Tiếng Việt | English

06/06/2023 - 14:34

Chất vấn việc xử lý số tiền chậm đóng và trốn đóng BHXH

Sáng 06/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 5 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An chất vấn Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung về việc xử lý số tiền chậm đóng và trốn đóng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung trả lời các vấn đề đại biểu đặt ra

Theo định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhóm vấn đề thứ nhất của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các nội dung: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ,…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An nêu lên 2 vấn đề:

Thứ nhất, theo Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu cụ thể về lao động là phát triển lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó, chú trọng các ngành trọng tâm của vùng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, các giải pháp cụ thể trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo tại hệ thống các trường nghề, nhằm kịp thời đào tạo, cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỉ đồng, tăng 121 tỉ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu Bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, những giải pháp nào để thu hồi toàn bộ số tiền nợ đóng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp cố tình trốn đóng Bảo hiểm xã hội và tuyên bố phá sản nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Trả lời các vấn đề chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung nêu, sau khi có chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, các bộ, ngành đã kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287 về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tổ chức các hội nghị triển khai thực hiện tại các địa phương.

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức đóng của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng; quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó. 

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi, hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số biện pháp chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Theo chương trình kỳ họp, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày (bắt đầu từ ngày 06/6 đến hết buổi sáng ngày 08/6/2023). Tất cả các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri trong cả nước theo dõi./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết