Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dạy thêm, học thêm không xấu
Học thêm là nhu cầu có thực của học sinh (HS) và việc dạy thêm hướng đến 2 đối tượng: Một là HS giỏi cần bồi dưỡng nâng cao kiến thức, hai là HS yếu cần học thêm để lấy lại kiến thức căn bản và học lại những gì thầy cô đã giảng trên lớp mà các em chưa nắm bắt kịp. Đối với những HS giỏi, các em có nhu cầu học hỏi thêm những kiến thức ngoài bài giảng chính khóa. Đó là những kiến thức nâng cao so với chương trình học. Việc học thêm đối với HS giỏi sẽ giúp các em khám phá được nhiều cái mới. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các em sẽ tìm ra những cách giải bài tập nhanh hơn, hay hơn. Qua đó, góp phần phát hiện, bồi dưỡng những em có khả năng tham gia các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố hoặc cấp quốc gia. Còn đối với những HS yếu, khả năng tiếp thu chậm thì khi học thêm, các em sẽ được thầy cô giảng lại bài cũ, hướng dẫn làm bài tập để có thể theo kịp các bạn trong lớp. Ở lớp dạy thêm, sĩ số ít nên thầy cô có thể quan tâm đến từng em, biết được các em hỏng kiến thức chỗ nào để hướng dẫn kịp thời.
Nói về điều này, chị Trần Hà Trang (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) chia sẻ: Sức học con trai tôi không được tốt, năm học lớp 6, cháu khá bỡ ngỡ với môn Toán Hình học. Khả năng tiếp thu chậm lại sợ cô giáo nên cháu sợ luôn môn học này. Suốt học kỳ I, cháu không biết giải toán hình học. Nhờ giáo viên trao đổi kịp thời, tôi tìm chỗ cho con học thêm toán. Từ chỗ rất sợ học toán, dần dần cháu giải được những bài tập đơn giản và không còn sợ toán hình học nữa. Tôi thấy việc dạy thêm, học thêm là cần thiết, nhất là đối với những HS tiếp thu chậm như con tôi. Ở lớp học thêm, do ít bạn nên cháu có thể mạnh dạn trao đổi với giáo viên về những gì chưa hiểu.
Cùng quan điểm với chị Trang, Lê Minh Khôi (HS Trường THPT Nguyễn Thông, huyện Châu Thành) cho rằng, nhờ đến lớp học thêm, em mới có thêm nhiều kiến thức và tiếp cận những bài tập khó. “Với thời lượng 1 tiết (45 phút) trên lớp, thầy cô khó truyền tải hết, nhất là không có thời gian để giải những bài tập khó. Do trong lớp có nhiều bạn với sức học khác nhau nên thầy cô cũng không thể tập trung giải những bài tập khó mà chỉ giải những dạng bài thông thường để tất cả các bạn có thể làm được. Còn ở lớp học thêm, thầy cô dạy theo nhóm, các bạn có cùng khả năng tiếp thu nên chúng em có thể thoải mái trao đổi để giải từng dạng bài tập từ dễ đến khó. Theo em, học thêm không xấu, nhờ học thêm em mới làm được những bài tập dạng nâng cao mà trong lớp thầy cô không có thời gian hướng dẫn."
Chỉ có con người làm việc dạy thêm, học thêm xấu đi
Một số người có cái nhìn thiếu thiện cảm về việc dạy thêm, học thêm cũng có lý do riêng. Thực tế có xảy ra tình trạng giáo viên “ép” HS đi học thêm. Chị T.K.A (tổ trưởng chuyên môn của một trường THCS trên địa bàn tỉnh) cho biết: Xếp lịch dạy cho giáo viên vào đầu năm học rất khó bởi nhiều giáo viên muốn dạy và làm chủ nhiệm những lớp đầu cấp để dễ kiếm HS cho lớp dạy thêm. Chẳng hạn như lớp 6, do các em mới chuyển từ tiểu học lên còn nhiều bỡ ngỡ nên thường chọn học thêm với thầy cô giảng dạy mình trên lớp. Hầu hết giáo viên dạy môn chính (Toán, Văn, Anh văn) ở các lớp đầu cấp đều có nhiều HS hơn các lớp khác.
Với tâm lý muốn có thêm thu nhập nên một số giáo viên “ưu ái” hơn đối với các em học thêm như thường xuyên được quan tâm trên lớp, được thầy cô gọi phát biểu, khen trước lớp,... Từ đó tạo tâm lý cho các em khác cũng muốn đến lớp học thêm. Một tình trạng nữa là một số phụ huynh và HS vì không muốn làm “mất lòng” thầy cô đang dạy trên lớp nên tham gia lớp học thêm do thầy cô đó tổ chức. Mặt khác vẫn đến học thêm khác để học vì cách dạy của giáo viên này dễ hiểu và phù hợp hơn. Thế nên, có khi chỉ 1 môn học nhưng có HS phải học thêm tại 2 lớp khác nhau, vừa lãng phí tiền, vừa mất thời gian và nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các em.
Dạy thêm, học thêm không xấu nhưng do chính cách làm của một một số người đã khiến cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm về dạy thêm, học thêm. Để tạo môi trường dạy thêm, học thêm lành mạnh, ngành Giáo dục và các ngành chức năng cần xem xét lại việc quản lý, cấp phép, nhất là hình thức dạy thêm thế nào cho phù hợp. Ở một số tỉnh, việc dạy thêm được tổ chức tập trung tại trường hoặc trung tâm. Theo đó, các lớp được phân theo trình độ, HS có thể chọn học với giáo viên nào mình cảm thấy phù hợp mà không sợ bị “chèn ép”. Đây là một mô hình hay mà những người làm quản lý giáo dục cần tham khảo./.
Cẩm Thúy