Lời khẳng định cho sức sống của cải lương
Ngoài 2 đêm diễn tại TP.HCM, vở Thầy Ba Đợi có 1 đêm công diễn tại Long An - nơi được xem là quê hương thứ hai của đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Với thời lượng 180 phút và sự góp mặt của 60 nghệ sĩ từ 3 miền, Thầy Ba Đợi thực sự chạm đến trái tim người xem.
Cuộc gặp gỡ “định mệnh” giữa thầy Ba Đợi và tiểu thư Ái Hoa
Thầy Ba Đợi kể lại câu chuyện cuộc đời đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương, ông được con gái quan Tổng đốc cưu mang. Mối tình dang dở với nàng tiểu thư hiền thục Ái Hoa tạo nên số phận của thầy Ba Đợi. Cũng từ đó, ngón đờn của ông như gói cả thăng trầm dâu bể quốc gia, tình yêu trắc trở và nỗi niềm làm sao gìn giữ di sản tinh thần, vốn quý âm nhạc dân tộc cho đời sau. Hình tượng thầy Ba Đợi trong vở cải lương là những mường tượng về tính cách, con người của đức nghệ nhân, nhạc sư được kết nối bằng tuyến kịch và những ước lệ về mặt không gian, thời gian đan xen vào nhau. Dù tư liệu về nhạc sư Nguyễn Quang Đại rất hiếm nhưng sự logic trong nghệ thuật hư cấu của vở diễn tái hiện khá đầy đủ những khoảng trống cuộc đời và sự nghiệp của ông trong giai đoạn lịch sử đầy biến động lúc bấy giờ. NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết: “Vở diễn là tâm nguyện của ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ tham gia dâng lên các bậc tiền nhân có công hình thành sân khấu cải lương. Đây là dịp hội tụ của nghệ sĩ 3 miền cùng thể hiện tâm huyết. Chính vì thế, chúng tôi không đặt mục tiêu mang tính nghệ thuật nhiều mà phô diễn những nét đẹp cải lương đang có là sân khấu và sức sống mãnh liệt”.
Sức sống đó thể hiện bằng sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giọng ca cải lương của các nghệ sĩ Bắc, Trung, Nam. Có lẽ đây là lần đầu tiên, khán giả Long An được xem một vở cải lương hòa quyện giọng hát của cả 3 miền. Dù là Bắc, Trung hay Nam thì giọng ca cải lương đều rất “ngọt”. Mỗi điệu xuống “xề” đều khiến khán giả vỗ tay vang rạp. Vở Thầy Ba Đợi chứng minh được sức sống của cải lương trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam khi vượt khỏi không gian Nam bộ quen thuộc, tiến xa và tồn tại bền vững trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của người dân khắp 3 miền.
Nỗ lực của những người tâm huyết
Nghệ sĩ trẻ Phương Nhi (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) hồ hởi khi được xem trực tiếp vở Thầy Ba Đợi, chị chia sẻ: “Tôi rất mong đợi được xem vở Thầy Ba Đợi, bởi đây là lần đầu tiên được trực tiếp xem các nghệ sĩ khắp 3 miền biểu diễn. Đây là cơ hội rất lớn để tôi học hỏi từ các bậc đàn anh. Chính vì vậy, đối với tôi, vở Thầy Ba Đợi thật ý nghĩa và càng đặc biệt hơn khi đây là một dấu ấn đánh dấu 100 năm nghệ thuật cải lương hình thành và phát triển”.
Sự kết hợp 3 miền trong Thầy Ba Đợi không chỉ hết sức nhuần nhuyễn mà còn rất phù hợp với từng giai đoạn cuộc đời của nhân vật cũng như bối cảnh về thời gian, không gian. Tất cả yếu tố trong vở diễn được xây dựng mộc mạc, giản dị, kế thừa cái hay, cái đẹp những người đi trước và quan điểm của những người làm nghệ thuật về cải lương hiện nay. Dưới góc nhìn của một khán giả, Thạc sĩ Nguyễn Tấn Quốc (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) bày tỏ: “Vở cải lương Thầy Ba Đợi ra đời là nỗ lực lớn của những người tâm huyết trong việc tìm hướng đi mới cho bộ môn nghệ thuật cải lương. Đây là vở diễn có ý nghĩa lớn trong đời sống âm nhạc và văn hóa - văn nghệ nói chung. Lần đầu tiên, một nhân vật có đóng góp lớn cho sự hình thành và phát triển đờn ca tài tử, cải lương được đưa lên sân khấu, giúp giới mộ điệu cải lương nói riêng và công chúng nói chung vun bồi thêm tình yêu và hiểu hơn về công lao của đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại đối với bộ môn nghệ thuật dân tộc này”. Soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ: “Dự án kỷ niệm 100 cải lương được hình thành cách đây hơn 2 năm. Chúng tôi quyết định xây dựng vở cải lương Thầy Ba Đợi với mong muốn đề cao công trạng của một người trong giai đoạn thăng trầm của đất nước vẫn giữ được hồn nhạc của dân tộc”.
Cảnh người dân tiễn vua Hàm Nghi khi ông bị lưu đày sang Pháp là một trong những cảnh “lấy nước mắt” người xem
Vở cải lương Thầy Ba Đợi với sự kết hợp dàn nghệ sĩ Bắc, Trung, Nam, dàn dựng hoành tráng, kịch bản cuốn hút khiến người xem mãn nhãn, phải thốt lên “hay quá!” trong tất cả niềm vui! Bản đờn mở đầu vở đưa người xem đắm chìm vào không gian âm nhạc quen thuộc của Nam bộ. Ngay trong những phân cảnh đầu, khán giả đã rơi nước mắt. Cứ như vậy, người xem bị cuốn hút theo câu chuyện về cuộc đời của đức nhạc sư, người đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật cải lương sau này.
Vở diễn mở đầu và khép lại bằng cuộc trò chuyện của anh linh đức nhạc sư và một lão nông hết lòng yêu kính và nể trọng ông. Những giãi bày của lão nông cũng như lời hứa của các học trò tiếp tục sự nghiệp gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật quý báu của dân tộc cho đời sau đã giúp đức nhạc sư yên lòng. Đó cũng là lời hứa của những người làm nghề, những trái tim đang “cháy” vì nghệ thuật cải lương!
Phương Phương - Thùy Minh