Tiếng Việt | English

21/06/2023 - 19:20

Cần có chính sách phù hợp để phát triển Data Center, Cloud ở Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan ngại trước đề xuất đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC) và điện toán đám mây (Cloud) vào nhóm các dịch vụ viễn thông.


Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Luật Viễn thông được ban hành lần đầu vào năm 2009. Sau 14 năm thực hiện, bộ luật đã bộc lộ nhiều bất cập và cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển của ngành viễn thông. Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) hiện đang được xem xét và thảo luận tại kỳ họp thứ 5 khóa XV của Quốc hội.

Việc sửa đổi Luật Viễn thông là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành viễn thông trong thời đại số hóa hiện nay. Việc sửa đổi Luật Viễn thông sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật được bổ sung, mở rộng so với quy định hiện hành bao gồm hoạt động viễn thông và thêm trung tâm dữ liệu, kết nối IoT, định danh kết nối số, quản lý kinh doanh viễn thông bao gồm cả kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ IaaS (mô hình kinh doanh phân phối cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin như điện toán, lưu trữ và tài nguyên mạng trên cơ sở thanh toán theo mức sử dụng qua Internet)

Dự thảo cũng đề xuất chính sách quản lý và điều tiết thị trường với mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy thị trường bán buôn, bán lẻ phát triển.

Cân nhắc đưa Data Center và Cloud vào nhóm các dịch vụ viễn thông

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu (Data Center) và điện toán đám mây (Cloud) phát triển nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình 20-30%/ năm trong giai đoạn 2020-2026 đặc biệt là sau khi 2 ngành này được xác định chính là trụ cột của quá trình chuyển đổi số.

Trong chiến lược xây dựng hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Quy mô thị trường Cloud tại Việt Nam đạt khoảng hơn 400 triệu USD, nhưng dự báo đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD. Đây là một dư địa tăng trưởng rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước.

Một trong những điểm mới của dự thảo là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để đưa một số dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm các dịch vụ viễn thông.

Sự thay đổi này khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư vào hai loại hình dịch vụ này tại Việt Nam tỏ ra quan ngại, do có thể làm phát sinh những điều kiện đầu tư, thủ tục cấp phép và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khác so với các qui định hiện hành.

Đại diện một công ty chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho hay trong bối cảnh hiện nay nhiều nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu nước ngoài đang cân nhắc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng trong nước, việc dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm các dịch vụ viễn thông có thể kéo theo việc áp dụng các điều kiện đầu tư và thủ tục cấp phép viễn thông như áp dụng đối với các dịch vụ viễn thông khác, từ đó tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam hiện đang tham gia như WTO, CPTTP hay EVFTA, Việt Nam đã cam kết duy trì việc hạn chế tiếp cận thị trường viễn thông đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ dịch vụ giá trị gia tăng không sử dụng cơ sở vật chất.

Tuy nhiên theo dự thảo, không phải tất cả các loại hình dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu đều thuộc loại hình dịch vụ nêu trên.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế về vốn đầu tư trong khoảng từ 49%-65% tùy thuộc vào loại hình dịch vụ viễn thông và quốc tịch của nhà đầu tư.

Điều 18 của dự thảo đang quy định "hình thức, điều kiện đầu tư nước ngoài và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên."

Như vậy, các doanh nghiệp cho rằng nếu không có quy định rõ ràng đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì nhà đầu tư nước ngoài vào hai loại hình dịch vụ này cũng sẽ bị hạn chế về tỉ lệ vốn đầu tư cũng như các điều kiện tiếp cận thị trường như đối với hoạt động đầu tư vào dịch vụ viễn thông.

Bên cạnh đó, cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào các dự án xây dựng trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam cũng sẽ phải xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Vì vậy, việc đưa các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm dịch vụ viễn thông sẽ tạo nên những hạn chế và rào cản pháp lý cũng như nhiều thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, cung cấp các dịch vụ này, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các dịch vụ lưu trữ dữ liệu và từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu số nói riêng và của cả ngành kinh tế số nói chung.      

Rà soát các chính sách và khung pháp lý đối với dịch vụ Data Center, Cloud

Theo một số kiến nghị, thay vì quy định tại Luật Viễn thông, dịch vụ Data Center và Cloud nên được quy định tại Luật Công nghiệp công nghệ số mà Bộ Thông tin Truyền thông đang soạn thảo.

Điều này sẽ khuyến khích Data Center và Cloud phát triển mạnh mẽ và cởi mở, phá bỏ những hạn chế và điều kiện về đầu tư, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào hai loại dịch vụ này.

Cũng trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội vào ngày 10/6/2023 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với quy định về Data Center và Cloud cũng như đánh giá kĩ lưỡng tác động của việc đưa các dịch vụ này vào trong phạm vi dự thảo nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển vào lĩnh vực này.

Theo một số báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, hầu hết các nước không quy định và quản lý hai loại dịch vụ này như các dịch vụ viễn thông vì tính chất của các loại dịch vụ này là khác nhau.

Dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu được truy cập qua mạng viễn thông (hoặc qua dịch vụ viễn thông) và được quản lý theo khuôn khổ chung của các luật hiện có về trò chơi điện tử, websites, giao dịch tài chính, âm nhạc và điện ảnh.

Đối với các nước đã có quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì thường theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Các tiêu chuẩn kỹ thuật được đưa ra cũng chỉ tập trung vào khía cạnh an toàn dữ liệu của người dùng.

Theo rà soát, hiện nay chỉ có một vài quốc gia quy định trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông, tuy nhiên, hầu như không có quốc gia nào có quy định về hạn chế hai dịch vụ này cung cấp xuyên biên giới hay hạn chế về sở hữu vốn đầu tư nước ngoài./.

Minh Sơn/vietnamplus.vn

Chia sẻ bài viết