Tiếng Việt | English

04/12/2019 - 22:30

''10 ngày trên biển'' hay cơn mộng có thực giữa đại dương

Cuốn tiểu thuyết mang tính chất tự thuật, kể về hành trình lớn trong cuộc đời của nhân vật nữ nhà báo Bạch Dương cùng các đồng nghiệp của mình trên chuyến tàu mang số hiệu 900 tới quần đảo Trường Sa.

Ảnh bìa cuốn sách

Ảnh bìa cuốn sách

'10 ngày trên biển'' là cuốn sách thứ năm của tác giả Thủy Hướng Dương (tên thật là Vũ Thanh Thủy) do nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.

Cuốn tiểu thuyết mang tính chất tự thuật, kể về hành trình lớn trong cuộc đời của nhân vật nữ nhà báo Bạch Dương cùng các đồng nghiệp trên chuyến tàu mang số hiệu 900 tới quần đảo Trường Sa.

Theo tác giả, cuốn tiểu thuyết dựa trên một câu chuyện có thật mà tác giả đã canh cánh bấy lâu nay, khi lời hứa viết về biển đảo vẫn luôn theo sát như một mối nợ mà nếu không thực hiện được thì có lẽ, cuộc đời Thủy khó có thể… an yên.

Chính vì thế khi có người bạn tri kỷ thúc giục, Thủy đã tự ''cấm túc'' tại một nơi vắng vẻ, không liên lạc với ai, và chị đã liên tục làm việc trong 3 tháng để viết ra cuốn tiểu thuyết ''10 ngày trên biển.''

Tác giả khá tế nhị và khiêm tốn khi viết đây là ''sản phẩm'' nghiêm túc chứ chị không dùng ''tác phẩm nghiêm túc.'' Bởi độc giả có toàn quyền đánh giá về cuốn sách này.

Chọn cái tên khá chân phương ''10 ngày trên biển,'' đây là con số 10 ngày lênh đênh trên biển từ cảng Cát Lái đi qua các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa và trở về. 10 ngày với một hành trình mà ''ai cũng mong ước'' được tới một lần trong đời, một chuyến đi không dễ dàng và không phải ai cũng có cơ duyên để làm điều đó.

Mười ngày ấy trải qua những trải nghiệm, câu chuyện, tình huống xuất hiện quanh nhân vật Tôi - nhà báo Bạch Dương nổi tiếng và khá quyến rũ trên chuyến tàu 900, chuyến tàu đưa đoàn người tới quần đảo Trường Sa trước khi nó được xếp vào bảo tàng bởi đã quá tuổi về hưu. Chính vì đi trên chuyến tàu đặc biệt, vậy nên, chuyến đi này cũng thực sự là một chuyến đi đặc biệt với nhiều trải nghiệm ấn tượng.

Các nhân vật trong 10 ngày lênh đênh trên biển luôn kính trọng và hướng về quần đảo thiêng liêng của đất nước - điểm đến trong hành trình của họ, với tình cảm sâu sắc nhất.

Tác giả Thủy Hướng Dương đã dùng biện pháp trần thuật để qua các nhân vật trên cùng một chuyến tàu 900 thấy được những mối quan hệ của xã hội thể hiện trong 10 ngày, khi họ không được kết nối với thế giới thường ngày, không Internet, không wifi, không sóng điện thoại, không còn lo âu tất bật, không còn những cảm xúc ngày thường, mà chỉ đối mặt với biển khơi với sự say sóng là cảnh báo số 1.

Không giáo điều và nghiêm ngặt, ngay từ đầu, tác giả đã xây dựng những nhân vật rất đời thường, mang tính cách khá điển hình. Một Bình, người chồng trong quân ngũ luôn phải che giấu bản thân, nhún mình, và biết thế nào là có lợi, chấp nhận sự ''hèn kém'' của mình để giữ thanh danh và không dám biểu lộ tình yêu với người vợ mới của mình. Có thể đó là sự tiết chế của những con người đã từng trải, sống lâu trong những vỏ bọc nên họ cho dù rất giận dữ bất bình nhưng vẫn cố kìm chế vì sự nghiệp của mình.

Tác giả Thủy Hướng Dương và người lính. (Ảnh: CTV)
Tác giả Thủy Hướng Dương và người lính. (Ảnh: CTV)

Đoàn cùng đi chuyến tàu đến với Trường Sa còn có những cô nhà báo, có cả doanh nhân, hiệu trưởng… Dân báo, đa phần là những cô nhà báo năng nổ, và có quyền lực mềm, ngay như Bạch Dương, mang tính cách khá kiêu kỳ dù bên trong là sự nổi loạn ngầm.

Cô được mô tả là một người đàn bà ‘biết điều’ luôn hiểu vì sao đàn ông thích mình nhưng lại ngơ ngác trước những "cơn sóng dập dình" của tình cảm ngay trên chuyến tàu… ''nghiêm túc'' ấy. Đôi khi, Bạch Dương như một kẻ lạc lõng trong chuyến đi, và cô đóng vai người quan sát thông minh.

10 ngày qua những hòn đảo, tất cả những điều vụn vặt nhỏ nhoi của con người đã bị xóa mờ bởi cảm xúc mạnh mẽ khi được đặt chân tới những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc - biểu tượng của ý chí, lòng hy sinh và yêu nước vô bờ bến. Anh linh của 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma cũng được nhắc tới trong cuốn sách này một cách trân trọng.

''10 ngày trên biển'' của Thủy Hướng Dương, gợi tới tác phẩm ''Decamerone -10 ngày'' của nữ văn sỹ-thi sỹ người Italia là Giovanni Boccacio (1313-1375) nổi tiếng thời Phục Hưng, bởi mỗi ngày cô được trải nghiệm một câu chuyện nhỏ.

Bằng giọng điệu khá tiết chế, tác giả đã mượn hành trình của một nữ nhà báo để miêu tả nội tâm trong mỗi người, đi qua những riêng tư tầm thường của đời sống hàng ngày để tới một sự quan tâm, một niềm yêu chung rất đỗi thiêng liêng mà không gì thay thế được. Đó là tình yêu dành cho vùng chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Sau này, có thể mỗi người lại trở lại với cuộc sống bộn bề của đời thường, nhưng sâu trong tim, chuyến đi 10 ngày ấy đã là một chứng nghiệm tuyệt vời trong đời.

Gập sách lại, ''10 ngày trên biển'' bỗng chốc trở thành một bản tình ca có nhiều giai điệu, có những chi tiết tưởng như khô khan nhưng lại được bù đắp bởi những lời tự sự và những pha hành động mang tính giễu nhại.

''10 ngày trên biển'' đã chứng tỏ Thủy Hướng Dương đã rất mạnh bạo chủ động trong việc sử dụng các tình tiết cao trào và biết ''hạ cánh'' ngoạn mục.

Một cuốn sách khá gợi và chứng tỏ nội lực của Thủy Hương Dương còn nhiều tiềm năng nếu chịu đưa mình vào quỹ đạo của sự sáng tạo. Hy vọng và chờ đợi ở những cuốn sau của chị./.

(Ảnh: CTV)
(Ảnh: CTV)

Đôi nét về tác giả: Nhà văn Thủy Hướng Dương - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Thủy Hướng Dương là nữ nhà văn thuộc thế hệ 7x, sinh ra tại thành phố Nam Định. Chị là cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Thủy Hướng Dương viết văn tương đối muộn, sau một thời gian làm báo.
Chị được độc giả biết đến nhiều nhất khi chị chấp bút cuốn hồi ký ''Chúng tôi và Mig17'' của anh hùng phi công Lưu Huy Chao vào năm 2009. Vì sự nổi tiếng của cuốn hồi ký này, chị được các anh hùng phi công gọi trìu mến là ''Con gái của Không quân Việt Nam.''
Năm 2010, tác phẩm ''Chuyện của lính Tây Nam'' ra đời, được nhà phê bình Bùi Việt Thắng phê như sau: "Là tác phẩm phi hư cấu ghi lại sự khốc liệt của cuộc chiến với bè lũ Pol Pot vô cùng trung thực. Tác giả tuy là nữ giới, chưa một lần cầm súng nhưng lại viết như người lính, thực sự táo bạo." Thời điểm đó chưa có nhà văn nào viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đậm dấu ấn lịch sử.
Cuốn ''Tập mỉm cười trước gương'' xuất bản năm 2016 được chị viết dưới dạng tạp bút và truyện ngắn đã làm tên chị xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy đã nói: "Thủy Hướng Dương có một vốn sống, sự thấu hiểu cuộc đời với mặt trái của nó một cách đáng kinh ngạc bằng kiểu quan sát tinh quái của Vũ Trọng Phụng. Bút lực của Thủy rất sung mãn, rất mới mẻ ở Việt Nam…"
Năm 2017, Thủy Hướng Dương xuất bản cuốn ''Mặt trời không thất hứa,'' một tác phẩm được nhà văn Phạm Ngọc Tiến đánh giá: "Những luận bàn tưởng vu vơ, những câu chuyện thoảng qua nhưng rành rẽ, hướng đến những cái đích chắc chắn đủ luận cứ khoa học lẫn sâu sắc tư duy. Từng trải, ứng nghiệm, thâm thúy, bi hài cùng hóm hỉnh và cười cợt. Đủ cả nhân tình thế thái, triết luận đến dân ý, đạo lý, tư tưởng cùng luân lý đời thường. Cuốn sách mỏng nhưng lại là những thu nhận dày dặn của một người viết trí tuệ, lịch lãm."
Thủy Hướng Dương còn biên tập hai tập hồi ký "Lính Bay I, II" của anh hùng phi công, nguyên chánh thanh tra Bộ Quốc Phòng, Trung tướng Phạm Phú Thái. Đó là tập hồi ký best seller gây sốt năm 2017, 2018./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết