Tiếng Việt | English

27/01/2022 - 08:57

Âm mưu đen tối phía sau 'Kiến nghị 117'

Sự kiện 7 tổ chức “xã hội dân sự” và 79 cái gọi là “nhân sĩ, trí thức” đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ 3 điều luật trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 ngay ngày đầu năm 2022 ("kiến nghị 117") được lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa 3 điều luật, gồm: Điều 109 "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", Điều 117 "Tội phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước" và Điều 331 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" đã khiến dư luận hết sức bất bình.

Truyền thông nước ngoài đưa tin liên quan đến hoạt động kêu gọi xóa bỏ Điều 117 Bộ luật Hình sự

Truyền thông nước ngoài đưa tin liên quan đến hoạt động kêu gọi xóa bỏ Điều 117 Bộ luật Hình sự

Liên quan đến hoạt động kêu gọi xóa bỏ Điều 117 BLHS năm 2015, các hãng truyền thông quốc tế: VOA, RFA, RFI, các trang web Việt Tân, Chân trời mới,... cũng rầm rộ đưa tin và xuyên tạc. Đài Á châu tự do dẫn lời của Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) cùng một số đối tượng chống đối trong nước vu cáo rằng Điều 117 BLHS là “mơ hồ, dập tắt tiếng nói trái chiều”. Trích dẫn lời Mạc Văn Trang - một trong những người khởi xướng kiến nghị: “Những tội danh ấy nó là vi hiến. Bởi vì trong hiến pháp Việt Nam có cái điều quy định là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội”, “những cái điều luật mà quy cái tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, thì cái đó nó vừa vi hiến, vừa vi phạm những cái điều luật quốc tế, công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”, “Cái điều 117 và điều 331 của BLHS năm 2015, cái đó nó rất là vô lý. Và chính cái vô lý đó nó làm chỗ dựa để bắt bớ, tù đày những người yêu nước”.

Trước đó, diễn đàn “Văn Việt” cũng đăng tải một bức thư của nhóm hành nghề luật sư ở hải ngoại kêu gọi hủy bỏ Điều 117 BLHS với nội dung quy kết rằng: “Điều 117 vi phạm Hiến pháp và đang sử dụng như là một phương tiện trấn áp nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị dưới danh nghĩa luật pháp quốc gia,…”. Đặc biệt, khi “nghe tin” phiên tòa xét xử các bị cáo: Cấn Thị Thêu, Phạm Thị Đoan Trang sắp diễn ra, số thành phần bất mãn, chống đối chính trị trong, ngoài nước lại tiếp tục kêu gọi xóa bỏ Điều 117 BLHS với luận điệu “Điều 117 là hạn chế và cản trở quyền công dân quy định tại điều 25 Hiến pháp,…”.

Thực tế cho thấy, những năm qua, các đối tượng chống phá Nhà nước không ngừng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xóa bỏ Điều 117 BLHS để đạt được các mục tiêu, ý đồ phá vỡ quy tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, thúc đẩy hoạt động lợi dụng “quyền tự do ngôn luận” để tuyên truyền chống phá chế độ, tạo tiền đề, điều kiện để chuyển hóa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về bản chất, những kẻ chống phá nhà nước mượn danh nghĩa "kiến nghị 117" để lên án chế độ. Qua đó, kích động người dân chống chế độ bằng cách tấn công trực diện vào hệ thống tư pháp nước nhà.

Bằng một giọng điệu xấc láo, những kẻ bày trò kiến nghị yêu cầu hủy bỏ 3 điều luật quy định về: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội tuyên truyền chống Nhà nước và tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước,... Đây là 3 điều luật mà bất kể một nhà nước nào trên thế giới đều rất coi trọng, cho dù về hình thức thể hiện có thể khác nhau. 3 điều luật này được thiết kế để bảo vệ sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân; bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Trong khi những kẻ ký tên vào cái gọi là “kiến nghị 117” không có tư cách gì để yêu cầu phải hủy bỏ các điều luật được quy định trong BLHS. Bởi Điều 70 của Hiến pháp đã nêu rõ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn "Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”. Điểm này thì Mỹ, châu Âu hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có sự giống nhau, cho dù lớp vỏ ngôn ngữ có thể khác biệt.

Kêu gọi xóa bỏ Điều 117 BLHS, các đối tượng phản động, chống phá nhằm tác động trực tiếp đến nền tư pháp Việt Nam. Cùng với các lập luận, quan điểm xóa bỏ Điều 117 BLHS nhằm tạo ra kẽ hở về mặt pháp lý cho các phần tử phản động, chống phá có cơ hội tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Có thể nói rằng, muốn có cơ hội cho hoạt động tuyên truyền, phát tán các tài liệu chống phá Nhà nước mà không bị các cơ chế pháp lý ràng buộc thì dĩ nhiên các đối tượng cần phải kêu gọi xóa bỏ Điều 117 BLHS.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, kêu gọi xóa bỏ Điều 117 BLHS cũng là lý do để tuyên truyền, xuyên tạc, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, can thiệp vào quyền “tự do ngôn luận” nói lên tiếng nói của công dân. Các hoạt động kêu gọi xóa bỏ điều luật nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng chống phá nhà nước tuyên truyền, can thiệp vào các lĩnh vực nhạy cảm của đời sống xã hội của Việt Nam trong vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, những mục tiêu mà các đối tượng phản động, chống đối đặt ra là có thời cơ, điều kiện thuận lợi để tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Rõ ràng, mọi hoạt động tuyên truyền, kêu gọi xóa bỏ Điều 117, BLHS của các đối tượng phản động, chống phá là một đòi hỏi phi lý, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội. Phải khẳng định rằng, Điều 117 BLHS nói riêng, BLHS nói chung được ban hành hoàn toàn hợp hiến, không vi hiến như các đối tượng chống đối vẫn tuyên truyền, xuyên tạc. Việc thảo luận, lấy ý kiến trước khi ban hành điều luật này dựa trên các căn cứ, cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành, của toàn xã hội và tuân theo một quy trình rất chặt chẽ; đồng thời, nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, ngoại trừ các đối tượng có mục đích, ý đồ xấu. Vì vậy, việc ban hành điều luật này là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Hiến pháp./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết