Tiếng Việt | English

01/06/2024 - 16:11

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Long An thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã tham gia thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh, phát biểu tại buổi thảo luận Tổ

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh, cho biết về dự thảo một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng đã đề xuất 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, đảm bảo thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022.

Cụ thể, các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng gồm 9 chính sách, trong đó, có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới. Các chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm 21 chính sách, trong đó có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.

Đại biểu Lê Thị Song An đề nghị, rà soát một số quy định được quy định cụ thể theo Luật Đầu tư công, vì đây là chính sách đặc thù, cần thiết đưa vào dự thảo Nghị quyết không; đề nghị bổ sung giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố quyết định bố trí số lượng công chức tăng thêm thực hiện nhiệm vụ người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã; bổ sung quy định hình thức triển khai các nội dung của Luật giao cho UBND cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư công để các địa phương khác thực hiện theo Luật, do hiện nay việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công tại Điều 5 chỉ áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và nhóm A, trong khi đó các dự án nhóm B ở các địa phương rất nhiều nhưng hầu hết bị vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng làm kéo dài thời gian thực hiện nhưng lại không được tách.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đề nghị xem xét lại nhận định tại mục 1, phần IV về đánh giá các chính sách tài khoá và công tác điều hành thu chi ngân sách nhà nước năm 2022. Theo nội dung tại mục này, “nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2022 đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra”, trong đó, đối với việc thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH của Quốc hội trong đó có Nghị quyết 43/2022/QH15 “Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản…, các chính sách đã huy động kịp thời mọi nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, nguồn huy động đóng góp, viện trợ từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn lực tài chính khác, đảm bảo nguồn lực phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, duy trì nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy phát triển KT-XH”.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 186/BC-CP, ngày 26/4/2024 của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH: (i) Chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, việc thực hiện giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% đạt 44.458 tỉ đồng, bằng 90% số dự kiến; (ii) Chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Đạt kết quả triển khai thấp, đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách (40.000 tỉ đồng). Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại nhận định nêu trên; đồng thời, thể hiện lại để bảo đảm sát với tình hình triển khai thực tế và bảo đảm tính thống nhất giữa các báo cáo của Chính phủ.

Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu tại điểm 2 khoản 13 Điều 1, đề nghị xem xét, cân nhắc quy định việc phân cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND thành phố; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, UBND các quận, huyện trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu thương mại tự do của Đà Nẵng phải trên cơ sở xem xét đánh giá tác động, khả năng nhân lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan dự kiến được ủy quyền. Đồng thời, cần quy định rõ về trách nhiệm của UBND TP.Đà Nẵng trong việc theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án áp dụng quy định này.

Bên cạnh đó, tại điểm 5 khoản 13 Điều 1, về cơ chế được đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các dự án có chuyển đổi công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giao HĐND TP.Đà Nẵng ban hành tiêu chí phù hợp, lộ trình chuyển đổi công nghệ và điều kiện, định mức, đơn giá đặt hàng liên quan đến việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng, bảo đảm công khai, minh bạch; cân nhắc bổ sung thời hạn hoàn thành nhiệm vụ này để tập trung nguồn lực, cơ chế thúc đẩy việc chuyển đổi này, góp phần mục tiêu phát triển thành phố xanh.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, về đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại khoản 15 của dự thảo Nghị quyết, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng việc thiết kế quy định các chính sách này.

Theo đại biểu, thứ nhất, về thực tiễn, theo báo cáo đánh giá tác động, Đà Nẵng hiện chưa có nhà máy sản xuất chip bán dẫn, các doanh nghiệp, sản phẩm điện tử ở Đà Nẵng chủ yếu nằm ở khâu hạ nguồn, lắp ráp sản phẩm đầu cuối và hệ sinh thái liên quan, nhu cầu đặt nhà máy sản xuất vi mạch tại Đà Nẵng hiện tại là thấp.

Thứ hai, về căn cứ pháp lý, hiện nay chưa có quy định pháp lý hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Mặt khác, theo báo cáo đánh giá tác động, dù trên thực tế đã có những quy định về ưu đãi thuế dành cho các nhóm đối tượng tham gia vào hệ sinh thái khoa học đổi mới sáng tạo, song cho đến nay cả 4 nhóm đối tượng này đều chưa được hưởng ưu đãi.

Thứ ba, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo đều là những lĩnh vực mới và khó, nhiều nước, khu vực có nền công nghiệp phát triển trên thế giới (Mỹ, EU,…) đều thận trọng và phải dựa trên thực tiễn phát triển công nghiệp này để ban hành khung pháp lý.

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông “Xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực có tiềm năng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm trí tuệ nhân tạo”.

Bộ Thông tin và Truyền Thông đã và đang dự thảo các quy định này và khung khổ pháp lý cho chip bán dẫn, vi mạch tại Dự thảo Luật Công nghiệp, công nghệ số. Vì vậy, đại biểu đề nghị nếu đưa các quy định này vào dự thảo Nghị quyết, UBND TP.Đà Nẵng cần phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá, xác định trình độ, tiềm năng và triển vọng phát triển của ngành công nghiệp chip bán dẫn, vi mạch của Đà Nẵng để từ đó thiết kế những chính sách ưu đãi, đặc thù phù hợp và khả thi./.

ND

Chia sẻ bài viết