Tiếng Việt | English

06/04/2022 - 15:12

‘Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh’

Với chủ đề trên, sáng 06/4, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Thường trực HĐND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu - Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang - Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang - Lê Văn Nưng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn đánh giá rất cao về nội dung, chủ đề và kinh nghiệm mà các tỉnh chia sẻ 

Tại hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực đã chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, mới, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong chuẩn bị, tổ chức kỳ họp, ban hành Nghị quyết; việc tổ chức thảo luận nội dung và điều hành kỳ họp; hoạt động chất vấn, giải trình, đối thoại, giám sát thường xuyên và chuyên đề, đặc biệt là chọn trúng vấn đề, đối tượng giám sát và theo dõi, đôn đốc, tái giám sát các cơ quan thực hiện kiến nghị sau giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết ý kiến cử tri; hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp trong hoạt động giữa Thường trực HĐND và các Ban của HĐND; việc kiện toàn cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND cấp tỉnh,...

Dự hội nghị có lãnh đạo Ban Công tác đại biểu, các cơ quan của Quốc hội, một số bộ ngành Trung ương; lãnh đạo Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND của 13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh khách mời

Tham gia phát biểu tham luận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An - Mai Văn Nhiều đã chia sẻ về “Kinh nghiệm và kết quả bước đầu thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026”.

Ông Mai Văn Nhiều cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Long An đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (gọi tắt là Đề án đổi mới). So với trước đây, Đề án đổi mới nhiệm kỳ này xác định rõ những khâu trọng tâm, đột phá trong từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đổi mới toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt hoạt động HĐND tỉnh.

Qua gần 1 năm thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh Long An rút ra 4 kinh nghiệm và kết quả nổi bật. Trước tiên là chú trọng ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn ngay trong năm đầu, để làm cơ sở định hướng hoạt động cho cả nhiệm kỳ. Đồng thời, tập trung đổi mới phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn; thể hiện vai trò đồng hành, chủ động và dẫn dắt trong các công việc chung của tỉnh, nhất là việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách của địa phương; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động HĐND từ tỉnh đến cơ sở.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tinh Long An - Mai Văn Nhiều trình bày tham luận tại hội nghị

Theo tinh thần Đề án đổi mới, HĐND tỉnh đề ra phương châm hoạt động của nhiệm kỳ 2021 - 2026 là: “Quyết tâm cao, khát vọng lớn, giải pháp mạnh, hành động quyết liệt, thích ứng nhanh nhạy”. Tư duy đổi mới và tinh thần quyết tâm này được Thường trực HĐND tỉnh quán triệt đến các đại biểu, tổ đại biểu HĐND tỉnh thông qua Hội nghị đại biểu HĐND tỉnh cuối năm 2021 (sẽ tiếp tục duy trì hàng năm về sau) và ngay trong từng hoạt động được triển khai từ Thường trực HĐND tỉnh.

Một “điểm nhấn” quan trọng trong hoạt động của HĐND tỉnh Long An năm 2021 và quí I/2022 là tổ chức thành công 3 Chương trình Đối thoại trực tiếp về: Vấn đề điện, nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất ở nông thôn; giải pháp ngăn chặn, xử lý tệ nạn “tín dụng đen”; giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các trường mầm non và phổ thông; tổ chức Phiên giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Qua đó làm đa dạng thêm hình thức giám sát, tương tác, lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri.

Theo ông Mai Văn Nhiều, Đề án đổi mới của HĐND tỉnh xác định tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng là tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử các cấp. Vì vậy, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ mới, Thường trực HĐND tỉnh Long An đã chủ động trao đổi, thống nhất với UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng hàng năm và cả nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp. Trong đó, quy định rất rõ: Đối tượng tham gia công tác thi đua, khen thưởng gồm: tập thể các ban và các tổ đại biểu HĐND tỉnh; tập thể HĐND và các ban của HĐND cấp huyện, cấp xã; cá nhân đại biểu HĐND ba cấp. Nội dung thang điểm thi đua tập trung vào các hoạt động chính của đại biểu và cơ quan dân cử như việc chuẩn bị, tổ chức, tham gia các kỳ họp HĐND, ban hành nghị quyết; việc thực hiện chức năng giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; việc đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động; việc góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT - XH của địa phương.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương, tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An - Mai Văn Nhiều kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 về hướng dẫn một số hoạt động của HĐND, đối với chức năng quyết định nên có sự phân hóa theo hướng: Nội dung ở mức độ nào thì bắt buộc phải trình ra HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định; nội dung ở mức độ nào thì chỉ cần trình Thường trực HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định (như liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh vốn đầu tư theo định mức Trung ương,…) để bảo đảm tính kịp thời và tăng thẩm quyền hợp lý cho Thường trực HĐND cấp tỉnh trong giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp. Đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên quy định Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là đại biểu HĐND tỉnh và là Ủy viên trong Thường trực HĐND tỉnh để tăng số lượng, sức mạnh tập thể cho Thường trực HĐND cấp tỉnh.

Ngoài ra, ông Mai Văn Nhiều cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu nên kết hợp và nối tiếp việc tổ chức hội nghị với HĐND cấp tỉnh theo hướng: Tổ chức trước Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tại 8 khu vực đã phân vùng trên cả nước; sau đó tổng hợp báo cáo kết quả của các hội nghị này tại Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động HĐND cấp tỉnh hàng năm và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo (không chia thành 3 hội nghị tổng kết ở 3 miền bắc, trung, nam như đã làm). 

Thường trực HĐND tỉnh An Giang trao Cờ đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ Hai cho Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn đánh giá rất cao về nội dung, chủ đề và các kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất, kiến nghị xác đáng của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã chia sẻ, trao đổi tại hội nghị. Ông đề nghị Ban Công tác đại biểu tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan cho phù hợp.

Kết thúc hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh An Giang trao Cờ đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ Hai, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang./.

Lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo tỉnh An Giang và Trưởng Đoàn HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khách mời chụp ảnh lưu niệm

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết