm dân gian, trong Tết Đoan Ngọ, các tà ma thường rất hung dữ và thường tấn công vào cơ thể con người thông qua đường tiêu hóa, ăn đồ chua có tính chất giúp tiêu hóa và kháng khuẩn sẽ giúp loại bỏ các tà ma trong cơ thể.

Ngoài ra, đồ chua còn có tính chất làm mát và thanh nhiệt, giúp giải độc cơ thể, không bị nóng trong những ngày hè oi bức. Các loại hoa quả có tính chua như mận, dứa, xoài, táo... đều được ưa chuộng trong Tết Đoan Ngọ vì tính chất giải nhiệt và thanh mát.

Tuy nhiên, nên lưu ý rằng những phong tục và tập quán trong Tết Đoan Ngọ không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn có tính chất văn hóa và truyền thống. Vì vậy, chúng ta nên giữ gìn và duy trì những phong tục và tập quán này để giữ cho nền văn hóa và truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát triển. (TRẦN NGỌC VIỆT)

Theo TTO

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích