Học nghề, học sinh được thực hành ngay sau khi học lý thuyết
Nguồn nhân lực chất lượng
Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT thực hiện nhiều công tác nhằm giúp học sinh (HS), giáo viên (GV) dạy và học trong điều kiện tốt nhất, đồng thời áp dụng những phương pháp dạy hiệu quả. Các trường chú trọng tạo điều kiện cho HS tham gia những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khám phá, nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng sống vào giải quyết các vấn đề thực tiễn… Từ đó, giúp HS năng động, tự tin hơn.
Một trong những điểm nổi bật của chương trình phát triển đồng bộ nguồn nhân lực-giải quyết việc làm-giảm nghèo là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,37% năm 2011 xuống còn 2,98% cuối năm 2014, bình quân giảm 1-1,2%/năm, về trước chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 1 năm. |
Bên cạnh đổi mới phương pháp dạy và học, ngành còn triển khai Đề án dạy và học Ngoại ngữ; nâng cao chất lượng dạy tin học; dạy kỹ năng sống; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc cho HS,... Qua đó, HS hứng thú học tập, chất lượng dạy và học của các trường cũng được nâng lên. Ngoài ra, Hội Khuyến học các cấp thực hiện tốt các phong trào khuyến học, khuyến tài, nhằm hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường.
Các cơ sở dạy nghề của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề. Hiện toàn tỉnh có 39 cơ sở dạy nghề. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ bước đầu thực hiện phân luồng HS, chính sách ưu đãi cho người học nghề và công tác tư vấn tuyển sinh của các trường nghề được chú trọng,... từ đó xã hội có cái nhìn tích cực hơn về học nghề, công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề có nhiều thuận lợi. Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Tần (huyện Đức Hòa) - Nguyễn Văn Hùm Anh chia sẻ: Trường chú trọng hướng nghiệp cho HS, đặc biệt là học sinh khối lớp 9, giúp các em có sự lựa chọn đúng - nếu không đậu vào lớp 10 THPT. Ngoài ra, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các trường nghề gặp gỡ HS, phụ huynh tư vấn tuyển sinh.
Còn tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (huyện Đức Hòa), đến mùa tuyển sinh, trường thành lập đoàn đến các trường THCS, THPT tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thạnh Hóa,... tư vấn tuyển sinh. Ở các buổi tư vấn, HS được giới thiệu những ngành nghề chủ lực, những nghề xã hội đang cần và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt, trong đợt tư vấn năm nay, HS được nghe những thông tin mới về Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi. Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết: “Công tác tuyển sinh trong những năm qua có sự chuyển biến rõ nét. HS, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học nghề. Ngoài ra, trường chú trọng đến công tác giới thiệu việc làm cho HS sau tốt nghiệp nên đã tạo được uy tín với xã hội”. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề với những ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, phù hợp với người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động (LĐ). Người học nghề còn được cọ sát thực tế, kết hợp lý thuyết với thực hành và được thực tập tại nhà máy, xí nghiệp để nâng cao tay nghề.
Anh Lê Vĩnh Tín, ngụ phường 2, TP.Tân An, hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo hành Sony tại Long An đã từng học ngành Điện tử của Trường Trung cấp nghề Long An (nay là Trường Cao đẳng nghề Long An). Khi tốt nghiệp, nhà trường đã giới thiệu anh làm việc tại Trung tâm Bảo hành Sony Long An. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình học, anh có nhiều thuận lợi khi áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Với anh, việc học nghề là một sự lựa chọn đúng đắn khi không đủ điều kiện học tiếp đại học, cao đẳng.
Thoát nghèo bền vững
Qua gần 5 năm thực hiện, ngành LĐ-TB&XH đã tuyển sinh, đào tạo hơn 100.000 LĐ, trong đó dạy nghề cho hơn 34.000 LĐ nông thôn. Tỷ lệ LĐ nông thôn sau học nghề có việc làm hoặc tăng thu nhập đạt 83,4%. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó LĐ qua đào tạo nghề đạt trên 40% (đạt chỉ tiêu chương trình đề ra). Ngoài ra, nhiều mô hình giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án cho vay hỗ trợ việc làm đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Giai đoạn 2011-2014, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 124.000 LĐ, đạt 82,7%, ước thực hiện năm 2015 là 30.500 LĐ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị từ 4,2% (năm 2011) giảm xuống còn 3,9% trong (năm 2014). Có lẽ, một trong những điểm nổi bật của chương trình phát triển đồng bộ nguồn nhân lực-giải quyết việc làm-giảm nghèo là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,37% năm 2011 xuống còn 2,98% cuối năm 2014, bình quân giảm 1-1,2%/năm, về trước chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 1 năm (chỉ tiêu đến cuối năm 2015 dưới 3%).
Chủ tịch UBND xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Phol cho biết: Toàn xã có 32 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo. Việc mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, cá cho hơn 63 lượt người dân đã giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Nguyễn Văn Tèo, ngụ ấp 3, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa chia sẻ: “Sau khi kết thúc khóa tập huấn chăn nuôi cá, tôi đã nuôi thử 1.000 con. Sau 3 tháng, tôi thu hoạch và bán với giá 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lời 3-4 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang thả nuôi lại khoảng 6.000 con cá lóc bột".
Không chỉ đào tạo nghề, với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã hỗ trợ nhiều gia đình ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Thái thông tin: Hội đã tiếp nhận nguồn vốn vay từ NHCSXH và thành lập tổ tiết kiệm tín dụng ở các chi hội. Các hội viên được vay cao nhất là 30 triệu đồng, thấp nhất là 10 triệu đồng tùy quy mô và nhu cầu của từng người để phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, buôn bán, sản xuất,… Năm 2010, toàn xã có 101 hộ hội viên PN được vay vốn với số tiền 505 triệu đồng. Đến nay, chỉ còn 42 hộ hội viên vay vốn với tổng số tiền 550 triệu đồng. Từ 101 hộ ban đầu, nay chỉ còn 42 hộ, kết quả có 59 hộ hội viên PN được thoát nghèo, nâng cao mức sống, cải thiện kinh tế gia đình.
Có thể nói, chính sự quan tâm, gắn kết chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, tổ hợp tác,... đã góp phần rất lớn trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Từ đó, đã tạo được những bước chuyển đáng kể, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Phạm Hồng Nghi, 29 tuổi, chuyên viên Phòng Tài chính-Hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính - Một trong những người được học tại nước ngoài theo Đề án Mekong Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, ngành Tài chính doanh nghiệp, tôi về công tác tại Phòng Nội vụ huyện Thạnh Hóa. Khi biết về Đề án Mekong, tôi muốn tiếp tục học để lấy bằng Thạc sĩ, nâng cao kiến thức chuyên môn, cũng như học hỏi, khám phá thêm nhiều điều mới tại các quốc gia phát triển. Tôi đã được học Cao học ngành Tài chính-Kế toán tại Trường Đại học Sheffield Hallam, thành phố Sheffield, Vương quốc Anh từ tháng 9-2011 đến 10-2012. Tại đây, tôi được tiếp cận với điều kiện học tập tốt và hiện đại. Sau khi tốt nghiệp, tôi được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng và áp dụng những kiến thức được học vào thực tế công việc. Đỗ Thị Tuyết Hương, ngụ ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành Trước đây, đời sống gia đình tôi rất khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê. Từ khi được Hội Nông dân xã hỗ trợ cho vay vốn với số tiền 10 triệu đồng, gia đình tôi mua vịt về nuôi, với mong muốn kiếm thêm thu nhập. Sau vài năm tích góp, có được ít vốn, gia đình tôi chuyển sang mướn đất trồng thanh long. Từ đó, đời sống gia đình không còn vất vả và con tôi có thêm điều kiện đến trường. Nay đã thoát nghèo, gia đình tôi hết sức vui mừng. Trong thời gian tới, tôi mong tiếp tục được vay vốn để có thêm điều kiện đầu tư cho chăn nuôi và thoát nghèo bền vững hơn. |
N.Thạch - H.Phong - P.Ngân - K.Ngọc
Xem thêm>>
Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội